Ông Trump ra tối hậu thư cho ông Putin, cuộc chiến Ukraine sẽ chấm dứt?
(Dân trí) - Những tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Nga đã đặt ra dự báo về khả năng xung đột Ukraine chấm dứt trong tương lai.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gia tăng sức ép lên Tổng thống Nga Vladimir Putin trong những ngày đầu nắm quyền. Chủ nhân Nhà Trắng tìm cách gây sức ép buộc nhà lãnh đạo Nga phải ngồi vào bàn đàm phán để đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.
Chỉ hơn 48 giờ sau khi trở lại Nhà Trắng, ông Trump tuyên bố ông Putin đang "phá hủy đất nước mình" bằng cuộc chiến kéo dài gần 3 năm ở Ukraine. Tân Tổng thống Mỹ dọa sẽ tăng cường trừng phạt đối với Nga và các bên hỗ trợ nếu không nhanh chóng đạt được thỏa thuận.
Đồng thời, ông Trump cũng đưa ra những lời "có cánh" khi nói rằng ông yêu người dân Nga và "luôn có mối quan hệ rất tốt với Tổng thống Putin".
Theo ông Trump, nền kinh tế Nga đang "suy thoái" và ông muốn dành cho Moscow cùng Tổng thống Putin "một sự giúp đỡ lớn".
"Tôi không muốn làm tổn thương nước Nga. Hãy giải quyết ngay bây giờ và dừng cuộc chiến vô lý này lại! Mọi việc sẽ còn tệ hơn", ông Trump gửi thông điệp tới Tổng thống Putin hôm 22/1.
Tổng thống Trump tuyên bố, nếu không có "thỏa thuận" nào được hiện thực hóa "sớm", ông sẽ "không còn lựa chọn nào khác ngoài việc áp thuế cao và lệnh trừng phạt đối với bất kỳ thứ gì mà Nga bán cho Mỹ và nhiều quốc gia khác". Đây được xem là "tối hậu thư" của ông Trump gửi ông Putin.
Những tuyên bố trên là loạt đòn mở màn cho nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm chứng minh rằng, chính sách "hòa bình thông qua sức mạnh" của ông có thể chấm dứt cuộc chiến tranh trên bộ lớn nhất châu Âu trong gần một thế kỷ.
Tổng thống đã chứng kiến một số thành công ngoại giao ban đầu ở Trung Đông. Ông đã cử đặc phái viên đến Trung Đông, Steve Witkoff, để gây sức ép buộc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chấp nhận lệnh ngừng bắn và thỏa thuận thả con tin với Hamas trong tuần cuối cùng tại nhiệm của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Tuy nhiên, ông Trump thừa nhận việc giải quyết cuộc chiến của Nga ở Ukraine là thách thức khó khăn hơn so với Trung Đông.
Đội ngũ của cựu Tổng thống Biden đã làm rất nhiều công việc khó khăn trong hơn một năm đàm phán để đạt được thỏa thuận ngừng bắn cuối cùng giữa Israel và Hamas. Khi ông Trump đắc cử, ông đã sử dụng nguồn lực chính trị tích lũy được trong nhiệm kỳ đầu tiên với Israel và các đối tác khu vực để "tháo ngòi" xung đột Trung Đông.
Tuy nhiên, cuộc chiến của Nga ở Ukraine lại là một vấn đề khác.
Nga cho đến nay đã kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine và Kiev vẫn tìm cách đẩy lực lượng Moscow khỏi các khu vực này. Đây là những vùng lãnh thổ mà Nga đã tuyên bố sáp nhập sau các cuộc trưng cầu dân ý, nhưng chưa kiểm soát hoàn toàn.
3 năm sau cuộc chiến, quân đội Ukraine đang phải vật lộn để bổ sung quân số, trong khi các thành phố Ukraine đang phải hứng chịu các cuộc tấn công gần như hàng ngày vào các khu vực và cơ sở hạ tầng năng lượng, một nỗ lực nhằm đóng băng đất nước trong mùa đông.
Dư luận Ukraine ngày càng cởi mở hơn trong việc đàm phán chấm dứt chiến tranh càng sớm càng tốt. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tin rằng sự quyết đoán của Tổng thống Trump có thể thay đổi cục diện xung đột.
"Ông ấy có thể quyết đoán trong cuộc chiến này. Ông ấy có khả năng cản đường Tổng thống Putin. Ông ấy có thể làm được điều này", ông Zelensky nói.
Trong bài phát biểu tại Phòng Bầu dục đầu tuần này, Tổng thống Trump cho biết ông Zelensky muốn đạt được thỏa thuận.
"Tôi không biết ông Putin có muốn như vậy không, ông ấy có thể không muốn, tôi không biết. Ông ấy nên đạt được thỏa thuận", ông Trump nói.
Tuy nhiên, cuộc xung đột không chỉ liên quan tới Nga và Ukraine. Các liên minh quốc tế đang ủng hộ một trong hai bên của cuộc chiến, trong khi một số quốc gia đang đứng giữa.
Sam Greene, chuyên gia tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Washington, nhận định, nếu Tổng thống Trump muốn sử dụng đòn bẩy đối với Nga, ông sẽ cần sự thống nhất với châu Âu.
Điều đó có thể trở nên khó khăn nếu ông ấy thực hiện tuyên bố áp đặt thuế quan cao đối với châu lục này.
Tổng thống Trump hôm 21/1 cảnh báo sẽ áp thuế lên hàng hóa nhập từ Liên minh châu Âu (EU). Ông nói rằng EU đang có mức thặng dư thương mại đáng lo ngại với Mỹ.
