Ông trùm dầu khí nhận lời làm ngoại trưởng Mỹ vì vợ thuyết phục
(Dân trí) - Ngoại trưởng Rex Tillerson cho biết ông ban đầu không muốn trở thành lãnh đạo cao nhất của bộ Ngoại giao Mỹ và chỉ đồng ý nhận công việc này sau khi vợ ông thuyết phục.
“Tôi không muốn nhận công việc này. Tôi không tìm kiếm công việc như vậy. Vợ tôi bảo tôi nên nhận nó”, Guardian dẫn lời Ngoại trưởng Rex Tillerson nói trong cuộc phỏng vấn với trang tin Independent Journal Review trong chuyến công du tới 3 nước châu Á tuần trước.
Sau 2 tháng ngồi vào vị trí cao nhất của ngành ngoại giao Mỹ, ông Tillerson đã tiết lộ sự miễn cưỡng ban đầu của ông khi đồng ý nhận công việc ngoại trưởng theo đề nghị của Tổng thống Donald Trump. Ông Tillerson cho biết ông chưa từng gặp tỷ phú Trump trước khi được mời đến Tháp Trump ở New York vào thời điểm ứng viên đảng Cộng hòa vừa đắc cử tổng thống. Trong cuộc gặp này, ông đã trao đổi với tổng thống tân cử “về tình hình thế giới” cũng như những kinh nghiệm của ông trong vai trò giám đốc điều hành của tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới ExxonMobil.
“Vào cuối buổi trò chuyện, khi ông ấy (Donald Trump) đề nghị tôi làm ngoại trưởng, tôi thấy rất sửng sốt”, ông Tillerson nói, đồng thời chia sẻ thêm rằng ở độ tuổi 65, sau 40 năm cống hiến cho ExxonMobil, ông đã tính đến chuyện nghỉ hưu. “Tôi đã định sẽ về nông trại để chơi với các cháu của mình”, ngoại trưởng Mỹ cho hay.
Tuy nhiên, khi Rex Tillerson trở về quê nhà ở bang Texas sau cuộc gặp với tỷ phú Trump, chính vợ ông, bà Renda St Clair, là người đã thuyết phục ông nhận công việc ngoại trưởng do tổng thống tân cử giao phó. “Em đã nói với anh là Chúa chưa cho anh nghỉ đâu”, bà Clair nói với chồng.
Ông Tillerson cho biết đến bây giờ, ông cảm thấy rằng vợ ông đã nói đúng: “Tôi nên nhận công việc này”.
Tuy nhiên, ông Tillerson đã gặp không ít khó khăn trong những ngày đầu đảm nhận công việc mới. Tân ngoại trưởng đã trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận, liên quan đến những chính sách đối ngoại gây tranh cãi của chính quyền mới, trong đó điển hình là lệnh cấm nhập cư đối với công dân của các quốc gia Hồi giáo. Ngoài ra, ông cũng bị phê phán vì đã không góp tiếng nói đủ mạnh để bảo vệ bộ Ngoại giao trước đề xuất cắt giảm ngân sách dành cho bộ này do Nhà Trắng đưa ra.
Ngoại trưởng Mỹ cũng gần như tránh mặt báo chí trong những tuần đầu làm việc tại bộ Ngoại giao. Ông Tillerson không dẫn theo bất kỳ cơ quan báo chí ngoại giao nào trong chuyến công du chính thức đầu tiên của ông tới châu Á, phá vỡ thông lệ hàng chục năm qua trong ngành ngoại giao Mỹ. Thay vào đó, chuyến đi này của Ngoại trưởng Tillerson chỉ có duy nhất một nhà báo của Independent Journal Review, một trang tin ít tiếng tăm, tháp tùng.
Theo giải thích của bộ Ngoại giao Mỹ, lý do khiến Ngoại trưởng Tillerson hạn chế đưa nhiều cơ quan truyền thông đi cùng là vì ông muốn đi một máy bay nhỏ hơn so với thông thường và tiết kiệm tiền cho chính phủ. Ông Tillerson cũng từng nhiều lần nhắc đến lý do này, đồng thời cho biết chính sách của ông là tránh gặp mặt cũng như chia sẻ thông tin với báo chí trừ khi ông có thông điệp muốn nhờ báo chí truyền tải.
Thành Đạt
Theo Guardian