1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ông McCain thừa nhận Putin phá thế cờ Mỹ ở Trung Đông

Washington đã thực sự mất thế trước Moscow, khiến cho họ không thể dùng lực, dù có thể vượt trội đối thủ, để tạo ra những thế cờ mới tại Trung Đông...

Ngày 17/1/2017, khi trả lời phỏng vấn đài truyền MSNBC của Mỹ, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain nhận định Tổng thống Putin đã trở thành nhân vật chủ chốt tại Trung Đông. Ông McCain đưa ra lời nhận định trong bối cảnh Washington được Moscow mời tham dự Hội nghị hòa bình cho Syria diễn ra tại Astana, Kazakhstan do Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ đồng tổ chức.

Thượng nghị sĩ bang Arizona cho rằng đóng góp của Mỹ cho tiến trình hòa bình tại Syria là rất nhỏ nên phải chấp nhận là khách mời và Washington không nên bỏ lỡ cơ hội vì nó sẽ không lặp lại một lần nữa. Thực tế Mỹ đã đánh mất vị thế thống soái tại Trung Đông khi không thể hiện được vai trò của mình tại vùng đất nóng này.

Thượng nghị sĩ nổi tiếng John McCain
Thượng nghị sĩ nổi tiếng John McCain

Điều gì khiến một chính trị gia cứng rắn nổi tiếng với quan điểm chống Nga như Thượng nghị sĩ McCain lại phải thừa nhận tầm ảnh hưởng của Tổng thống Putin và vai trò của Moscow như vậy?

Moscow đã phá vỡ thề cờ mà Washington tạo dựng tại Trung Đông

Cá nhân người viết cho rằng, xét về lực thì hiện nay Nga chưa thể vượt Mỹ tại vùng đất nóng Trung Đông. Gần 1/4 thế kỷ thời hậu Chiến tranh Lạnh, Washington đã một mình làm mưa làm gió tại vùng đất giàu tài nguyên nhiều xung đột này. Sức mạnh Hoa Kỳ đã xóa bỏ nhiều quân cờ, tạo ra nhiều ván cờ mới tại khu vực Trung Đông, từ đó nhiều quan hệ đồng mình, đối tác của Mỹ đã được xác lập.

Do vậy, với thực lực hiện tại, Moscow chỉ có thể làm mất vai trò của Washington tại địa bàn chiến lược này qua việc tạo ưu thế của mình. Có thể thấy rằng, việc tạo ra lợi thế để rồi từ đó chiếm ưu thế trước đối thủ ngay tại địa bàn chiến lược của họ là dấu ấn đậm nét nhất của Tổng thống Putin trong các nước cờ tại Trung Đông.

Tổng thống Putin đã giúp Moscow chiếm thế chủ động, đẩy Washington vào thế bị động trong cả nước đi của mình lẫn trong nước đi của chính đối thủ. Khi Mỹ bẻ được nanh của Iran qua việc tước bỏ bảo bối “phát triển kỹ thuật hạt nhân” bằng thỏa thuận hạt nhân với Iran, từ động thái đó Washington đã tạo ra một thế cờ mới quanh quân cờ đặc biệt quan trọng này.

Điều đó thể hiện rất rõ khi cuộc “đại khủng hoảng tinh thần” giữa Ả Rập Xê Út – vốn là một đồng minh chiến lược của Mỹ tại Trung Đông – với Iran, lúc đó dư luận đều nhận định Washington sẽ đứng về phía đồng minh chiến lược lâu năm của mình, song thật bất ngờ là quan điểm của Washington lại có phần nghiêng về phía đối thủ của Riyadh.

“Chính quyền Obama coi thỏa thuận với Iran là nhân tố ổn định cho một khu vực đang tuột khỏi tầm kiểm soát của Washington và vì thế Hoa Kỳ coi quan hệ với Iran là ưu tiên hàng đầu”, The New York Times ngày 6/1/2016 dẫn lời ông Aaron David Miller, một cựu chuyên gia đàm phán về Trung Đông và là Phó Chủ tịch Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson. Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, khi nước Mỹ còn đang loay hoay giải quyết bất đồng nội bộ về thỏa thuận hạt nhân với Iran, khi Washington còn đang trong quá trình thẩm định lại các quan hệ đồng minh, đối tác tại Trung Đông sau khi Washington thay đổi quan điểm với Tehran – đối thủ của nhiều đối tác của Mỹ tại khu vực này – thì Moscow đã kéo được Tehran về phía mình, từ ván cờ Syria.

Trong bốn “cường quốc nuôi ước vọng bá chủ Trung Đông” thì Washington đã xóa bỏ Iraq của Saddam Hussein, đã kiềm tỏa được Ả Rập Xê Út, do vậy chỉ còn Iran và Thổ Nhĩ Kỳ là những quân cờ mà Washington cần phải kiểm soát được. Với Tehran thì Washington đã chậm chân so với Moscow nên đành để đối thủ hưởng lợi, song với Ankara thì Washington còn cay đắng hơn nhiều.

Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên đóng vai trò tiền tiêu của NATO trong đối trọng với Nga, đóng vai trò quan trọng trong hai cuộc chiến vùng Vịnh, đặc biệt Ankara là nhân tố quyết định cho chiến lược của Washington nhằm vẽ lại bàn cờ Trung Đông bằng việc sử dụng quân cờ người Kurd. Do đó việc nắm giữ và hiệu chỉnh quan điểm của Ankara được xem là cực kỳ quan trọng với Washington.

Vậy nhưng: “Mỹ và phương Tây phải biết rằng thế cờ mà họ đang cố gắng tạo ra tại Trung Đông là không thể thành công. Họ chỉ cố gắng giữ Syria trong tình trạng hỗn loạn không thể kiểm soát, song Moscow, Ankara và Tehran hoàn toàn có thể ngăn chặn việc hiện thực kế hoạch đó”, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Sensoy nhận định.

Có lẽ không còn gì để nói thêm về việc Washington mất kiểm soát Thổ Nhĩ Kỳ và quan hệ Moscow – Ankara đang là yếu tố nguy hại nhất khiến cho Washington mất dần chỗ đứng tại Trung Đông. Như vậy là hai quân cờ cuối cùng mà Washington cần phải nắm giữ và chi phối để có thể kiểm soát bàn cờ chính trị tại Trung Đông đã hoàn toàn rơi vào tầm ảnh hưởng của Moscow.

Việc chính quyền Tổng thống Obama ủng hộ thông qua Nghị quyết hòa bình cho Israel và Palestine có lẽ mang nhiều tính hình thức hơn là ý nghĩa thực tế với họ. Bởi lẽ, người Do Thái và người Palestine không thể tự thực hiện được thỏa thuận, mà cần có sự tham gia của các thực thể khác, nhất là trong thế giới Ả Rập, song Washington trông cậy ai, nếu không phải là các đối tác của Moscow tại khu vực này.

Như vậy là Mỹ đã thực sự mất thế trước Nga tại Trung Đông, điều đó khiến cho họ không thể dùng lực, dù có vượt trội so với đối thủ, để tạo ra những thế cờ mới tại vùng đất khói lửa mà Washington đã đóng vai trò thống soái trong mấy chục năm qua. Có thể nhận diện quan điểm của Thượng nghị sĩ John McCain đã phản ánh đúng thực tế ấy, chứ không chỉ là việc Washington mất vai trò trong cuộc chiến Syria.

Không thể phủ nhân rằng, nước đi “thoả thuận hạt nhân Iran” đã gần như mất tác hiệu với Washington khi Tehran đã tìm ra lá chắn từ Moscow. Việc Washington "bẻ nanh" Iran không chỉ nhằm làm giảm mức độ nguy hiểm từ quốc gia Hồi giáo này, mà mục đích chính của Washington là sử dụng quân cờ đặc biệt này trong các nước đi của mình, song nay thì điều đó đã trở nên quá xa vời.

