Ông Tập giữ chức Tổng tư lệnh: Thế giới cẩn trọng
Truyền thông Trung Quốc gọi ông Tập Cận Bình là Tổng tư lệnh khi nói về chuyến thăm của ông này tới Sở chỉ huy phối hợp tác chiến.
Ông Tập Cận Bình giữ chức Tổng tư lệnh
Ngày 20/4, hãng tin SCMP của Trung Quốc đưa tin ông Tập Cận Bình xuất hiện trong bộ quân phục dã chiến đến kiểm tra trung tâm chỉ huy của Bộ Tư lệnh Tác chiến Liên quân mới được thành lập với vai trò là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Trung Quốc.
Trong cuộc gặp các tướng lĩnh, ông Tập yêu cầu họ phải "tuyệt đối trung thành, vượt qua khó khăn trong chiến đấu, chỉ huy hiệu quả, can đảm, có khả năng chiến thắng trong chiến tranh".
Việc truyền thông địa phương đăng tải hình ảnh ông Tập mặc quân phục như vậy đã gây sự chú ý bởi thông thường trong các sự kiện lớn của quân đội trước đó, ví dụ lễ diễu binh tại Bắc Kinh năm ngoái thì ông cũng chỉ mặc bộ vest màu đen.
Theo giới phân tích, những động thái gần đây nhất của ông Tập đã thể hiện rõ quyết tâm thay đổi triệt để quân đội, hoàn toàn khác với phong cách lãnh đạo của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, người được cho là không nắm giữ được nhiều quyền lực trong Quân ủy Trung ương.
Giới quan sát cũng cho rằng, kể từ khi ra đời, Trung tâm chỉ huy tác chiến liên hợp hoạt động "âm thầm", việc xuất hiện lần này của ông Tập có thể cho thấy quá trình cải tổ quân đội của Trung Quốc đã cơ bản hoàn tất. Như vậy, hiện tại ngoài chức Chủ tịch Trung Quốc, Tổng bí thư Đảng, Chủ tịch Quân ủy trung ương, ông Tập còn là Tổng chỉ huy Trung tâm Chỉ huy tác chiến liên hợp.
Trung tâm Chỉ huy tác chiến liên hợp là một cơ quan mới thành lập sau khi tái cấu trúc quân đội Trung Quốc. Kế hoạch cải tổ này được ông Tập công bố hồi tháng 1 và được coi là quyết định chính sách quan trọng để hiện thực hóa tham vọng xây dựng một quân đội mạnh.
Trước đó, hồi tháng 1 năm nay, ông Tập Cận Bình tuyên bố giải thể 4 cơ quan chỉ huy đầu não của quân đội nước này, thay thế bằng 15 cơ quan điều hành nằm dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, một động thái được cho là nhằm tăng cường quyền kiểm soát tuyệt đối của nhà lãnh đạo Trung Quốc đối với quân đội.
Trung Quốc gửi đi thông điệp rõ ràng?
Giới quan sát cho rằng hình ảnh ông Tập trong quân phục với tư cách tổng chỉ huy quân đội được phát trên truyền hình quốc gia đã gửi đi một thông điệp rất rõ ràng không chỉ cho người dân trong nước mà cả thế giới, rằng ông không chỉ là nhà lãnh đạo hành chính cao nhất của một nước có quân đội thuộc hàng mạnh nhất trên thế giới mà còn là tổng chỉ huy lực lượng chiến đấu của quân đội này.
Từ Quang Dụ, một viên thiếu tướng Trung Quốc nghỉ hưu nói rằng, việc Tập Cận Bình mặc bộ quân phục dã chiến cho thấy ông là Tổng chỉ huy của cơ quan chỉ huy tối cao quân đội Trung Quốc được thành lập để đáp ứng nhu cầu chiến tranh hiện đại.
"Quân phục của ông Tập mặc cho thấy rằng ông là chỉ huy hàng đầu của cơ quan chỉ huy lực lượng chiến đấu tối cao của quân đội Trung Quốc, được thành lập để đáp ứng nhu cầu chiến tranh hiện đại. Ông ấy có đủ quyền lực để chỉ huy bộ binh, hải quân và không quân, cũng như các đội quân đặc biệt khác như lực lượng tên lửa và quân hỗ trợ chiến lược", ông Dụ, thiếu tướng quân đội về hưu, nói.
Chuyên gia quân sự tại Hồng Kông, Lương Quốc Lương nói rằng chức vụ mới của ông Tập trong quân đội tương tự như vị trí của tổng thống Mỹ khi giữ chức tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang của nước này.
“Tập Cận Bình không chỉ quản lý trực tiếp quân đội Trung Quốc trong thời bình, mà còn trực tiếp chỉ huy, ra lệnh cho quân đội thời chiến”, ông Lương nói.
Trước đó, khi còn nắm quyền, các nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình có thể yêu cầu quân đội Trung Quốc làm theo mệnh lệnh của mình. Tuy nhiên, những người kế nhiệm là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào lại không làm được như thế.
Trong bối cảnh các hoạt động của Trung Quốc trên biển Đông đang bị Mỹ, Ấn Độ cũng như nhiều nước khác trên thế giới phản đối, giới phân tích cho rằng, việc truyền thông nước này gọi ông Tập Cận Bình là Tổng tư lệnh chính là một thông điệp cứng rắn mà Bắc Kinh muốn đưa ra vào thời điểm này để tiếp tục tham vọng bành trướng của mình.
Hồng Sơn (Tổng hợp)
Đất Việt