"Tôi nghĩ thực tế là ông Trump không có, nói chung là Mỹ không có, đòn bẩy lớn đối với bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột này", chuyên gia Greene cho biết.
"Không nằm ngoài khả năng ông Trump, ông Waltz và ông Rubio, và bất kỳ ai có vai trò quan trọng về chính sách đối ngoại, sẽ ngồi lại và vạch ra tất cả các lợi ích chồng chéo, đan xen và bắt đầu ưu tiên", ông Greene nói thêm, đề cập đến Cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz và Ngoại trưởng Marco Rubio.
Phản ứng của Nga trước "tối hậu thư"
Theo trang tin The Hill, Nga có thể bị "tổn thương" vì chiến tranh, nhưng sẽ khó bị "khuất phục". Tổng thống Nga đã sử dụng sản xuất quân sự trong nước để thúc đẩy nền kinh tế và dựa vào mạng lưới các quốc gia để đối phó các lệnh trừng phạt quốc tế, từ các cường quốc như Trung Quốc và Ấn Độ, cho đến những quốc gia cũng bị áp lệnh trừng phạt như Iran và Triều Tiên.
Trong những ngày qua, Tổng thống Putin đã có các cuộc trò chuyện với hai nhà lãnh đạo chủ chốt hỗ trợ Nga trong cuộc đối đầu với phương Tây. Ông đã tiếp đón Tổng thống Iran, Masoud Pezeshkian, tại Moscow và có cuộc trao đổi trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong cuộc trao đổi giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 20/1, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về việc tăng cường quan hệ song phương, trong khi Tổng thống Putin cho biết ông đã sẵn sàng đối thoại với Mỹ liên quan đến Ukraine.
Theo chuyên gia Greene, Tổng thống Putin khó có thể đồng ý dừng xung đột.
"Ông Putin có thể tìm cách giương cao khẩu hiệu hoàn thành chiến dịch ngay cả khi Nga chưa kiểm soát toàn bộ Ukraine hoặc toàn bộ vùng lãnh thổ mà Nga đã tuyên bố chủ quyền. Nhưng điều mà Nga sẽ phải vật lộn để làm là tránh xa xung đột và đối đầu với phương Tây", chuyên gia Greene cho biết.
Phát biểu với truyền thông nhà nước hôm 22/1, Thứ trưởng Ngoại giao Nga cho biết Moscow đã nhìn thấy "một cơ hội nhỏ" để tạo ra các thỏa thuận với chính quyền Tổng thống Trump.
Tuy nhiên, Điện Kremlin đã ra tín hiệu rằng họ không vội ký một thỏa thuận hòa bình.
Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyanskiy đã đưa ra phản hồi thận trọng trước những bình luận của ông Trump. "Không chỉ đơn thuần là vấn đề chấm dứt chiến tranh. Trước hết và quan trọng nhất là vấn đề giải quyết nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng Ukraine", ông nói.
"Vì vậy, chúng ta phải xem "thỏa thuận" có nghĩa là gì theo suy nghĩ của Tổng thống Trump", nhà ngoại giao Nga nói thêm.
Tổng thống Putin đã nhiều lần đưa ra lập trường để chấm dứt chiến tranh trong những tháng gần đây, yêu cầu Ukraine không gia nhập NATO, Kiev phải áp dụng quy chế trung lập và trải qua một số mức độ phi quân sự hóa. Ông Putin nhấn mạnh rằng phương Tây phải dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga, đồng thời cho biết ông muốn giữ quyền kiểm soát Crimea và 4 khu vực mà Moscow tuyên bố chủ quyền vào năm 2022.
Tuyên bố mới nhất của Tổng thống Trump về cuộc chiến ở Ukraine không đề cập đến việc cung cấp thêm vũ khí cho Kiev, thay vào đó là báo hiệu sự chuyển hướng sang triển khai các biện pháp kinh tế chống lại Moscow.
Trong bối cảnh mối quan hệ thương mại đang thu hẹp giữa Mỹ và Nga cùng hàng loạt lệnh trừng phạt đối với Moscow, "tối hậu thư" của ông Trump về việc áp thuế dường như không hiệu quả. Thương mại giữa hai nước trong 11 tháng đầu năm 2024 chỉ đạt 3,4 tỷ USD, một con số khá khiêm tốn.
Các quan chức chính quyền Trump trước đây tin rằng Mỹ có thể nhắm mục tiêu nhiều hơn vào nền kinh tế Nga bằng cách trừng phạt ngành năng lượng của nước này.
Tatiana Stanovaya, người sáng lập tổ chức phân tích chính trị R.Politik, cho biết mặc dù Tổng thống Trump đã nỗ lực buộc Tổng thống Putin phải đàm phán, nhưng nhà lãnh đạo Nga dường như vẫn tin rằng ông có đủ nguồn lực để vượt qua.
"Một thỏa thuận hòa bình theo các điều khoản của Nga sẽ giúp Nga tiết kiệm được đáng kể nguồn lực, nhưng nếu không có thỏa thuận như vậy, Nga vẫn sẵn sàng kéo dài xung đột cho đến khi nào cần thiết", bà Stanovaya nhận định.
Bà cũng cho rằng tình hình kinh tế hiện tại của Nga khó có thể buộc Tổng thống Putin phải đàm phán với Ukraine.
"Nếu Điện Kremlin cho rằng không có thỏa thuận thuận lợi nào với Tổng thống Trump sắp tới, họ có thể sẽ tập trung vào việc kéo dài cuộc xung đột", chuyên gia dự báo.