1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Pháp đình chỉ 3.000 nhân viên y tế vì từ chối tiêm vắc xin Covid-19

Minh Phương

(Dân trí) - Khoảng 3.000 nhân viên y tế tại các bệnh viện, phòng khám và viện dưỡng lão ở Pháp đã bị đình chỉ công tác sau khi từ chối tiêm vắc xin Covid-19.

Pháp đình chỉ 3.000 nhân viên y tế vì từ chối tiêm vắc xin Covid-19 - 1

Pháp đình chỉ 3.000 nhân viên y tế vì từ chối tiêm vắc xin Covid-19 (Ảnh minh họa: Reuters).

France24 dẫn lời Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran ngày 16/9 cho biết: "Khoảng 3.000 nhân viên y tế tại các cơ sở y tế đã bị thông báo đình chỉ công tác không lương vì chưa tiêm chủng". Bộ trưởng Veran cho biết thêm, khoảng vài chục trường hợp đã xin nghỉ việc thay vì đăng ký tiêm chủng.

Ông Veran nói, quyết định trên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động chăm sóc y tế ở Pháp bởi nước này vẫn có hàng triệu nhân viên y tế. Ông cho biết, chủ yếu các trường hợp bị đình chỉ là nhân viên hỗ trợ và chỉ có số ít là y tá.

Quyết định đình chỉ hàng loạt nhân viên y tế được đưa ra sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ra chỉ thị hồi tháng 7 yêu cầu tất cả nhân viên tại các bệnh viện, phòng khám và viện dưỡng lão, sở cứu hỏa phải tiêm ít nhất một mũi vắc xin ngừa Covid-19 trước ngày 15/9 và phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 để đủ điều kiện tiếp tục làm việc. Chỉ thị cũng yêu cầu toàn bộ nhân viên y tế phải tiêm đủ hai liều trước ngày 16/10. Chỉ thị chỉ miễn trừ các trường hợp có vấn đề về sức khỏe hoặc đã có miễn dịch sau khi mắc Covid-19.

Theo số liệu của giới chức y tế Pháp, tính đến cuối tuần qua, gần 90% nhân viên tại các viện dưỡng lão của nước này đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin ngừa Covid-19. Tính chung, Pháp đã tiêm đầy đủ hai liều cho khoảng 70% dân số trưởng thành.

Pháp đã đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vắc xin sau khi nước này hứng thiệt hại nặng nề trong làn sóng Covid-19 thứ hai. Một phần trong những nỗ lực đó là yêu cầu tiêm chủng bắt buộc với nhân viên y tế và ban hành "thẻ xanh vắc xin".
Tuy vậy, chính sách "thẻ xanh vắc xin" của chính quyền Tổng thống Macron hiện vẫn gây nhiều tranh cãi. Theo chính sách này, người dân cần phải có chứng nhận đã tiêm chủng hoặc đã có miễn dịch vì từng mắc Covid-19 hoặc có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 nếu muốn đến những nơi công cộng như nhà hàng, phòng tập gym, trung tâm thương mại, rạp chiếu phim.

Pháp không phải quốc gia duy nhất ở châu Âu áp dụng chính sách tiêm chủng bắt buộc và cơ chế "thẻ xanh vắc xin".

Italia cũng yêu cầu tiêm chủng bắt buộc đối với nhân viên y tế. Tính đến ngày 16/9, hơn 700 bác sĩ ở Italia đã bị đình chỉ công tác vì chưa tiêm chủng, Reuters dẫn số liệu từ Hiệp hội bác sĩ Italia cho biết. Giới chức nước này hôm 16/9 cũng thông báo, thẻ xanh vắc xin sẽ được bắt buộc đối với toàn bộ người lao động bao gồm cả công chức và lao động ở khu vực tư nhân. Nếu người lao động nào không đáp ứng được yêu cầu này sẽ bị đình chỉ công việc và không được trả lương.

Ở các nước khác như Hà Lan, các khảo sát dư luận cho thấy, đa số người dân ủng hộ tiêm chủng bắt buộc đối với nhân viên y tế. Hà Lan chưa áp dụng biện pháp đó, nhưng dự kiến sẽ triển khai thẻ xanh vắc xin từ ngày 25/9 với người tới các quán bar, nhà hàng, câu lạc bộ hay các sự kiện tập trung đông người.