1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Papua New Guinea và những cái chết oan từ mê muội

(Dân trí) - Đổ lỗi cho phép thuật của phù thuỷ về những hiện tượng không thể giải thích được là một điều rất phổ biến ở nông thôn Papua New Guinea. Ở một số vùng cao nguyên của nước này, ma thuật vẫn thường bị coi là nguyên nhân gây ra những cái chết và việc hành hình những người bị gán cho tội phù thuỷ.

Những cuộc hành hình man rợ

 

Jomani, một người theo đạo Thiên chúa, đã có vợ con và là một thành viên đáng kính trong ngôi làng Mondo One của anh. Anh tin rằng bọn phù thủy, hay Sanguma – theo tiếng địa phương, vẫn đang có mặt ở khắp nơi. Giống như những người dân khác sống cùng làng với anh, một làng nằm ở vùng cao nguyên phía Đông Papua New Guinea, anh luôn sống cùng với nỗi lo sợ ám ảnh về bóng ma của phù thuỷ. Jomani thận trọng thu hồi từng sợi tóc, từng mẩu móng tay được cắt ra và nhặt nhạnh từng vụn thức ăn bị rơi vãi vì anh lo sợ rằng chúng có thể bị bọn phù thuỷ dùng để làm hại mình. Anh kể lại cái đêm anh cùng những người đàn ông khác trong làng hành hình 4 phụ nữ láng giềng mà họ tin là những Sanguma.

 

Hồi đó là năm 1997, Jomani và những đàn ông cùng làng đã lôi những người phụ nữ đó ra khỏi nhà họ để tra hỏi về những cái chết xảy ra trong làng, trong đó có một thanh niên 18 tuổi mà họ tin rằng óc của anh ta đã bị thay thế bằng nước bởi một Sanguma. Ở những làng vẫn còn tồn tại sự mê tín vào phép thuật của phù thuỷ tại Papua New Guinea, những cuộc “điều tra” như vậy diễn ra rất dã man: những nạn nhân đã bị tra tấn bằng sắt nung đỏ dí vào bộ phận sinh dục, các vết rạch bằng dao trên cơ thể trong khi những người bị tố cáo là phù thuỷ bị treo lên bằng một tay hay một chân. Cuối cùng những người phụ nữ nói trên đều bị giết: 3 người bị giết bằng súng ngắn tự chế, người thứ tư bị giết bằng dao vì những người đàn ông đã hết đạn. Jomani kể rằng cả 4 người phụ nữ đều đã thú nhận họ là những Sanguma. Được hỏi vì sao họ nhận, anh trả lời thản nhiên “vì chúng tôi tra tấn bằng dao cho tới khi họ chịu nhận mới thôi”.

 

Làng của Jomani không phải là nơi duy nhất ở Papua New Guinea vẫn xảy ra những vụ hành hình như trên. Mấy năm trước, Yauwe Riyong, một nghị sĩ quốc hội ở Simbu đã báo cáo lại trước nghị viện về một trường hợp 15 phụ nữ đã bị “chặt ra thành từng mảnh” vì bị nghi là Sanguma. Ông kể những vụ hành hình tương tự đã xảy ra ở những khu vực cao nguyên khác và thậm chí ngay tại Port Moresby, thủ đô của Papua New Guinea. Bộ trưởng Bộ Cảnh sát Papua New Guinea đã yêu cầu điều tra chi tiết về những vụ hành hình đó, nhưng rất ít nhân viên của ông có thể thực hiện được nhiệm vụ.

 

Cách đây hai tháng, trước bài phát biểu tại nghị viện của nghị sĩ Yauwe Riyong, một nhóm thổ dân đã tấn công một làng ở một nơi hẻo lánh thuộc tỉnh Simbu, đốt phá nhà cửa, gây thương tích cho dân làng và giết 3 người đàn ông bị nghi là phù thuỷ. Ông Sam Imuba-  Phó Chỉ huy Cảnh sát nói rằng hai ngày sau, khi cảnh sát đến điều tra họ đã bị bắn trả và một cuộc xung đột nhỏ đã xảy ra, để lại một người bị chết. Cảnh sát trưởng Simon Kauba cho biết có rất ít kẻ giết người bị bắt và số người bị kết tội còn ít hơn. “Trong các cuộc điều tra, hầu như toàn bộ dân làng đều từ chối hợp tác. Họ hoặc là không khai gì hoặc là cả làng đều khai rằng họ đã tham gia vào vụ hành quyết”, ông kể.

 

Niềm tin mù quáng

 

Jim Tanner, một nhà truyền giáo đã sống gần 30 năm ở một làng trên cao nguyên Papua New Guinea cho biết “hãy thử hình dung bạn sẽ nghĩ gì nếu bạn không hiểu biết về khoa học và thấy một người đột nhiên lăn ra chết. Tôi đã cố gắng giải thích với họ về những con vi trùng – những sinh vật vô cùng bé nhỏ mà ta không thể nhìn thấy bằng mắt thường vẫn gây ra những bệnh tật – và họ nghĩ rằng chắc tôi phải có một thứ phép thuật của người da trắng để nhìn thấy chúng”. Cảnh sát trưởng Kauba nói: “Nếu có một người bị chết, những người dân trong làng đều tin rằng phải có ai đó chịu trách nhiệm về việc đó. Họ tố cáo một người về tội làm phù thuỷ và cả làng sẽ quyết định điều gì sẽ xảy ra với người đó”.

