1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ông Trump loay hoay trong "ván bài bầu cử"

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Donald Trump đang đối mặt với nhiều lời khuyên mâu thuẫn về việc chấp nhận hay từ chối kết quả cuộc bầu cử vốn “gọi tên” ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden.

Ông Trump loay hoay trong ván bài bầu cử - 1

Tổng thống Trump trở về Nhà Trắng sau khi truyền thông công bố ông Biden đắc cử tổng thống. (Ảnh: Reuters)

Lần thứ 2 trong vòng một tuần, Tổng thống Donald Trump rời Nhà Trắng từ sáng để tới câu lạc bộ golf ở bang Virginia. Đây được xem là “nơi an toàn” để ông Trump cân nhắc những bước đi tiếp theo, sau khi ông từ chối chấp nhận kết quả bầu cử cũng như chiến thắng do ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden tự tuyên bố.

Trong những ngày gần đây, ông Trump đối mặt với hàng loạt lời khuyên mâu thuẫn về việc ông nên làm gì trong những tháng còn lại của nhiệm kỳ tổng thống. Một số người thân cận khuyến khích ông theo đuổi cuộc chiến pháp lý liên quan tới kết quả bầu cử cho tới khi ngã ngũ, trong khi một số khác nhất định cho rằng ông nên chấp nhận kết quả để bảo vệ di sản trong nhiệm kỳ tổng thống vừa qua.

Ngay trong gia đình Tổng thống cũng xuất hiện sự chia rẽ. Theo hai nguồn tin thân cận, Đệ nhất phu nhân Melania Trump và con rể Jared Kushner hối thúc ông Trump suy nghĩ nghiêm túc về kế hoạch rời nhiệm sở. Tuy nhiên hai con trai của ông Trump là Donald Jr. và Eric vẫn tiếp tục đăng đàn trên Twitter với những lời lẽ công kích.

Trong đội ngũ chiến dịch tranh cử của Tổng thống, nhiều trợ lý dần chấp nhận thực tế rằng ông Trump đã thua. Tuy nhiên tại các trụ sở chiến dịch tranh cử của ứng viên đảng Cộng hòa hôm 8/11, các nhân viên vẫn dán trên tường các bài đăng Twitter của ông Trump và trang nhất của một tờ báo khuyến khích họ tiếp tục “chiến đấu”.

Những người khác, trong đó có Phó tổng thống Mike Pence, chỉ đơn thuần chọn cách im lặng, khiến nhiều đồng minh của ông Trump bất ngờ. Nhiều nguồn tin thân cận cho biết ông Pence vẫn ở Nhà Trắng với ông Trump, nhưng tránh xuất hiện công khai.

Chia rẽ vì kết quả bầu cử

Ông Trump loay hoay trong ván bài bầu cử - 2

Tổng thống Trump và Đệ nhất phu nhân Melania phát biểu tại Nhà Trắng hôm 4/11. (Ảnh: Politico)

Theo Politico, bầu không khí chia rẽ thể hiện rõ hơn vào sáng 8/11. Trong lúc chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump gửi tin nhắn để kêu gọi người ủng hộ hỗ trợ tài chính cho cuộc chiến pháp lý của ông và cáo buộc gian lận bầu cử trên Twitter, một số đồng minh hàng đầu của ông bắt đầu công khai chúc mừng ông Biden trở thành tổng thống đắc cử. Thậm chí Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người hay ca ngợi Tổng thống Trump, hôm 8/11 cũng chia sẻ trên Twitter rằng ông "mong đợi được hợp tác với Biden để thúc đẩy hơn nữa liên minh đặc biệt giữa hai nước”.

Vài giờ sau chia sẻ của Thủ tướng Netanyahu, Tổng thống Trump tiếp tục bày tỏ sự bất bình của ông trên Twitter, cáo buộc truyền thông biết trước kết quả bầu cử.

"Từ khi nào truyền thông được quyền xướng tên ai là tổng thống tiếp theo của Mỹ? Chúng ta đã học được rất nhiều điều trong hai tuần qua", ông Trump đăng trên Twitter vào lúc 2 giờ chiều tại sân golf, nơi có nhiều người ủng hộ tập trung, mang theo cờ và khẩu hiệu nhằm ủng hộ cáo buộc gian lận bầu cử của ông Trump.

"Gian lận bầu cử giết chết nền dân chủ Mỹ", một tấm bảng được nhìn thấy bên ngoài câu lạc bộ golf ở Sterling, bang Virginia.

"Chúng tôi muốn ông Trump", những người ủng hộ khác hô lớn.

Tuy nhiên, trong các chương trình truyền hình cuối tuần qua, một số đồng minh Nhà Trắng của ông Trump dường như không còn tin vào các cáo buộc gian lận bầu cử của Tổng thống. Họ hoài nghi cuộc chiến pháp lý của ông Trump sẽ mang lại kết quả như mong đợi.

"Tình bạn không có nghĩa là bạn bị che mắt", cựu thống đốc bang New Jersey Chris Christie, một người bạn lâu năm của Tổng thống Trump, cho biết. Christie nói rằng ông Trump khó có thể để đưa ra bằng chứng gian lận bầu cử nhằm biện minh cho việc ông từ chối thất bại.

"Điều quan trọng là phải sớm nói với tổng thống rằng, "nếu ông từ chối nhận thua vì cho rằng có gian lận bầu cử, hãy chứng minh cho chúng tôi thấy". Bởi vì nếu ông không thể chứng minh cho chúng tôi thấy, chúng tôi không thể ủng hộ ông. Chúng tôi không thể ủng hộ ông mù quáng mà không có bằng chứng", Christie nói trong chương trình "This Week" của ABC.

Marc Thiessen, người từng viết diễn văn cho cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush và là tiếng nói ủng hộ ông Trump trên Fox News, cũng công nhận ông Biden là tổng thống đắc cử và hy vọng rằng ứng viên của đảng Dân chủ có thể “gắn kết mọi người lại với nhau”.

Trên Fox News, những khách mời vốn ủng hộ Tổng thống Trump và chính quyền của ông, thì nay cũng tỏ ra nghi ngờ về cuộc chiến pháp lý kéo dài mà ông Trump định theo đuổi. Cho đến nay, các vụ kiện do chiến dịch của ông Trump thực hiện ở Michigan, Pennsylvania, Nevada và Georgia có tác động rất ít, thậm chí các luật sư bầu cử cho rằng các vụ kiện mang lại rất ít kết quả và cơ hội thành công gần như không có.

Một số thành viên đảng Cộng hòa cho rằng việc các hãng truyền thông xướng tên ông Biden là người chiến thắng vào sáng 7/11 là hành động vội vàng. Thượng nghị sĩ bang Missouri Josh Hawley nói rằng người Mỹ sẽ biết ai là người chiến thắng "khi tất cả phiếu bầu hợp pháp được kiểm đếm, quá trình kiểm phiếu lại kết thúc và cáo buộc gian lận được giải quyết". Trong khi đó, Steve Scalise, lãnh đạo phe Thiểu số Hạ viện, khẳng định "bầu cử chưa kết thúc" cho đến khi các vụ kiện của Tổng thống được giải quyết xong.