Việc tân Tổng thống Donald Trump phản đối thỏa thuận hạt nhân với Iran không chỉ là muốn xóa bỏ di sản của người tiền nhiệm do ông cảm thấy không phù hợp với quan điểm của mình, mà thực ra là vì ông Trump không còn nhìn thấy cơ hội khai thác lợi ích từ nước đi này. Ông Trump muốn xóa bỏ thỏa thuận để không muốn Moscow “ngư ông đắc lợi”, song điều này xem ra đã muộn.

Tổng thống Putin đã giúp Moscow tạo ra lợi thế, từ đó chiếm ưu thế trước Washington tại Trung Đông khói lửa
Tổng thống Putin đã giúp Moscow tạo ra lợi thế, từ đó chiếm ưu thế trước Washington tại Trung Đông khói lửa

Ở một nước cờ khác Mỹ là muốn đưa người Kurd lên vũ đài chính trị, từ đó vẽ lại bàn cờ chính trị tại Trung Đông theo ý đồ của Washington, sau khi chứng kiến ngày càng nhiều lợi bất cập hại trong việc nuông chiều chỉ một mình Israel tại khu vực này. Thậm chí “quân cờ người Kurd” còn lợi hại hơn rất nhiều “quân cờ người Do Thái” cả về địa chính trị và địa chiến lược.

Tộc người Kurd sinh sống tại khu vực “ngã tư biên giới” Iran – Iraq – Syria – Thổ Nhĩ Kỳ được xem là một trong những ưu điểm tuyệt đối cho chiến lược kiềm tỏa Trung Đông của Washington nếu sử dụng quân cờ này. Khi cấu trúc chính trị tại Iraq thời hậu Saddam Hussein dành vị trí nguyên thủ quốc gia cho đại diện người Kurd là một trong những "nước đi tiền trạm" thành công của Washington.

Khi Mỹ tham gia hỗ trợ chính quyền Baghdad trong cuộc chiến chống IS được xem là nước đi “nhất cử lưỡng tiện” cho việc tiếp tục nâng cao vị thế của người Kurd tại bàn cờ chính trị tại Trung Đông. Bởi khi tấn công IS tại Iraq thì việc Mỹ có mặt tại Syria được xem là tất yếu do sào huyệt của IS nằm cả trên đất Iraq và Syria.

Với hành động đó Washington sẽ khích lệ được người Kurd tại Syria tham gia vào cuộc chiến chống IS để từ đó hợp pháp hóa địa vị chính trị của họ và cũng từ đó Washington sẽ thực hiện việc thanh tẩy cho đảng Công nhân người Kurd (PKK) tại Thổ Nhĩ Kỳ. Khi người Kurd tại Iraq, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ có địa vị chính trị thì chắc chắn người Kurd tại Iran sẽ được tạo vị thế tương xứng trong đời sống chính trị tại quốc gia này.

Khi các nước đi đó hoàn tất thì một thế cờ mới, một bàn cờ mới của Washington tại Trung Đông sẽ chính thức thành hình. Tuy nhiên, nay thì cả Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đều nằm trong tầm kiềm tỏa của Moscow và “nước cờ người Kurd” của Washington có thể hoàn toàn bị vô hiệu nếu Hội nghị hòa bình cho Syria do Moscow bảo trợ có bàn về địa vị chính trị cho lực lượng này.

Chỉ có điều, vị thế và vai trò của người Kurd trong trường hợp được Moscow, Tehran và Ankara tạo dựng sẽ không thể như mong muốn của Washington. Nếu thực tế đó diễn ra thì có nghĩa Washington gần như hoàn toàn hổng chân tại Trung Đông. Do vậy, Thượng nghị sĩ McCain kêu gọi Mỹ cần phải có mặt tại Astana, cho dù chỉ ở vị thế khách mời, bởi thực tế đã không cho Washington một lựa chọn nào khác tốt hơn được nữa.

Theo Ngọc Việt

Đất Việt