1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Phái đoàn châu Phi bắt đầu đến Nga, Ukraine

Thanh Thành

(Dân trí) - Một phái đoàn các nhà lãnh đạo châu Phi đã khởi hành đến Ukraine và Nga nhằm đề xuất một loạt "biện pháp xây dựng lòng tin", bắt đầu sứ mệnh hòa giải xung đột Nga - Ukraine.

Phái đoàn châu Phi bắt đầu đến Nga, Ukraine  - 1

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa (Ảnh: Bloomberg).

Theo tài liệu dự thảo mà hãng tin Reuters có được hôm 15/6, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đang dẫn đầu một phái đoàn bao gồm các nhà lãnh đạo từ Senegal, Zambia, Comoros và Thủ tướng Ai Cập đến thủ đô Kiev của Ukraine trong ngày 16/6 và St. Petersburg của Nga vào ngày 17/6. 

Theo người phát ngôn tổng thống Nam Phi, ông Vincent Magwenya, phái đoàn sẽ gồm 4 tổng thống là ông Ramaphosa cùng 3 người đồng cấp Hakainde Hichilema của Zambia, Azali Asoumani của Comoros và Macky Sall của Senegal và Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly.

Lãnh đạo Cộng hòa Congo và Uganda cử đại diện tham gia phái đoàn, Magwenya cho biết, từ chối bình luận về lý do họ không trực tiếp đến Nga và Ukraine.

"Ông Ramaphosa sẽ rời Kiev ngày 16/6 để đến St. Petersburg, Nga. Phái đoàn châu Phi sẽ gặp Tổng thống Vladimir Putin vào ngày 17/6", nguồn tin cho biết.

Ba lãnh đạo còn lại đều đã khởi hành đến Warsaw, Ba Lan, sau đó cùng ông Ramaphosa lên tàu hỏa đi Kiev và sau đó là St. Petersburg. Và họ dự kiến sẽ gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Chuyến thăm này diễn ra ngay sau khi Ukraine tuần trước phát động giai đoạn chính của cuộc phản công mà nước này hy vọng sẽ giúp giành lại những vùng lãnh thổ do lực lượng Nga đang nắm quyền kiểm soát ở phía nam và phía đông.

Tài liệu dự thảo trên nêu rõ, mục tiêu của nhiệm vụ là "thúc đẩy tầm quan trọng của hòa bình và khuyến khích các bên nhất trí với quá trình đàm phán do ngoại giao dẫn đầu.

"Cuộc xung đột, cũng như các biện pháp trừng phạt đối với Nga của các đối tác thương mại lớn của lục địa châu Phi, đã có tác động xấu đến các nền kinh tế và sinh kế của người châu Phi", nguồn tin nói thêm.

Tài liệu liệt kê một số biện pháp có thể được các nhà lãnh đạo châu Phi đề xuất như một phần của giai đoạn đầu tiên trong quá trình can dự của họ với các bên tham chiến.

Những biện pháp đó có thể bao gồm việc Nga rút quân, loại bỏ vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi Belarus, đình chỉ thực hiện lệnh bắt giữ của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICJ) nhắm vào Tổng thống Putin và nới lỏng các biện pháp trừng phạt.

"Các biện pháp nêu trên nên nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra môi trường thuận lợi cho lệnh ngừng bắn và điều đó sẽ cho phép các bên xây dựng lòng tin và xem xét xây dựng các chiến lược khôi phục hòa bình của họ", tài liệu nêu rõ.

Những cuộc đàm phán đó sẽ cần phải giải quyết các vấn đề bao gồm việc triển khai các hệ thống vũ khí tầm trung, vũ khí hạt nhân chiến thuật và hệ thống vũ khí sinh học.

Cạnh tranh các kế hoạch hòa bình

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, Tổng thống Nam Phi Ramaphosa đã cung cấp cho ông bản mô tả về những nỗ lực của châu Phi. Một phát ngôn viên của Liên hợp quốc cho biết, cả hai nhà lãnh đạo đã hội đàm cách đây một tháng.

"Tất nhiên, tôi luôn khuyến khích mọi nỗ lực liên quan đến hòa bình. Tôi không có nhiệm vụ xác định những gì họ sẽ đạt được", Tổng thư ký Guterres nói với các phóng viên hôm 15/6. "Đây là một sáng kiến quan trọng, dựa trên sự thiện chí của các quốc gia".

Nỗ lực hòa bình này của châu Phi chỉ là một trong một số sáng kiến cạnh tranh nhằm chấm dứt chiến sự Ukraine.

Hồi tháng 5, Trung Quốc, quốc gia đã chào mời kế hoạch hòa bình của riêng mình, đã cử một đặc phái viên hàng đầu tới Kiev, Moscow và các thủ đô châu Âu để thảo luận về một "giải pháp chính trị".

Vatican cũng đã bổ sung một sứ mệnh hòa bình vào tháng trước. Trong tháng này, bộ trưởng quốc phòng Indonesia đã đề xuất một kế hoạch hòa bình, nhưng Kiev đã nhanh chóng bác bỏ.

Kiev cho biết, kế hoạch của họ, dự kiến rút quân đội Nga khỏi đất Ukraine, phải là cơ sở cho bất kỳ giải pháp nào cho cuộc chiến do Nga phát động vào tháng 2/2022, mà Moscow gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" nhằm "phi hạt nhân hóa" nước láng giềng.

Kể từ khi chiến tranh bùng nổ, châu Phi là trung tâm của cuộc cạnh tranh mới về ảnh hưởng giữa một bên là Nga và Trung Quốc và một bên là các quốc gia phương Tây kêu gọi lên án Moscow. Tuy nhiên, các chính phủ châu Phi phần lớn vẫn trung lập.

Theo Reuters