 

Hồi đầu thập niên 80, nhà nhân loại học người Mỹ Bruce M. Knauft đã nghiên cứu làng Gebusi, một làng ở một tỉnh phía Tây Papua New Guinea. Ông đã ghi lại được những “cuộc điều tra án mạng” được tiến hành thông qua những người ngồi đồng. “Có thể nói những người Gebusi luôn gán những cái chết hoàn toàn do tự nhiên cho một yếu tố nào đã do con người gây ra. Quan niệm coi đó là kết quả của phép thuật phù thuỷ đã dẫn một con số rất cao các vụ hành quyết”, Knauft nhận xét.

 

Nghiên cứu tiểu sử trong vòng 42 năm của các gia đình ở đó, ông thấy rằng cứ 3 cái chết của người lớn thì có 1 do bị hành quyết; trong số đó, Knauft ước tính, có 86% là do bị kết tội làm phù thuỷ. Những người dân làng là phụ nữ cao tuổi, hoặc có ít người thân thường là những người có nguy cơ cao nhất bị giết hại vì bị kết tội làm phù thuỷ.

 

Tính chất của hủ tục này không phải ở đâu cũng giống nhau: trong khi ở một số nơi, nhất là những trung tâm đô thị, sự mê tín đối với phép thuật của phù thuỷ đang giảm đi thì ở những nơi khác quan niệm truyền thống về các Sanguma cũng khác nhau. Người ta cho rằng “lũ phù thuỷ” thường biến thành các con vật – như dơi, chim, thú có túi... – rồi đi lang thang trong đêm. Bọn chúng có thể dùng cành lá cây để thực hiện những nghi lễ của chúng, hoặc có thể nhặt lấy những thứ do mọi người bỏ lại như đồ ăn thừa, phân, rồi gói lại bằng lá cây và phù phép vào đó, làm cho những nạn nhân bị ốm rồi chết. Một số Sanguma còn bị cho rằng vẫn ăn xác chết hoặc thay thế các bộ phận trong cơ thể nạn nhân bằng cỏ hoặc các hòn đá.

 

Mối liên hệ giữa phép thuật và HIV

 

Nhiều dấu hiệu cho thấy đang có một đợt sóng gia tăng các vụ hành quyết Sanguma. Nhà truyền giáo Tanner cho biết rằng trong suốt 26 năm sống ở một làng trên cao nguyên ông không thấy những vụ hành quyết như vậy, nhưng chỉ trong vòng 5 năm gần đây ở đó đã xảy ra 4 vụ. Một giáo sư nghiên cứu tôn giáo ở Đại học Sydney nói: “Có một chiều hướng đáng lo ngại từ khi có sự tiếp xúc với người châu Âu, với sự mở mang đường sá và hệ thống viễn thông không ngừng được nâng cấp, khiến cho những điều mê tín về các phù thủy được lan truyền một cách dễ dàng từ nơi này sang nơi khác”.

 

Còn khả năng có một mối liên hệ giữa sự lo sợ đang gia tăng về các phù thuỷ và đại dịch HIV đang lan tràn ở Papua New Guinea. Một nhóm tìm hiểu thực tế của Liên hợp quốc đã cho rằng nhiều người dân ở Papua New Guinea có xu hướng thấy phép thuật phù thuỷ là sự giải thích dễ chấp nhận hơn là virus HIV đối với những người bị mắc bệnh AIDS. “Bệnh AIDS sẽ làm cho nạn hành quyết những người bị coi là phù thuỷ trở nên trầm trọng hơn”, Tanner nói.

 

Papua New Guinea là đất nước của nhiều sự mâu thuẫn, với những sợi dây của xã hội hiện đại được dệt xen vào tấm vải truyền thống cổ xưa. Đó là nơi mà phụ nữ vẫn bị coi là tài sản riêng và người chồng tương lai phải bồi thường cho cha mẹ của cô gái vì họ thiếu đi sức lao động của cô và những mối quan hệ gắn bó trong cộng đồng vẫn đủ mạnh để làm cho những trại trẻ mồ côi và nhà dưỡng lão trở nên không cần thiết.

 

Sự u mê càng trầm trọng hơn

 

10 năm trước, một thanh niên tên là Arnold Roid và nhiều người khác ở làng Simbu của anh đã thiêu sống 4 người phụ nữ mà họ tin là những phù thuỷ; anh cho biết họ đã giấu tro hài cốt của 4 phụ nữ trên trong một cái hang. Cũng giống như Joe Jomani, Roid cho biết anh sẽ lại tham gia vào các vụ hành quyết để trừ khử bọn phù thuỷ. Cả hai người đàn ông trên đều đã lớn lên trên đất nước Papua New Guinea hiện đại với đèn điện, máy bay, xe tải, bia lon, thuốc kháng sinh và thiết bị điện tử. Nhưng hơn 60 năm sau khi nền văn minh của những người da trắng thâm nhập vào mảnh đất cao nguyên của họ, những mối sợ hãi và hủ tục từ ngàn đời vẫn còn bao trùm họ và có sức mạnh không kém gì ngày xưa.

 

                                       Vũ Anh Tuấn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm