1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ông Trump khuấy đảo hai lò lửa chiến tranh nguy hiểm nhất

Chỉ trong thời gian ngắn ngủi, sự thay đổi đột ngột quy tắc hành động của chính quyền Donald Trump đã tạo ra 2 lò lửa nguy hiểm cho thế giới.

Mỹ đã khơi bùng 2 lò lửa chiến tranh Syria và Triều Tiên

Hiện nay, tại hai khu vực khác nhau của thế giới đang phát triển song song hai cuộc khủng hoảng chính trị-quân sự rất nghiêm trọng, đó là Syria và Triều Tiên, biến Trung Đông và Đông Á trở thành 2 lò lửa chiến tranh vô cùng nguy hiểm đối với châu Á và châu Phi, thậm chí là cả châu Âu.

Chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin trong bài bình luận trên Sputnik dẫn nguồn tin báo chí Nhật Bản cho biết rằng, Washington đã thông báo với Tokyo rằng, Mỹ sẽ tấn công Triều Tiên, nếu Bắc Kinh không thể buộc Bình Nhưỡng ngừng chương trình tên lửa hạt nhân.

Tình hình như hiện nay là chưa từng có do chính quyền Mỹ hoàn toàn thay đổi mô hình hoạt động và cách phản ứng với các cuộc khủng hoảng. Những ngày gần đây, Washington đã vi phạm mọi quy tắc bất thành văn hình thành đã gần 55 năm kể từ sau khủng hoảng vịnh Caribe.

Thậm chí, nếu ngày mai cộng đồng quốc tế có thể chung tay ổn định tình hình ở Syria và Triều Tiên bằng các công cụ chính trị, ngoại giao thì hậu quả những gì đã xảy ra đối với nền chính trị toàn cầu và sự ổn định chiến lược vẫn sẽ là vô cùng tiêu cực.

Vậy kịch bản Mỹ sử dụng vũ lực chống Bình Nhưỡng có khả năng đến đâu? Leo thang xung đột sẽ tác động như thế nào đến tình hình trong khu vực và trên thế giới?

Chúng ta thấy tuyên bố của ông Trump sẵn sàng "tự lực giải quyết" vấn đề hạt nhân Triều Tiên và các thông tin rò rỉ trên truyền thông (có dẫn nguồn tin thân cận với chính quyền Mỹ) là “đầy mâu thuẫn”.

Có tin nói Washington ưu tiên hàng đầu cho các nỗ lực giải pháp chính trị, nhưng cũng có tin cho biết, Mỹ sẵn sàng tấn công Triều Tiên ngay lập tức, nếu Trung Quốc không chịu phong tỏa kinh tế nước này để ép Bình Nhưỡng phải hủy bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Mỹ đã biến Syria và Triều Tiên trở thành lò lửa chiến tranh mới
Mỹ đã biến Syria và Triều Tiên trở thành lò lửa chiến tranh mới

Mỹ điều hàng không mẫu hạm CVN-70 Carl Vinson và các tàu hộ tống mang hàng trăm tên lửa Tomahawk đến vùng biển bán đảo Triều Tiên có thể là phản ứng với việc không đạt được thỏa thuận tích cực về vấn đề Triều Tiên, trong các cuộc đàm phán giữa hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình.

Thông thường, động thái điều động hàng không mẫu hạm được xem như sự phô trương sức mạnh. Nhưng lúc này chúng ta có thể nói về nguy cơ xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên, trên thực tế sẽ động chạm tới tất cả các quốc gia Đông Bắc Á kể cả các đồng minh của Mỹ.

Trong khi đó, Mỹ vừa tấn công tên lửa hành trình Tomahawk vào sân bay Shayrat thuộc tỉnh Homs của Syria và đe dọa, mọi việc “vẫn chưa kết thúc ở đây, nếu ông Assad không chịu ra đi”.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng ra tối hậu thư cho Nga, dọa gia tăng các biện pháp trừng phạt nếu Moscow vẫn tiếp tục ủng hộ chính quyền Assad, đồng thời cũng đưa ra “mồi nhử” là chiếc ghế G7 và việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt, nếu “hợp tác với Mỹ” về vấn đề Syria.

Trong trường hợp Syria cũng như Triều Tiên, chính quyền Tổng thống Mỹ đã thể hiện sự thay đổi hoàn toàn đường lối chỉ trong vài tuần lễ. Về Syria họ hành động mâu thuẫn với nhiều tuyên bố đã được ông Trump thực hiện như ưu tiên chống IS và không đòi lật đổ chế độ.

Trong trường hợp Triều Tiên, hồi tháng 3 họ mới tuyên bố từ chối học thuyết "kiên nhẫn chiến lược" đối với đất nước này nhưng ngay đầu tháng 4 đã thể hiện áp lực quân sự gay gắt, thậm chí không cần một sự nghiên cứu và thảo luận chiến lược mới.

Chính những sự thay đổi đầy vội vã của chính quyền Donald Trump trong vài tuần qua đã khơi bùng lên 2 lò lửa chiến tranh mới ở Syria và Triều Tiên, không chỉ tác động xấu đến châu Á, mà còn hủy hoại cả Bắc Phi và tác động tiêu cực đến châu Âu.

Sự thay đổi đường lối đầy nguy hiểm của Trump

Trong thời đại hạt nhân hiện nay, vấn đề rất quan trọng là tất cả các nước liên quan tới các cuộc khủng hoảng phải gửi đi tín hiệu rõ ràng về ý định và mục đích của mình.

Vào những thời khắc gay cấn của Chiến tranh Lạnh, các chuyên gia chính trị hàng đầu, các nhà ngoại giao và quân sự giàu kinh nghiệm được Liên Xô và Hoa Kỳ cùng các nước khác huy động để thảo ra những tuyên bố hệ trọng, đặc biệt chú ý tính rõ ràng và nhất quán của đường lối hành động.

Hiện tại trong trường hợp Syria và Triều Tiên, chúng ta được chứng kiến những mâu thuẫn trực tiếp giữa các quan chức cao cấp của chính quyền Mỹ. Trong bối cảnh cuộc tấn công bất ngờ vào Syria và những phát biểu hiếu chiến lộn xộn của Washington, các qui luật và nguyên tắc cũ không còn có hiệu lực.

Bên cạnh đó, trong khuôn khổ chiến dịch điên cuồng chống lại "ảnh hưởng nguy hiểm của Nga", tòa Đại sứ Nga tại Hoa Kỳ đã bị Mỹ coi là một “ổ tình báo”, còn Đại sứ Kislyak gần như bị biến thành “siêu điệp viên”, các cuộc gặp gỡ với ông có thể chấm dứt sự nghiệp bất cứ chính trị gia người Mỹ nào.

Do đó, những kênh liên lạc đáng tin cậy để thảo luận các vấn đề nhạy cảm giữa Nga với Hoa Kỳ, được Mỹ và Liên Xô, sau này là Nga trân trọng duy trì từ thời Chiến tranh Lạnh, giờ đây đã bị phá hủy.

Sau khi một số cố vấn thân cận trong thời kỳ tranh cử phải ra đi, nhường chỗ cho những khuôn mặt mới, ông Trump và những người thân cận của ông đã biến thành “câu lạc bộ” của những người cực ngưỡng mộ cựu Tổng thống Mỹ thời chiến tranh lạnh là ông Ronald Reagan.

Giới phân tích nhận định rằng, có lẽ những người bên cạnh Trump muốn lèo lái Tổng thống của mình đi theo và lặp lại thành công của vị cựu tổng thống Mỹ nổi tiếng là “diều hâu’ này.

Vụ tấn công của Mỹ vào Syria đánh dấu sự thay đổi đường lối hết sức nguy hiểm của Mỹ
Vụ tấn công của Mỹ vào Syria đánh dấu sự thay đổi đường lối hết sức nguy hiểm của Mỹ

Tuy nhiên, họ không nhận thức được rằng, chiến lược của Reagan tuy mạo hiểm nhưng khá chặt chẽ và được thực hiện bởi một ê-kíp có năng lực. Và dĩ nhiên là họ biết phiêu lưu đến độ nào là đủ, biết cân nhắc kỹ lưỡng tương lai của nước Mỹ và cả thế giới trước những thời khắc cam go của lịch sử.

Chính quyền của ông Trump mặc dù chưa được hình thành hoàn chỉnh, chưa có chiến lược rõ ràng và chưa thoát khỏi những mâu thuẫn nội bộ, nhưng dường như đang cố gắng đạt những kết quả cương quyết và chớp nhoáng bằng những bước hành động nguy hiểm, lại được phác thảo vụng về.

Ở thời điểm này, khó dự đoán được đường lối và biện pháp tiếp cận của Washington đối với các cuộc khủng hoảng trên thế giới. Hình thái chính sách mới của Mỹ và mối đe dọa tái diễn các hành động khó lường và nguy hiểm sẽ đem lại hậu quả nghiêm trọng.

Để đối phó với những hành động bất thường của Mỹ, các đối thủ địa-chính trị lớn trên chính trường quốc tế như Nga, Trung Quốc và một số nước khác có thể sẽ phải ngay lập tức thay đổi triệt để đường lối chính trị-ngoại giao, chiến lược an ninh và quốc phòng quốc gia.

Những sự điều chỉnh vội vã và những hành động hấp tấp giữa các bên tất yếu sẽ dẫn đến những sai lầm, cộng với bị sự điều khiển của những cái đầu hiếu chiến và khó lường sẽ làm gia tăng nguy cơ xung đột quân sự, gây nguy hiểm cho thế giới của chúng ta.

Theo Thiên Nam

Đất Việt