1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ông Trump khuấy đảo chính trường Mỹ trong những ngày cuối nhiệm kỳ

Minh Phương

(Dân trí) - Quốc hội Mỹ rơi vào bế tắc và chính phủ Mỹ có nguy cơ đóng cửa sau khi Tổng thống Donald Trump liên tiếp phản đối các dự luật ngân sách, trong đó có dự luật cứu trợ Covid-19.

Ông Trump khuấy đảo chính trường Mỹ trong những ngày cuối nhiệm kỳ - 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AP)

Trước khi bắt đầu kỳ nghỉ lễ ở khu nghỉ dưỡng tại Florida, ông Trump khiến các nhà làm luật Mỹ phải đau đầu vì phản đối dự luật cứu trợ Covid-19. Chủ nhân Nhà Trắng tuyên bố sẽ không ký thông qua dự luật nếu quốc hội không nhất trí nâng mức cứu trợ từ 600 USD lên 2.000 USD hoặc 4.000 USD. Tuy nhiên, các nghị sĩ Cộng hòa ở Hạ viện Mỹ ngày 24/12 đã bác bỏ đề nghị của ông Trump. Bế tắc này đồng nghĩa với việc chính phủ Mỹ có nguy cơ đóng cửa vào đầu tuần tới, chỉ vài ngày trước cuộc chạy đua gay cấn vào Thượng viện ở bang Georgia.

Động thái này của chủ nhân Nhà Trắng khiến nội bộ đảng Cộng hòa rạn nứt hơn nữa đặc biệt là đang là thời điểm quyết định liệu đảng Cộng hòa có thể duy trì kiểm soát Thượng viện hay không.

Trong tuần qua, ông Trump cũng khiến chính trường Mỹ dậy sóng khi công bố hàng loạt lệnh ân xá, giảm án gây tranh cãi cho các đồng minh, trong đó có cựu quản lý chiến dịch tranh cử Paul Manafort, thông gia Charles Kushner.

"Thật thảm hại", Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ben Sasse nói khi bình luận về lệnh ân xá của ông Trump. Những nguồn tin thân cận cho hay, ông Trump sẽ còn tiếp tục ban hành các lệnh ân xá khác trong những tuần tới.

Rất ít thành viên Cộng hòa thậm chí nhân viên Nhà Trắng biết kế hoạch tiếp theo của ông Trump là gì. Nghị sĩ Cộng hòa Don Bacon cho rằng, ông Trump đang phản bội đảng Cộng hòa. Khi nhiệm kỳ sắp hết, ông Trump có thể hủy hoại cơ hội của đảng Cộng hòa giữ quyền kiểm soát Thượng viện bởi ông tức giận với những thành viên trong đảng mà ông cho rằng không ủng hộ nỗ lực của ông nhằm đảo ngược kết quả.

Một quan chức Cộng hòa nói rằng, những động thái của ông Trump đơn giản chỉ là "trả đũa" các lãnh đạo Cộng hòa tại Thượng viện, trong đó có lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mitch McConnell và nhân vật quyền lực số hai của đảng Cộng hòa ở Thượng viện John Thune. Cả hai nghị sĩ này đều không ủng hộ ý tưởng thách thức kết quả bầu cử tại phiên họp quốc hội đầu tháng tới.

Kể từ sau bầu cử, ông Trump ít xuất hiện trước công chúng hơn. Ông bận rộn hơn với các cuộc họp với các đồng minh để thảo luận chiến lược lật ngược kết quả bầu cử vào phút chót. Nguồn tin thân cận cho biết, những ngày qua, ông liên tục trao đổi với các cố vấn cực đoan như cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn, cựu luật sư chiến dịch tranh cử Sidney Powell. Ông cũng công khai đưa ra ý tưởng bổ nhiệm bà Powell - một luật sư đưa ra hàng loạt thuyết âm mưu liên quan đến bầu cử - làm công tố viên đặc biệt điều tra gian lận bầu cử.

Nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử trong những ngày cuối cùng nhiệm kỳ của ông Trump có thể sẽ khuấy đảo chính trường Mỹ hơn nữa, thậm chí ngay cả khi ông và Đệ nhất phu nhân Melania đã rời Nhà Trắng, bắt đầu kỳ nghỉ lễ ở Florida. Nguồn tin của CNN cho biết, ông Trump sẽ có hàng loạt cuộc họp hoặc trao đổi qua điện thoại với đồng minh tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago để lên kế hoạch cho một "cơn địa chấn" lật ngược kết quả bầu cử tại quốc hội vào ngày 6/1 tới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm