1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phản đối Trung Quốc lập phòng khí tượng ở Hoàng Sa

Mạng "Tin tức Trung Quốc" (có địa chỉ www.ecns.cn) ngày 10/10 đưa tin phòng khí tượng của cái gọi là "thành phố Tam Sa" ngày 8/10 đã chính thức được thành lập tại đảo Vĩnh Hưng thuộc quần đảo Tây Sa, tức đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

 

 

 

Phản đối Trung Quốc lập phòng khí tượng ở Hoàng Sa

Bản tin đăng trên mạng China News Service về hành động của phía Trung Quốc, xâm phạm chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Vietnam+

Đây lại là một hành động mới xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đơn vị hành chính thuộc quyền quản lý của thành phố Đà Nẵng.

 

Mạng tin trên dẫn tuyên bố của Cục Khí tượng Trung Quốc cho biết, phòng khí tượng "thành phố Tam Sa" được thành lập trên cơ sở các đài khí tượng quần đảo Hoàng Sa, Trung Sa, Nam Sa (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam), đảm nhiệm các nghiệp vụ về quan trắc bầu trời, mặt đất, radar, mưa axít, bức xạ, tia cực tím, định vị chớp, dự báo khí tượng, xây dựng và bảo vệ hệ thống mạng quan trắc trên các đảo và phát thanh sóng ngắn cảnh báo khí tượng hải dương…

 

Phòng khí tượng "thành phố Tam Sa" mới được thành lập sẽ hoạt động dưới sự quản lý của cục khí tượng tỉnh Hải Nam và cái gọi là chính quyền thành phố Tam Sa, trong đó chủ yếu dưới sự lãnh đạo của cục khí tượng tỉnh Hải Nam; thực hiện các chức trách pháp định của cơ quan chủ quản khí tượng khu vực hành chính này, quản lý trạm quan trắc khí tượng trong khu vực, đồng thời phụ trách quản lý nghiệp vụ khí tượng, công tác dịch vụ tương ứng.

 

Cái gọi là "thành phố Tam Sa" ngang nhiên thành lập hồi tháng 7 vừa qua, có "phạm vi quản lý” bao gồm cả huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam) và huyện đảo Hoàng Sa (thành phố Đà Nẵng, Việt Nam).

 

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần khẳng định mọi hoạt động ở khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được sự đồng ý của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, trái với nhận thức chung của lãnh đạo hai nước.

 

Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động ở khu vực hai quần đảo này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là trái với Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển đã ký giữa hai nước, không phù hợp với Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như các cam kết duy trì ổn định, hòa bình trên biển.

 

Theo Vietnam+