Ông Tập Cận Bình bày kế đối phó Mỹ trong "cuộc chiến" công nghệ
(Dân trí) - Ông Tập Cận Bình đã cảnh báo về "trận chiến lớn" giữa các cường quốc về trí tuệ nhân tạo và chất bán dẫn, đồng thời cam kết thúc đẩy đầu tư, tạo điều kiện cho giới khoa học nghiên cứu phát triển.
"Trung Quốc cần phải chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh khoa học và công nghệ chưa từng có", vốn đã trở thành "chiến trường chính" trong cuộc cạnh tranh quyền lực toàn cầu", Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh hôm qua trong lời kêu gọi các nhà khoa học của đất nước "hãy hành động".
Theo nhà lãnh đạo này, Trung Quốc cần tăng tốc giải quyết các nút thắt công nghệ, tạo đột phá trong các lĩnh vực quan trọng như trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn, công nghệ lượng tử, khoa học cuộc sống và năng lượng.
Trong bài phát biểu nhân kỷ niệm Ngày Khoa học và Nghiên cứu hôm 30/5, ông Tập cho rằng cả nước phải hành động nhanh chóng do chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng, chuỗi cung ứng toàn cầu đang dịch chuyển và những bất ổn do đại dịch Covid-19.
Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đưa ra kêu gọi tương tự trước quốc hội, trong đó ủng hộ việc chi ngân sách "khủng" cho nghiên cứu khoa học.
Theo giới phân tích, đây là một phần trong kế hoạch lớn của ông Tập nhằm tạo thế đối trọng với chiến lược tăng ngân sách cho lĩnh vực nghiên cứu của ông Biden.
Thực tế, Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ Mỹ và các quốc gia đồng minh của Washington, đặc biệt là cuộc chiến mạng 5G và công nghệ chip. Nhiều công ty công nghệ của Trung Quốc, như gã khổng lồ Huawei, đã bị Mỹ trừng phạt vì mối lo ngại về an ninh và có nguy cơ bị mất thị trường ở nước ngoài.
Cam kết đầu tư cho công nghệ, sắp đuổi kịp Mỹ
Trong bối cảnh này, nhà lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi "phải vượt qua những nút thắt này và tập trung vào các lĩnh vực có thể tạo ra sự đột phá". Ông Tập cũng cam kết tăng cường đầu tư vào khoa học công nghệ và đổi mới, hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà khoa học và nhà nghiên cứu, không gò bó họ trong những công việc hành chính không cần thiết và những yêu cầu rắc rối khác.
Ông Tập nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế, khi Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành cường quốc công nghệ vào năm 2035. Bắc Kinh đã công bố kế hoạch thành lập quỹ nghiên cứu cho các nhà khoa học nước ngoài và khởi xướng các dự án quốc tế lớn.
Lâu nay tại Trung Quốc, việc đánh giá các nhà nghiên cứu thường chỉ phụ thuộc vào các nghiên cứu trên giấy. Và ông Tập bắt đầu đại tu hệ thống đánh giá này vào năm 2018, trong đó nêu rõ cần phải bổ sung nhiều tiêu chí hơn như các giá trị sáng tạo, đóng góp nghiên cứu cho xã hội...
Trung Quốc vẫn thua Mỹ về chi tiêu cho khoa học công nghệ. Theo số liệu mới nhất, Mỹ đã chi 580 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển (R&D) trong năm 2018, so với 266 tỷ USD của Trung Quốc. Năm 2018, chi tiêu cho R&D của Mỹ chiếm 2,8% GDP hàng năm, so với tỷ lệ 2,1% của Trung Quốc.
Tuy nhiên, những con số đó cũng đã cho thấy Trung Quốc bắt kịp rất nhanh (năm 2000, chi tiêu cho R&D của Mỹ chiếm 2,6% GDP trong khi con số này ở Trung Quốc chỉ là 0,9%). Tổ chức tư vấn Rand Corporation cảnh báo, việc Bắc Kinh tập trung vào trí tuệ nhân tạo đã giúp họ thu hẹp đáng kể khoảng cách với Mỹ.
Tình thế này khiến Mỹ "đứng ngồi không yên" và đang dồn lực để củng cố vững chắc vị thế. Tổng thống Biden mới đây đã yêu cầu quốc hội tăng 13,5 tỷ USD tổng chi tiêu liên bang cho R&D. Lầu Năm Góc cũng muốn tăng 5% chi tiêu cho R&D lên 112 tỷ USD, trong đó ưu tiên trí tuệ nhân tạo, vi mạch và vũ khí siêu thanh.