1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Pakistan cân nhắc lại khoản đầu tư 62 tỉ USD từ Trung Quốc

(Dân trí) - Pakistan dường như đang lên kế hoạch xem xét hoặc thương lượng lại các thỏa thuận nằm trong Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC), siêu dự án trị giá 62 tỉ USD phát triển cơ sở hạ tầng thuộc sáng kiến “vành đai, con đường” (BRI) do Bắc Kinh đầu tư.

Cảng Gwadar (Ảnh: AFP)
Cảng Gwadar (Ảnh: AFP)

Financial Times ngày 10/9 đưa tin, Pakistan được cho là đang lên kế hoạch cân nhắc và tái thương lượng các thỏa thuận đã đạt được với Trung Quốc trong khuôn khổ dự án CPEC. Theo các bộ trưởng và cố vấn của Islamabad, chính phủ mới của tân Thủ tướng Imran Khan dường như đang xem xét lại các dự án và điều khoản do quan ngại rằng các dự án này mang lại quá nhiều lợi ích cho các công ty Trung Quốc.

Siêu dự án CPEC nhằm mục đích liên kết cảng Gwadar ở phía tây nam Pakistan với khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc, thông qua mạng lưới đường cao tốc, đường sắt và đường ống vận chuyển dầu khí, cho tới thời điểm hiện tại là một trong những phần dự án có quy mô lớn nhất thuộc sáng kiến BRI của Trung Quốc. Dự kiến, Trung Quốc sẽ rót vốn để mở rộng cảng Gwadar, cũng như đầu tư 30 tỉ USD vào các dự án nhà máy điện.

“Chính phủ tiền nhiệm đã không thực hiện tốt nhiệm vụ thương lượng với Trung Quốc trong khuôn khổ CPEC. Họ đã cho đi quá nhiều”, ông Abdul Razak Dawood, quan chức nội các Pakistan phụ trách thương mại, dệt may, công nghiệp và đầu tư trả lời Financial Times.

“Các công ty Trung Quốc được hưởng chính sách miễn thuế cũng như các lợi ích khác và có quá nhiều ưu thế kinh doanh ở Pakistan. Điều này gây nên bất lợi rõ ràng cho các công ty Pakistan”, ông Dawood nói.

Thủ tướng Khan đã thành lập một ủy ban gồm 9 người có nhiệm vụ đánh giá các dự án nằm trong CPEC. Dự kiến, ủy ban này sẽ nhóm họp lần đầu trong tuần này và cân nhắc khía cạnh lợi ích cũng như các khoản nợ trọng việc triển khai CPEC, theo ông Dawood.

Quan chức này cho rằng: “Tôi nghĩ chúng ta nên dừng mọi thứ lại trong 1 năm để chúng ta có thể cân nhắc về mọi khía cạnh”.

Các quan chức và cố vấn của chính phủ ông Khan dường như đang nghiêng về phương án mở rộng các điều khoản trong khoản vay liên quan tới CPEC và kéo dài thời gian thực hiện các dự án, hơn là phương án hủy bỏ hoàn toàn.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong chuyến thăm Islamabad hồi tuần trước nói rằng Bắc Kinh cởi mở trong việc thương lượng lại các thỏa thuận với Pakistan.

“CPEC sẽ không trở thành gánh nặng nợ nần cho Pakistan. Một khi các dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, nó sẽ có những giá trị kinh tế to lớn”, ông Vương nhấn mạnh.

Ngoài Pakistan, nhiều quốc gia đang suy nghĩ lại về các khoản đầu tư của Bắc Kinh trong sáng kiến BRI nhằm nâng cao tầm ảnh hưởng toàn cầu như: Malaysia, Sri Lanka, Myanmar.

Đức Hoàng

Theo Straits Times