Ông Trump cảnh báo hệ quả nếu Iran tấn công Mỹ
(Dân trí) - Tổng thống Donald Trump tiếp tục đưa ra những cảnh báo cứng rắn với Iran khi căng thẳng giữa hai nước leo thang sau vụ tướng Iran thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ.
“Mỹ đã chi 2 nghìn tỷ USD vào thiết bị quân sự. Chúng tôi là nước lớn nhất và cho đến nay là mạnh nhất trên thế giới! Nếu Iran tấn công một căn cứ Mỹ, hay bất kỳ người Mỹ nào, chúng tôi sẽ gửi một số thiết bị mới xinh đẹp đó tới họ… và không có sự do dự!”, Tổng thống Donald Trump viết trên mạng xã hội Twitter hôm nay 5/1.
Trong một bình luận trước đó trên Twitter, ông Trump viết: “Họ tấn công chúng tôi, và chúng tôi phản công. Nếu họ lại tấn công, điều mà tôi khuyên họ không nên thực hiện, chúng tôi sẽ tấn công họ mạnh hơn những lần họ từng bị tấn công trước đây!”.
Những bình luận trên là cảnh báo mới nhất của Tổng thống Trump sau khi ông chủ Nhà Trắng chỉ đạo Lầu Năm Góc tiến hành cuộc không kích bằng máy bay không người lái nhằm vào đoàn xe chở Tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, hôm 3/1. Cuộc không kích khiến Tướng Soleimani và một chỉ huy lực lượng dân quân Iraq thiệt mạng.
Iran ngày 4/1 tuyên bố sẽ trả thù vụ Mỹ không kích khiến tướng cấp cao của nước này thiệt mạng. Tehran thông báo đã xác định 35 “mục tiêu quan trọng” của Mỹ để đáp trả. Đáp lại, ông Trump tuyên bố Washington đã nhắm mục tiêu tấn công vào 52 địa điểm của Iran, nếu nước này tấn công bất kỳ công dân hay tài sản nào của Mỹ.
"Iran đang nói rất cứng rắn về việc nhắm mục tiêu vào những tài sản nhất định của Mỹ để trả thù cho việc chúng ta kết liễu thủ lĩnh khủng bố của họ, người vừa giết một người Mỹ và làm bị thương nặng nhiều người khác, chưa kể tất cả những người mà ông ta đã giết trong suốt cuộc đời, bao gồm hàng trăm người biểu tình Iran gần đây. Ông ta đã tấn công đại sứ quán của chúng ta và đang chuẩn bị các cuộc tấn công tiếp theo ở những địa điểm khác", ông Trump viết trên Twitter tối 4/1.
Con số 52 mục tiêu mà Tổng thống Trump nhắc đến được cho là gợi lại vụ việc vào năm 1979, khi 52 nhà ngoại giao Mỹ bị Iran bắt giữ làm con tin suốt 444 ngày. Thời điểm đó, Mỹ và Iran đã cắt quan hệ ngoại giao và Washington cũng bắt đầu các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Cuộc không kích của Mỹ đã thổi bùng căng thẳng tại khu vực Trung Đông, khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ xảy ra xung đột. Anh và Mỹ đều khuyến cáo công dân tránh tới Iran và Iraq, trong khi 3.500 lính Mỹ sẽ được điều tới Kuwait để đối phó với nguy cơ trả đũa từ Iran.
Bộ Quốc phòng Anh đã chỉ đạo triển khai các tàu hải quân, gồm tàu hộ vệ HMS Montrose và tàu khu trục HMS Defender, để hộ tống tất cả các tàu mang cờ Anh đi qua eo biển Hormuz sau vụ Mỹ không kích giết tướng Iran. Eo biển Hormuz là tuyến hàng hải quan trọng, nằm cạnh bờ biển của Iran. Anh hiện vẫn là đồng minh quan trọng của Mỹ trong khu vực.
“Chính quyền Anh sẽ tiến hành tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ các tàu và công dân của chúng tôi ở thời điểm hiện tại”, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết.
Trước đó, Anh từng gửi các tàu chiến tuần tra eo biển Hormuz trong bối cảnh căng thẳng với Iran leo thang hồi đầu năm. Hồi tháng 7, Anh đã bắt giữ một tàu chở dầu mang cờ Iran ở ngoài khơi Gibraltar, khiến Tehran giận dữ gọi đây là hành động “cướp biển” và đáp trả bằng việc bắt một tàu mang cờ Anh khi tàu này đi qua eo biển Hormuz.
Thành Đạt
Theo RT