1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ông Tập Cận Bình bắt đầu thăm Nga hôm nay

Thành Đạt

(Dân trí) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay 20/3 bắt đầu chuyến thăm chính thức tới Nga và gặp Tổng thống Vladimir Putin để trao đổi các vấn đề cùng quan tâm, trong đó có cuộc xung đột Ukraine.

Ông Tập Cận Bình bắt đầu thăm Nga hôm nay - 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow năm 2019 (Ảnh: Getty).

Trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 20/3 đã đăng tải phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình trước thềm chuyến thăm chính thức tới Nga trong tuần này. Theo kế hoạch, nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ thăm Nga trong 3 ngày 20-22/3.

"Nhận lời mời của Tổng thống Vladimir Putin, tôi sắp có chuyến thăm cấp nhà nước tới Liên bang Nga. Nga là quốc gia đầu tiên tôi đến thăm sau khi được bầu làm Chủ tịch nước 10 năm trước. Trong thập niên qua, tôi đã có 8 chuyến thăm tới Nga. Mỗi chuyến thăm của tôi đến Nga đều mang theo nhiều kỳ vọng và kết thúc chuyến thăm với kết quả tốt đẹp, mở ra một chương mới cho quan hệ Trung - Nga cùng với Tổng thống Putin", ông Tập Cận Bình cho biết.

Theo ông Tập, Trung Quốc và Nga là láng giềng lớn nhất của nhau và là đối tác chiến lược toàn diện. Cả hai đều là những nước lớn trên thế giới và là ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Cả hai nước đều duy trì chính sách đối ngoại độc lập và coi mối quan hệ song phương là ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao.

"Trong 10 năm qua, chúng ta đã đi một chặng đường dài trong sự hợp tác rộng rãi và đạt được những bước tiến quan trọng trong kỷ nguyên mới", ông Tập nhấn mạnh.

Ông Tập Cận Bình xác nhận Nga và Trung Quốc đã xây dựng khuôn khổ hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Theo ông, thương mại song phương đã vượt mức 190 tỷ USD vào năm ngoái, tăng 116% so với 10 năm trước. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong 13 năm qua. Hai bên cũng ghi nhận sự gia tăng ổn định trong đầu tư hai chiều.

"Sự hợp tác của chúng ta trong các dự án lớn trong các lĩnh vực như năng lượng, hàng không, không gian đang tiến triển đều đặn. Sự hợp tác trong đổi mới khoa học và công nghệ, thương mại điện tử xuyên biên giới và các lĩnh vực mới nổi khác đang cho thấy một động lực mạnh mẽ", ông Tập nêu thêm.

Liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc vẫn giữ lập trường khách quan và cân bằng trong vấn đề này, đồng thời tích cực thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình.

"Tôi đã đưa ra một số đề xuất, tuân thủ các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng các mối quan tâm an ninh chính đáng của tất cả quốc gia, ủng hộ mọi nỗ lực dẫn đến việc giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình và đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu. Đây cũng là những nguyên tắc cơ bản của Trung Quốc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine", ông Tập nêu rõ.

Ông Tập nhắc lại việc Trung Quốc đã công bố "Lập trường về Giải quyết Chính trị cho Khủng hoảng Ukraine", trong đó có tính đến các mối quan tâm chính đáng của tất cả các bên và phản ánh nhận thức chung rộng rãi nhất của cộng đồng quốc tế về cuộc khủng hoảng.

"Không có giải pháp đơn giản cho một vấn đề phức tạp. Chúng tôi tin rằng miễn là tất cả các bên đều có tầm nhìn về an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững, đồng thời theo đuổi đối thoại và tham vấn bình đẳng, hợp lý và hướng tới kết quả, thì họ sẽ tìm ra cách hợp lý để giải quyết khủng hoảng cũng như con đường rộng mở hướng tới một thế giới hòa bình lâu dài và an ninh chung", nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết thêm.

Trong một bài viết đăng tải trên báo People's Daily của Trung Quốc ngày 19/3, Tổng thống Putin đánh giá cao sự sẵn sàng của Bắc Kinh nhằm đóng vai trò trung gian hòa giải, chấm dứt xung đột Ukraine.

Tháng trước, Bắc Kinh đã đưa ra kế hoạch hòa bình gồm 12 điểm nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine. Đề xuất nhận được sự ủng hộ của Moscow, trong khi phương Tây tỏ ra thận trọng.

Theo Fmprc

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm