1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Phần mềm của Mỹ vẫn 'thịnh hành' trong các cơ sở nghiên cứu quân sự Trung Quốc

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc vẫn đang tiếp tục sử dụng phần mềm của Mỹ, trong đó gồm những phát triển mang tính tiên phong trong công nghệ vũ khí siêu thanh, để phục vụ cho quá trình nghiên cứu quân sự của Bắc Kinh.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hàng không Trung Quốc hôm 9/11 vừa qua đã tiết lộ rằng phần mềm của Mỹ đã được sử dụng để giả lập cơ chế khí động lực của tên lửa siêu thanh có khả năng phá hủy mọi hệ thống phòng thủ hiện nay.

Phần mềm của Mỹ vẫn thịnh hành trong các cơ sở nghiên cứu quân sự Trung Quốc - 1

Phần mềm của Mỹ vẫn 'thịnh hành' trong các cơ sở nghiên cứu quân sự Trung Quốc, đặc biệt trong công nghệ vũ khí siêu thanh. (Nguồn: Science Mag)

Zhang Feng, Giáo sư làm việc tại Đại học Công nghệ Quốc phòng Trung Quốc ở thành phố Trường Sa thuộc tỉnh Hồ Nam, miền Nam Trung Quốc, đã dẫn đầu một nhóm nghiên cứu với nhiệm vụ xác định cách thức kiểm soát tính cơ động của tên lửa ở vận tốc gấp 5 lần vận tốc âm thanh hoặc cao hơn.

Theo tài liệu nghiên cứu trên, nhóm này đã sử dụng phần mềm cung cấp bởi Ansys, một công ty của Mỹ có trụ sở ở thành phố Canonsburg thuộc bang Pennsylvania, để thực hiện phần lớn việc giả lập khí động lực. Quá trình này giúp giải quyết vấn đề kiểm soát đường bay của tên lửa với tốc độ cao.

Khi tên lửa hoặc máy bay di chuyển với vận tốc siêu thanh, bất kỳ bộ phận nào trên bề mặt của chúng cũng đều phải chịu áp lực lớn và nhiệt độ cao. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu trên đã phát hiện ra rằng khoảng trống nhỏ giữa cánh và thân tên lửa đã tạo ra khí nóng mạnh tới mức đủ để đốt cháy cánh tên lửa. Phát hiện này đã giải thích cho sự cố nổ máy bay siêu thanh US X-51A vào năm 2012 do “lỗi cánh máy bay”.

Hiện trường đại học của giáo sư Zhang không phải là viện nghiên cứu quân sự duy nhất tại Trung Quốc phát triển vũ khí tiên tiến bằng phần mềm của Mỹ, và Ansys cũng không phải công ty Mỹ duy nhất cấp phép sử dụng phần mềm cho các đối tác Trung Quốc nằm trong danh sách đen.

Chính phủ Mỹ đã cố gắng can thiệp bằng cách ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận với các công cụ đầy quyền lực này, nhưng không thu được nhiều kết quả. Hồi tháng 6, Viện Công nghệ Cáp Nhĩ Tân, một trung tâm nghiên cứu chuyên phụ trách nhiều chương trình quân sự từ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân tới vệ tinh do thám, thông báo rằng viện đã mất khả năng truy cập vào phần mềm toán học phổ biến MatLab của Mỹ.

Lệnh cấm của Mỹ được ban hành ngay sau khi Phòng Công nghiệp và An ninh Mỹ liệt trường đại học này vào danh sách đen các thực thể thù địch. Những trường đại học này sẽ không được phép sử dụng bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ nào của Mỹ trừ khi có giấy phép đặc biệt. Theo một số phương tiện truyền thông của Trung Quốc Đại lục, quyết định này đã gây ra sự xáo trộn tại các trường đại học do các giảng viên và sinh viên đã sử dụng phần mềm này của Mỹ trong nhiều năm qua.

Theo một số ước tính, hơn 80% các công cụ nghiên cứu chính thống được các nhà khoa học và kỹ sư Trung Quốc sử dụng đều có nguồn gốc từ nước ngoài, chủ yếu là từ Mỹ. Chẳng hạn, các gã khổng lồ công nghệ như Huawei sử dụng các công cụ đó để thiết kế ra những con chip máy tính tân tiến trên thế giới.

Trong hầu hết các trường hợp, những công cụ thay thế sản xuất trong nước của Trung Quốc đều không khả dụng bởi quá trình nghiên cứu và phát triển các sản phẩm phần mềm sẽ phải mất hàng năm, thậm chí hàng chục năm, cũng như nền tảng người dùng không đủ lớn. Bởi vậy, điều này đã khiến Trung Quốc quyết định sử dụng phần mềm chuyên nghiệp của các công ty phương Tây trong hoạt động nghiên cứu và phát triển.


Ma Baofeng, Giáo sư của Đại học Hàng không và Vũ trụ Bắc Kinh, cho rằng các công ty của Mỹ không muốn đánh mất thị trường rộng lớn và tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh dồn lực đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, chỉ đứng thứ hai sau Mỹ. Ông nói: “Mọi người đều muốn kiếm tiền, nên họ sẽ tìm mọi cách để lách luật”.

Theo một số nhà nghiên cứu Trung Quốc, một trong những cách để lách luật hiện nay là tạo ra các phiên bản khác nhau của cùng một phần mềm (phiên bản dành cho mục đích quân sự và thương mại). Phiên bản phục vụ mục đích quân sự có thể gồm các thuật toán đặc biệt để tạo ra các kết quả chính xác hơn, tuy nhiên hầu hết các phiên bản thương mại đang được bán ở Trung Quốc. Sự khác biệt giữa ứng dụng phục vụ mục đích quân sự và ứng dụng dân sự luôn được phân định một cách rõ ràng. Một nhà khoa học giấu tên cho biết: “Đối với một số nghiên cứu, chỉ cần phiên bản thương mại là đủ dùng”.

Một nhà nghiên cứu tại Thượng Hải cho rằng những quy định thiếu rõ ràng trong kiểm soát xuất khẩu của Mỹ cũng sẽ tạo điều kiện cho các công ty phần mềm có cơ hội để lách luật. Ông nói: “Thông thường các quy định sẽ không đi vào chi tiết, chẳng hạn sẽ không nêu tên cụ thể phần mềm bị cấm bán tại Trung Quốc”.

Hiện Ansys và một số công ty phần mềm khác của Mỹ vẫn chưa đưa ra bình luận nào về vấn đề này.

Trong khi đó, các nhà khoa học Trung Quốc đã tìm ra những cách thức khác để đối phó với những lệnh cấm trên, trong đó gồm “Lối cũ ta về” – thuật ngữ mà một nhà khoa học không gian ở Bắc Kinh dùng để ám chỉ việc sử dụng các phần mềm bất hợp pháp. Đây là một cách làm phổ biến trước đây tại Trung Quốc khi chưa có các nguồn tài trợ nghiên cứu đủ lớn để mua bản quyền các phần mềm đắt đỏ.

Theo một nhà nghiên cứu tại Nam Kinh, Giang Tô, trong một số lĩnh vực mà Trung Quốc đang vượt Mỹ, các nhà nghiên cứu đang tự phát triển phần mềm nội địa để giải quyết những khó khăn vốn vượt quá khả năng của các công cụ phần mềm phương Tây. Ông khẳng định: “Phần mềm khó bị cấm hơn phần cứng”.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm