Ông Lý Quang Diệu trong mắt Cựu Đại sứ Việt Nam tại Singapore
(Dân trí) - "Khi Đồng chí Trương Tấn Sang hỏi về bài học lớn nhất làm nên sự “kỳ diệu“ của Singapore, ông Lý Quang Diệu nói đại ý: 90% thành công là từ học hỏi kinh nghiệm của các nước khác, chỉ có 10% là của Singapore; nhân tố quyết định vẫn là con người...", Cựu Đại sứ Nguyễn Đức Hùng kể lại.
Đất nước Singapore đang ngập tràn trong sự tiếc thương khi vị “cha đẻ" lập quốc Lý Quang Diệu qua đời. Con người ấy đã làm nên một “thương hiệu” Singapore đáng nể như ngày hôm nay.
Phóng viên Dân Trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hùng, Cựu Đại sứ Việt Nam tại Singapore (nhiệm kỳ 1996-1999), hiện là Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Singapore, người đã có dịp gặp ông Lý, về bài học thành công của quốc đảo sư tử mang dấu ấn của vị cố lãnh đạo này.
Ông Nguyễn Đức Hùng, Cựu Đại sứ Việt Nam tại Singapore, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Singapore
Được biết, ông đã từng có dịp gặp Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, xin ông cho biết ấn tượng sâu sắc nhất của ông về ông Lý?
Tôi còn nhớ, trong nhiệm kỳ của mình tại Singapore, vào khoảng năm 1998, tôi đã có dịp được đón ông Trương Tấn Sang, khi đó là Bí thư Thành ủy Tp.Hồ Chí Minh (nay là Chủ tịch nước CHXNCN Việt Nam) sang thăm làm việc Singapore theo lời mời của ông Lý Quang Diệu (lúc này đã thôi làm Thủ tướng và giữ chức Bộ trưởng cao cấp của chính phủ Singapore).
Ông Lý Quang Diệu tiếp Bí thư Thành ủy Trương Tấn Sang ngay trong phòng làm việc được bài trí rất đơn giản trong lâu đài I-xta-na, nơi làm việc của Tổng thống và Thủ tướng Singapore, tọa lạc trên đường Ô-sát. Cuộc trao đổi diễn ra rất cởi mở, thẳng thắn và thú vị; tôi có cảm tưởng hai vị chính khách tâm đầu ý hợp, cùng chia sẻ nhiều vấn đề vĩ mô về chiến lược phát triển của khu vực, của quốc gia và những vấn đề vi mô liên quan quy hoạch quản lý đô thị.
Khi Đồng chí Trương Tấn Sang hỏi bài học lớn nhất làm nên sự “kỳ diệu” của Singapore hôm nay là gì, Ông Lý nói đại ý: 90% thành công của đất nước bắt nguồn từ sự học hỏi và áp dụng từ kinh nghiệm của những nước khác, chỉ có 10% là của Singapore; nhân tố quyết định vẫn là con người với những nỗ lực bền bỉ cộng với học vấn và sự rèn luyện của họ. Tôi nghĩ rằng điều đó đúng không chỉ với quốc đảo này mà cả với chúng ta và những dân tộc khác.
Trong nửa thế kỷ qua, mối quan hệ Việt Nam-Singapore đã đi từ ngờ vực, chia rẽ đến quan hệ đối tác chiến lược? Tại sao có sự chuyển biến ấy và theo ông, Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu có vai trò gì trong việc làm chuyển biến mối quan hệ này?
Từ sau chiến tranh thế giới II, sự phát triển của phong trào giải phóng dân tộc đã làm sụp đổ hoàn toàn hệ thống thuộc địa của nghĩa thực dân ở Đông Nam Á. Cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do diễn ra dưới những hình thức khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện lịch sử của mỗi nước và tác động của những nhân tố bên trong cũng như bên ngoài khu vực. Hệ quả của sự phát triển đa dạng đó dã dẫn tới việc hình thành các thể chế chính trị, xu hướng phát triển khác nhau sau khi giành độc lập.
Vị trí địa lý đặc biệt của khu vực Đông Nam Á, sự lựa chọn chế độ chính trị khác nhau của các nước Đông Nam Á, khiến cho khu vực này trở thành một trong những khu vực đối đầu, tranh giành ảnh hưởng chính giữa Đông và Tây trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Song, từ sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, đặc biệt từ khi Việt Nam phá vỡ tình trạng bị bao vây cấm vận trong suốt thập kỷ 1980 của thế kỷ trước và gia nhập ASEAN thì cục diện Đông Nam Á đã có những thay đổi quan trọng. Đông Nam Á bước vào thời kỳ mới - thời kỳ hòa bình và hợp tác thay cho tình trạng đối đầu trong những thập kỷ trước.
Những cơ hội thuận lợi mới xuất hiện để các nước Đông Nam Á tập trung nỗ lực cho sự phát triển của mỗi nước và cả khu vực. Sự tập hợp của 10 nước trong tổ chức ASEAN ngày nay đã khẳng định một chân lý: hòa bình và sự phồn vinh của mỗi nước và của khu vực là không thể chia cắt.
Sự phát triển trong quan hệ giữa Việt Nam và Singapore là bước đi tất yếu trong xu thế liên kết hội nhập của ASEAN nhưng trước hết phải nhờ có tầm nhìn xa chiến lược vào xu thế phát triển của sự liên kết khu vực của các vị lãnh đạo hai nước mà tiêu biểu trong thời kỳ đó là Tổng bí thư Đỗ Mười, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu.
Sau này trong cuốn sách “Lý Quang Diệu: góc nhìn của một con người về thế giới", ông Lý đã nhận xét rằng “Có nhiều cơ hội mới cho Việt Nam khi nước này tiến hành cải cách thị trường vào những năm 1980”, “Người Việt Nam là những người có năng lực, năng động ở Đông Nam Á”.
Ông Lý cũng hiểu rằng “Singapore phải chấp nhận thế giới sẵn có, Singapore quá nhỏ bé để có thể thay đổi được gì. Nhưng chúng ta (Singapore) có thể tối đa hóa không gian xoay sở của chúng ta giữa những “cây đại thụ” trong khu vực", “Chúng tôi (Singapore) là người thực dụng…Cái này có hiệu quả không? Cứ thử và nếu nó hiệu quả, tốt thôi, cứ tiếp tục. Còn không, vứt nó qua một bên, thử cái khác. Chúng tôi không bị dính chặt với bất cứ một hệ tư tưởng nào cả” (trả lời phỏng vấn New York Times, 29/8/2007).
Với cách tiếp cận như vậy về Việt Nam và về Singapore thì tầm cao của quan hệ đối tác chiến lược hôm nay giữa Việt nam và Singapore là sự phát triển tất yếu. Và quả thực, sự kết nối hai nền kinh tế năng động trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược đã và đang đưa lại những hiệu quả to lớn cho các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của cả hai nước nói riêng và ASEAN nói chung.
Theo ông, đâu là những yếu tố quan trọng nhất để tạo nên tên tuổi của Singapore ngày nay? Điều này mang lại bài học gì cho Việt Nam?
Cách đây trên 150 năm, Singapore chỉ là một làng chài nhỏ bé, dân cư thưa thớt và là nơi trú ngụ của những tên cướp biển. Nhìn lại lịch sử phát triển của Singapore từ năm 1965 đến nay có thể thấy, sự thành công của đất nước này là sự tổng hòa của nhiều nhân tố: nhân tố quốc tế và khu vực, nguồn nội lực và ngoại lực. Những yếu tố tạo nên “thương hiệu" kỳ diệu của quốc đảo và cũng có thể là những bài học có ý nghĩa thiết thực cho chúng ta .
Thứ nhất chính khát vọng và nỗ lực vươn lên đóng vai trò quyết định dẫn đến thành công của một quốc gia nhỏ bé, không giàu có về tài nguyên.Với khát vọng vươn lên thoát ra khỏi tình trạng khó khăn và nghèo đói, Chính phủ Singapore đã tiến hành chiến lược công nghiệp hóa với hai giai đoạn: công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu và công nghiệp hóa hướng ra xuất khẩu. Trong nhiều năm liên tục, quốc đảo có tốc độ phát triển vượt xa tốc độ phát triển trung bình của thế giới và có tỉ lệ lạm phát thấp hơn tỉ lệ trung bình của thế giới.
Thứ hai là chính sách: Thắng trong cuộc đua giáo dục, sẽ thắng trong kinh tế, chính sách đào tạo, trọng dụng nhân tài và đề cao vai trò của thế hệ trẻ. Trong quan điểm của cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu, muốn xây dựng một ngôi nhà bề thế sang trọng và bền vững ắt phải có một nền móng vững chắc. Nếu lực lượng lao động của đất nước hay những vị trí cốt yếu trong cơ quan Chính phủ là những nhân tài thì bất cứ chính sách nào cũng có thể hoàn thành với kết quả vĩ đại. Trên nền tảng đó, Singapore sẽ nhanh chóng “hóa rồng” và là “một con rồng thực” chứ không chỉ là hiện tượng.
Singapore được đánh giá là quốc gia có chính sách thu hút nhân tài nước ngoài bài bản nhất thế giới. Điều này cũng dễ hiểu bởi ngay từ khi mới lên cầm quyền, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu đã xác định rõ nhân tài là yếu tố then chốt quyết định khả năng cạnh tranh và phát triển của nền kinh tế.
Thứ ba, đó là một thể chế trong sạch và một chính phủ tài năng. Để khẳng định vị trí lãnh đạo của mình, các nhà lãnh đạo Singapore xúc tiến việc thiết lập các mối quan hệ chặt chẽ với quần chúng nhân dân, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Đồng thời, việc xây dựng và duy trì một chính phủ trong sạch, không tham nhũng đã trở thành động lực để thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Thêm vào đó, hệ thống pháp luật chặt chẽ và trật tự xã hội nghiêm minh được thiết lập từ những thập niên đầu tiên và góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của đảo quốc này.
Với triết lý hành động “dân chủ xã hội chủ nghĩa”, Chính phủ đã biến lý tưởng và sứ mệnh của mình thành thành quả cụ thể là người dân ai cũng có nhà ở và tách bạch rõ vai trò lãnh đạo của đảng cầm quyền và chức năng quản lý của nhà nước. Những cuộc đối thoại của công dân với Chính phủ Singapore diễn ra thường xuyên trong suốt 12 tháng mỗi năm với tên gọi bằng tiếng Anh là “The Singapore Conversation” là cầu nối đích thực giữa Chính phủ với người dân.
Ông Lý luôn đau đáu với tương lai của đất nước và dặn dò thế hệ mai sau, “đừng xem những gì được xây dựng nên là điều hiển nhiên, là thứ có sẵn”, “nếu bạn quên rằng đây chỉ là một hòn đảo nhỏ nơi mà chúng ta xây dựng nên một toà tháp cao 100 tầng, và có thể lên đến 150 tầng nếu bạn đủ thông thái. Nhưng nếu bạn tin rằng điều này là vĩnh cửu, thì toà tháp sẽ sụp đổ và bạn sẽ không thể nào có được cơ hội thứ hai.” (Trả lời phỏng vấn New York Times, 13/9/2010).
Sau Lý Quang Diệu, đất nước và nhân dân Singapore lại lựa chọn cho mình những vị Thủ tướng xuất sắc, tài ba như Goh Chok Tong, Lý Hiển Long đã và đang tiếp tục đưa quốc đảo đi tới những đỉnh cao phát triển mới trong quá trình hội nhập toàn diện với khu vực và quốc tế. Nhờ vào sự kết hợp hài hòa những nhân tố này mà Singapore đã gặt hái được những kỳ tích trong tăng trưởng kinh tế.
Nam Hằng
Thực hiện