1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Pakistan cho Trung Quốc xem máy bay tàng hình Mỹ

(Dân trí) - Pakistan đã cho phép Trung Quốc tiếp cận chiếc trực thăng “tàng hình” chưa từng được biết đến trước của Mỹ, bị rơi trong cuộc đột kích tiêu diệt Osama bin Laden hồi tháng 5, bấp chấp sự phản đối từ phía CIA.

 
Pakistan cho Trung Quốc xem máy bay tàng hình Mỹ - 1
Một phần cánh quạt của chiếc trực thăng mắc trên tường nhà Bin Laden.

Tiết lộ trên của tờ Financial Times hôm qua, nếu được xác nhận, nhiều khả năng sẽ tiếp gia tăng thêm căng thẳng trong mối quan hệ Mỹ-Pakistan, vốn vừa mới được cải thiện chút đỉnh sau khi rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua sau vụ tiêu diệt thủ lĩnh al-Qaeda.

Trong cuộc đột kích hồi tháng 5, một trực thăng Blackhawk được cải tiến, được tin là có khả năng tàng hình, đã gặp sự cố và bị rơi, khiến các lính đặc nhiệm Mỹ phải phá hủy nó.

“Mỹ giờ đây có thông tin rằng Pakistan, cụ thể là Cơ quan tình báo ISI, đã cho quân đội Trung Quốc tiếp cận chiếc trực thăng bị rơi tại Abbottabab”, tờ Financial Times trích lời một quan chức tình báo Pakistan.

Bài báo cho hay Pakistan, hiện đang có quan hệ thân thiết với Trung Quốc, đã để các giới chức tình báo Trung Quốc chụp ảnh chiếc máy bay bị nạn cũng như lấy các mẫu “vỏ” đặc biệt của nó. Được biết, nhờ khả năng tảng hình mà Mỹ đã có thể tiến hành cuộc đột kích mà không bị rađa Pakistan phát hiện.

Một quan chức Mỹ giấu tên nói có lý do để tin là Pakistan đã để Trung Quốc tiếp cận chiếc máy bay. Nhưng quan chức này không xác nhận chắc chắn rằng điều này đã xảy ra.

Quân đội Pakistan chưa bình luận về bài báo trên, nhưng ISI, Cơ quan tình báo hàng đầu của Pakistan, đã bác bỏ nguồn tin trên. Tướng Ashfaq Kayani, Tổng tham mưu trưởng quân đội Pakistan, cũng bác bỏ chuyện Trung Quốc đã tiếp cận chiếc trực thăng bí mật.

Sau khi bị các lính đặc nhiệm Mỹ cố tình phá hủy để giữ bí mật, phần đuôi còn lại của máy bay - mà ảnh của nó xuất hiện tràn làn trên Internet - đã được đưa trở về Mỹ sau chuyến thăm của Thượng nghị sĩ John Kerry hồi tháng 5, theo một phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ.

Ngay sau cuộc đột kích, Pakistan đã ngụ ý rằng nước rằng có thể cho Trung Quốc tiếp cận máy bay, vì giận dữ với cuộc đột kích, vốn bị quốc gia Nam Á xem là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền nước này.

“Chúng tôi đã yêu cầu dứt khoát ngay sau vụ đột kích rằng Pakistan không được phép cho ai tiếp cận phần còn lại của chiếc trực thăng”, Financial Times trích một nguồn tin giấu tên.

Trong một vụ tai nạn như tai nạn trực thăng, Mỹ thường phá hủy các thiết bị công nghệ tinh vi các máy tính dẫn đường và liên lạc mật mã để bảo mật.

Không hài lòng

Pakistan là một đồng minh chiến lược của Mỹ nhưng mối quan hệ giữa 2 nước đã sụt giảm nghiêm trọng kể từ vụ tiêu diệt Osama bin Laden trong cuộc đột kích của các lực lượng Mỹ.

Islamabad không được thông báo trước về vụ việc và phản ứng giận dữ bằng cách cắt giảm số lượng các chuyên gia huấn luyện của Mỹ tại nước này và giới hạn các hoạt động của CIA.

Trong một hành động chứng tỏ sự không hài lòng về phản ứng của Pakistan, Mỹ đã cắt giảm 1/3 trong số 2,7 tỷ viện trợ quân sự thường niên cho Pakistan.

Sự thật rằng thủ lĩnh ak-Qaeda đã sống trong nhiều năm gần một học viện chính của quân đội Pakistan ở thị trấn quân sự Abbotabad đã làm tăng thêm những nghi ngờ tại Washington về độ tin cậy của Islamabad trong cuộc chiến chống lại các phiến quân Hồi giáo.

Bất chấp những điều này, cả hai bên vẫn cố gắng ngăn chặn sự đổ vỡ trong quan hệ giữa 2 nước.

Giám đốc Cơ quan tình báo Pakistan, Trung tướng Ahmad Shuja Pasha, hồi tháng trước đã tới thăm Mỹ để đàm phán với các quan chức chính phủ và tình báo Mỹ mà cả hai bên đều nói là diễn ra tốt đẹp.

Bất chấp hàng tỷ tiền viện trợ của Mỹ, Pakistan vẫn coi Trung Quốc là một đối tác tin cậy hơn Mỹ. Trung Quốc là nhà đầu tư chính tại Pakistan trong các lĩnh vực như viễn thông, các cảng và cơ sở hạ tầng.

An Bình
Theo Reuters