Ông Putin: Đề xuất của Trung Quốc có thể là nền tảng cho giải pháp hòa bình
(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin hoan nghênh kế hoạch hòa bình 12 điểm của Bắc Kinh đối với cuộc xung đột tại Ukraine, trong cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
"Chúng tôi tin rằng nhiều điều khoản trong kế hoạch hòa bình do Trung Quốc đưa ra phù hợp với lập trường của Nga và có thể được coi là nền tảng cho một giải pháp hòa bình với điều kiện phương Tây và Kiev sẵn sàng. Tuy nhiên, cho đến nay chúng tôi chưa thấy sự sẵn sàng như vậy từ phía họ", Tổng thống Putin nói sau cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 21/3.
Ông Tập Cận Bình cho biết Bắc Kinh tiếp tục tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc của Liên hợp quốc về việc giải quyết cuộc xung đột giữa Moscow và Kiev, đồng thời duy trì lập trường cân bằng. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhắc lại lời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và quay trở lại đàm phán để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột.
"Chúng tôi luôn ủng hộ hòa bình và đối thoại, và chúng tôi kiên quyết đứng về phía lẽ phải của lịch sử", ông Tập nói thêm.
Trung Quốc hồi tháng 2 đã nêu đề xuất hòa bình gồm 12 điểm: (1) Tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia; (2) Từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh; (3) Ngừng các hành động thù địch; (4) Nối lại hòa đàm; (5) Giải quyết khủng hoảng nhân đạo; (6) Bảo vệ dân thường và tù binh chiến tranh; (7) Duy trì an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân; (8) Giảm các rủi ro chiến lược; (9) Tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc; (10) Ngừng các lệnh trừng phạt đơn phương; (11) Giữ ổn định chuỗi cung ứng và công nghiệp; (12) Thúc đẩy tái thiết hậu xung đột.
Đề xuất hòa bình của Trung Quốc nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ cả Ukraine và phương Tây. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bày tỏ thái độ hoài nghi của Mỹ trước đề xuất hòa bình cho Ukraine mà Trung Quốc đưa ra. Theo ông Blinken, đề xuất này có thể là một "động thái trì hoãn" nhằm cho phép quân đội Nga có thêm thời gian trên chiến trường.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Moscow hôm 20/3 trong chuyến thăm 3 ngày tới Nga. Đến tối 21/3, hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Trung Quốc đã đưa ra tổng cộng 14 tuyên bố, nghị định thư, bản ghi nhớ và thỏa thuận trong các lĩnh vực từ thương mại, công nghiệp đến khoa học và quân sự.
"Đây là một ví dụ cho thấy cách các cường quốc thế giới, những thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có trách nhiệm đặc biệt trong việc duy trì sự ổn định và an ninh trên thế giới, nên tương tác với nhau", ông Putin nói tại bữa tiệc chiêu đãi sau cuộc hội đàm kéo dài nhiều giờ tại Điện Kremlin.
Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh mối quan hệ ngày càng tiến triển giữa hai quốc gia, trong đó Tổng thống Nga tuyên bố mối quan hệ đã đạt đến "mức cao nhất chưa từng có".
Trong tuyên bố chung, Nga và Trung Quốc đã cam kết làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác toàn diện và hợp tác chiến lược bước vào một kỷ nguyên mới, đồng thời xây dựng một kế hoạch phát triển cho các lĩnh vực hợp tác kinh tế quan trọng đến năm 2030.
Các bộ ngành của hai nước đã ký một nghị định thư về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản, trong khi một nghị định thư khác thiết lập một cơ chế cho các cuộc họp cấp cao thường xuyên trong tương lai.
"Tôi mong muốn duy trì liên lạc chặt chẽ với Tổng thống Vladimir Putin dưới nhiều hình thức khác nhau để đóng góp vào sự phát triển năng động và lâu dài của quan hệ Trung - Nga", ông Tập Cận Bình nói.
Moscow và Bắc Kinh đã đồng ý thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra chung trên biển và trên không và các cuộc tập trận chung, tăng cường trao đổi và hợp tác quân sự bằng cách sử dụng tất cả các cơ chế song phương sẵn có, đồng thời tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau giữa các lực lượng vũ trang hai nước.
6 bản ghi nhớ bổ sung đã được ký kết liên quan đến thương mại, lâm nghiệp, nông nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng và cơ sở hạ tầng ở Viễn Đông của Nga. Tập đoàn Rosatom và cơ quan năng lượng nguyên tử Trung Quốc đã nhất trí về một chương trình toàn diện hợp tác lâu dài.