Ông Trump sẽ đưa Nga - Ukraine tới bàn đàm phán trong ngày đầu nhậm chức
(Dân trí) - Người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump cho biết Tổng thống đắc cử có ý định đưa Ukraine và Nga vào bàn đàm phán ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức.
"Tổng thống Trump có ý định vào ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống mới của mình sẽ đưa Ukraine và Nga vào bàn đàm phán để chấm dứt cuộc chiến này", bà Karoline Leavitt, Thư ký báo chí quốc gia của chiến dịch tranh cử của Tổng thống đắc cử Donald Trump, cho biết hôm 11/11.
Trước đó, bà Leavitt nói rằng ông Trump sẽ đảo ngược các sắc lệnh của chính quyền Tổng thống Joe Biden bằng cách ký hàng chục sắc lệnh hành pháp có liên quan trong tuần đầu tiên sau khi ông chính thức nhậm chức.
Ông Trump tái đắc cử sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hôm 5/11 trước ứng viên Dân chủ Kamala Harris. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nhiều lần tuyên bố có khả năng chấm dứt xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ, nhưng không nêu giải pháp cụ thể.
Đội ngũ của ông Trump được cho là đã định hình chính sách đối ngoại cho chính quyền sắp tới, trong đó có chính sách với Ukraine.
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk hôm 10/11 nói rằng đội ngũ của Tổng thống đắc cử Trump đang nghiên cứu lộ trình đối với việc giải quyết xung đột ở Ukraine.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Ba Lan dự đoán Tổng thống đắc cử Mỹ sẽ công khai một số yếu tố quan trọng trong kế hoạch nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine trong tương lai gần, như mốc thời gian cho một lệnh ngừng bắn tiềm năng, ranh giới mà lệnh ngừng bắn sẽ có hiệu lực, cũng như các đảm bảo an ninh cho Ukraine.
Báo Wall Street Journal tuần trước dẫn nguồn tin ẩn danh cho biết, một trong những kế hoạch đang được xem xét bao gồm việc Kiev hoãn tham vọng gia nhập NATO trong vòng 20 năm và đóng băng cuộc xung đột dọc theo chiến tuyến hiện tại.
Ngoài ra, kế hoạch cũng bao gồm việc thành lập một khu phi quân sự dọc theo chiến tuyến hiện tại. Bài báo dẫn lời một cố vấn giấu tên của ông Trump lưu ý, các quốc gia châu Âu sẽ đảm nhận nhiệm vụ duy trì hòa bình ở khu vực đó thay vì quân đội Mỹ hay các tổ chức quốc tế do Mỹ tài trợ như Liên hợp quốc.
Chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky loại trừ bất kỳ nhượng bộ nào đối với Nga, bao gồm kịch bản nhượng bộ lãnh thổ. Tuy nhiên, ông có thể sẽ đối mặt sức ép lớn nếu ông Trump quyết định Kiev phải thực hiện thỏa thuận hòa bình với Nga.
Shelby Magid, Phó Giám đốc Trung tâm Á - Âu của Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định với Bloomberg, chiến thắng của ông Trump đã thay đổi thái độ của Ukraine đối với các cuộc đàm phán. Bà nói thêm rằng Kiev đang "đi theo hướng chấp nhận rằng các cuộc đàm phán là hiện thực".
Ông Trump từ lâu đã phản đối việc Mỹ đổ hàng tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine. Ông từng cảnh báo sẽ cắt viện trợ cho Ukraine hoặc viện trợ dưới dạng các khoản vay.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan hôm qua cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden duy trì sự ủng hộ cho Ukraine trong những tuần cuối cùng của nhiệm kỳ trước khi ông Trump nhậm chức. Washington dự kiến sử dụng toàn bộ nguồn lực đã được quốc hội phê duyệt để hỗ trợ Ukraine.
Trong 70 ngày tới, Tổng thống Biden cũng sẽ nỗ lực thuyết phục quốc hội và chính quyền kế nhiệm tiếp tục ủng hộ Ukraine bởi vì "bỏ rơi Ukraine có nghĩa là bất ổn hơn ở châu Âu".