Patriot bao phủ châu Âu: Con dao hai lưỡi?
NATO tích cực trang bị các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và sự xuất hiện của quân đội Mỹ đẩy NATO vào cuộc chạy đua nguy hiểm với Nga.
Trong những năm tới nhiều khả năng sẽ có thêm một số quốc gia lân cận Nga sẽ được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ. Vài ngày trước cổng thông tin defensenews.com đã thông báo rằng, Cơ quan chuyên trách về điều khiển các hợp đồng quốc phòng (Defense Security and Cooperation Agency, DSCA) Bộ Quốc phòng Mỹ đã thông qua việc bán 7 hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Rumania.
Trước đó vào tháng 4/2017, Bộ Quốc phòng Rumani đã gửi yêu cầu chính thức với công ty Raytheon của Mỹ về việc cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho nước này. Tới thời điểm này hợp đồng này đã được phê duyệt và được đánh giá là một trong những hợp đồng triển vọng với tổng giá trị hợp đồng lên tới 3,9 tỷ USD.
Nguồn tin này cũng cho biết rằng, DSCA đã đồng ý bán 7 hệ thống Patriot phiên bản Configuration 3+ cho Rumainia. Phiên bản này được trang bị hệ thống radar, các trạm kiểm soát, điều khiển, hệ thống ăng ten hiện đại, các bệ phóng và máy phát điện bảo đảm toàn bộ tổ hợp hoạt động.
Ngoài ra Mỹ cũng sẵn sàng bán cho Rumania 56 tên lửa Patriot MIM-104E Guidance Enhanced Missile-TBM và 168 tên lửa Patriot Advanced Capability-3 Missile Segment Enhancement. Nhiều khả năng nhà thầu chính trong tương lai sẽ là các công ty Raytheon và Lockheed Martin.
Romania sẽ dùng hệ thống tên lửa Patriot để tăng cường an ninh quốc nội và ngăn chặn các mối đe dọa trong khu vực. Thương vụ tiềm năng này sẽ tăng khả năng phòng vệ của quân đội Romania nhằm chống lại sự xâm lược và bảo vệ các đồng minh NATO thường tham gia huấn luyện và hoạt động tại biên giới Romania.
Theo kế hoạch, hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot sẽ trở thành một phần của hệ thống phòng thủ Rumania, chúng sẽ kết hợp cùng với các máy bay chiến đấu F-16 bảo vệ bầu trời nước này. Trước đó năm 2016 không quân Rumania đã nhận được lô hàng đầu tiên trong số 6 máy bay chiến đấu F-16, các máy bay còn lại sẽ được bàn giao trong tương lai gần. Hiện nay hệ thống Patriot được trang bị cho 13 quốc gia trên thế giới, trong đó có 5 nước NATO và trong thời gian tới con số này sẽ tiếp tục tăng lên, Ba Lan cũng đã đặt hàng hệ thống này.
Romania gia nhập NATO vào năm 2004 và đang tích cực nâng cao khả năng chiến đấu, phòng thủ của các lực lượng vũ trang. Đặc biệt nước này đã đồng ý cho Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên lãnh thổ của họ và trở thành một thành phần quan trọng trong hệ thống phòng không của NATO. Hệ thống này có khả năng đánh chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung.
Ngoài ra các nước vùng Baltic khác cũng đã đồng ý cho Mỹ triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa và các lực lượng quân đội, vũ khí trang bị nhằm bảo vệ trước sự xâm lược của Nga.
Tất cả những hành động này của các nước NATO nhằm đáp trả việc Moscow triển khai các tên lửa Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tại vùng lãnh thổ Kaliningrad giáp biên giới với Lithuania và Ba Lan. Động thái này đã gây bất an cho các thành viên NATO trong khu vực.
Phản ứng trước động thái này, phía Nga sẽ buộc phải có phản ứng cân đối hoặc không đối xứng. Nga cũng chính là một thông điệp cảnh cáo Mỹ và NATO về cái giá của việc gia tăng căng thẳng giữa NATO với Nga cũng như kích động cuộc chạy đua vũ trang mới trên toàn cầu.
Moscow đã nhiều lần tuyên bố rằng những hành động như vậy làm suy yếu nền tảng của sự ổn định chiến lược. Việc NATO tiếp tục tăng cường lực lượng áp sát biên giới Nga và cho phép Mỹ triển khai xây dựng "lá chắn tên lửa" ở châu Âu không những không bảo vệ được họ mà sẽ buộc họ tiến hành cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm với Nga.
Theo Nguyễn Giang
Báo Đất việt