1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phần Lan nghi tàu Trung Quốc liên quan vụ thiệt hại đường ống khí đốt

Quốc Đạt

(Dân trí) - Cảnh sát Phần Lan cho biết một tàu Trung Quốc đang là trọng tâm trong cuộc điều tra khả năng đường ống khí đốt giữa Phần Lan và Estonia bị phá hoại trong tháng này.

Phần Lan nghi tàu Trung Quốc liên quan vụ thiệt hại đường ống khí đốt - 1

Tàu NewNew Polar Bear tại cảng Baltiysk ở tỉnh Kaliningrad vào ngày 6/10 (Ảnh: NewNew Shipping Line).

Sau vụ rò rỉ dẫn đến việc đóng cửa đường ống Balticconnector vào ngày 8/10, Phần Lan đang điều tra vụ hư hại mà họ cho là do tác động "bên ngoài" gây ra.

"Quá trình di chuyển của tàu Newnew Polar Bear treo cờ Hong Kong trùng với thời gian và địa điểm xảy ra hư hỏng đường ống dẫn khí", Cục Điều tra Quốc gia Phần Lan cho biết trong một tuyên bố.

"Chúng tôi sẽ hợp tác với chính quyền Trung Quốc để xác định vai trò của con tàu nói trên", quan chức cảnh sát Risto Lohi được dẫn lời trong tuyên bố.

Cảnh sát Phần Lan cũng xác nhận hư hại đường ống là do "một lực cơ học bên ngoài" gây ra và họ đã tìm thấy "một vật nặng" gần hiện trường.

"Chúng tôi đã tìm thấy dưới đáy biển một khối đất khổng lồ mới hình thành gần đây có thể chứa vật thể cực kỳ nặng", ông Lohi cho biết.

Phần Lan nghi tàu Trung Quốc liên quan vụ thiệt hại đường ống khí đốt - 2

Đường ống Balticconnector nối giữa Phần Lan và Estonia (Đồ họa: Guardian).

Cảnh sát sẽ cố gắng trục vớt vật thể khỏi đáy biển để điều tra xem liệu nó có liên quan tới đường ống bị hư hại hay không.

Tuần trước, nhà điều hành đường ống này cho biết sẽ mất ít nhất 5 tháng để sửa chữa đường ống, khiến Phần Lan hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn khí đốt tự nhiên hóa lỏng nhập khẩu trong mùa đông.

Khí đốt tự nhiên chiếm khoảng 5% mức tiêu thụ năng lượng của Phần Lan, chủ yếu được sử dụng trong công nghiệp và sản xuất nhiệt điện kết hợp.

Năm ngoái, các vụ nổ dưới nước đã dẫn đến sự cố vỡ 3 đường ống ở Biển Baltic chuyên dùng vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga đến Tây Âu.

Theo AFP