1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Phần mềm Google Earth khiến Ấn Độ lo lắng

(Dân trí) - Hãng Google đang thảo luận với Ấn Độ về những khu vực nhạy cảm của nước này có thể bị “lộ” qua dịch vụ của Google Earth - chương trình phần mềm bản đồ vệ tinh.

Google Earth là một chương trình phần mềm có thể tải miễn phí trên mạng về máy tính cá nhân. Với phần mềm này, người sử dụng có thể truy cập cơ sở dữ liệu gồm nhiều ảnh chụp từ vệ tinh sau đó ghép lại thành hình ảnh hoàn chỉnh về trái đất. 

 

Google cũng đã bắt đầu tiến hành chú thích một số hình ảnh bằng hình minh họa 3D của một số tòa nhà và địa điểm quan trọng.

 

Lo lắng cho vấn đề an ninh quốc gia, chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu Google giảm chi tiết với một số hình ảnh. Một cuộc họp giữa các bộ trưởng khoa học và công nghệ của Ấn Độ và công ty Google đang diễn ra nhằm thảo luận cụ thể về việc này.

 

Chính phủ Ấn Độ đã lên một danh sách những địa điểm được coi là nhạy cảm, trong đó có các căn cứ quân sự và tòa nhà của chính phủ. Nhiều địa điểm khác trong chương trình Google Earth cũng đã được chính phủ một số nước yêu cầu làm mờ đi để mọi người không thể nhìn thấy các khu vực nhạy cảm trên bản đồ chụp vệ tinh của Google.

 

Theo báo cáo đăng trên tờ Times ở Ấn Độ, chính phủ nước này cho rằng sơ đồ chi tiết của các tòa nhà “nhạy cảm” có thể không có lợi cho an ninh quốc gia trước mối đe dọa từ những kẻ cực đoan. Lo ngại này của Ấn Độ đã xuất hiện từ năm 2005, khi Google cho ra mắt chương trình phần mềm bản đồ vệ tinh Google Earth.

 

Về phía mình, công ty Google tuyên bố sẵn sàng đàm phán với chính phủ Ấn Độ về bất cứ vấn đề gì liên quan đến an ninh.

 

Những hình ảnh trên Google Earth mà chính phủ các nước và một số cơ quan khác thường yêu cầu làm mờ gồm nhà máy điện hạt nhân, các tòa nhà của chính phủ và các cơ quan an ninh.

 

Tuy nhiên, việc này đã khiến nhiều người lại cố tìm bằng được những địa điểm đã được làm mờ bằng kỹ thuật.

 

Đặng Lê

Theo BBC