1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ông Kim Jong-un sẽ thuê máy bay Trung Quốc?

Nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể sẽ dừng chân ở Trung Quốc để tiếp nhiên liệu hoặc thậm chí thuê một chiếc máy bay Trung Quốc để tới Singapore.

Bất lợi cho Triều Tiên?

Tờ Hoàn cầu của Trung Quốc dẫn ý kiến giới phân tích nước này cho rằng Singapore được chọn để tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vì đây là thành phố "cửa ngõ" châu Á đối với phương Tây, đồng thời cũng nằm khá gần Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, địa điểm này được cho là gây ra thách thức đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Tờ Hoàn cầu dẫn lời nhà nghiên cứu Lã Siêu nói: “Tuy có Đại sứ quán đóng tại quốc gia Đông Nam Á này nhưng Triều Tiên không có mối quan hệ đặc biệt hoặc thân tình với Singapore, và ông Kim Jong-un sẽ phải từ bỏ hầu hết các chuyến tàu đặc biệt quen thuộc và đáng tin cậy nhất để đến địa điểm này".

Chuyên gia này giải thích thêm, chặng bay từ Bình Nhưỡng đến Singapore dài 4.700 km, vượt qua giới hạn của một chuyến bay thuê cất cánh từ thủ đô Bình Nhưỡng.


Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Do đó, ông Lã Siêu dự đoán nhiều khả năng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ dừng chân ở một thành phố của Trung Quốc để tiếp nhiên liệu hoặc thậm chí thuê một chiếc máy bay Trung Quốc.

Theo chuyên gia Trung Quốc, chặng bay dài lần này cũng sẽ kiểm nghiệm hệ thống liên lạc của nhà lãnh đạo Kim Jong-un với thủ đô Bình Nhưỡng.

Tờ Hoàn Cầu dẫn ý kiến giới phân tích Trung Quốc cho rằng bầu không khí ngoại giao đã được cải thiện đáng kể sau khi Triều Tiên trả tự do cho 3 tù nhân người Mỹ và cam kết ngừng thử hạt nhân cũng như "xóa sổ" bãi thử hạt nhân.

Tuy nhiên, tờ báo Trung Quốc cũng cảnh báo không nên bỏ qua thực tế sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai bên vẫn là con số không và có một khoảng cách chính trị lớn khi hai bên chuẩn bị tiến tới đàm phán thực tế.

Những mục tiêu của Mỹ đối với hội nghị thượng đỉnh này đã được Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mô tả là "hủy bỏ vĩnh viễn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược đối với chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên".


Ông Kim Jong-un bất ngờ có chuyến thăm thứ hai tới Trung Quốc hồi đầu tháng này

Ông Kim Jong-un bất ngờ có chuyến thăm thứ hai tới Trung Quốc hồi đầu tháng này

Trong khi đó, giới phân tích Trung Quốc cho rằng Triều Tiên lại đang tỏ ra không rõ ràng hơn và khá mập mờ về lập trường đàm phán. Do đó rất khó dự đoán những điều khoản chi tiết nào Bình Nhưỡng sẽ đặt trên bàn đàm phán để đạt được mục tiêu đảm bảo an ninh trước Mỹ.

Nhà nghiên cứu Trung Quốc Lã Siêu “bồi” thêm rằng rằng hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ không giải quyết triệt để được vấn đề phi hạt nhân hóa. Các chủ đề chính của cuộc gặp có thể sẽ bao gồm các phương thức Mỹ thẩm định quá trình phi hạt nhân hóa, tiếp cận của nhóm thanh sát viên Mỹ và Washington bồi thường kinh tế cho Bình Nhưỡng vì từ bỏ chương trình hạt nhân.

Mỹ lạc quan thận trọng

Trong khi đó, trang The National Interest của Mỹ bình luận rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều dù thành công hay không thì cuối cùng cũng có thể làm được điều gì đó. Các bên có thể không đi tới một giải pháp chỉ sau 1-2 ngày đàm phán, nhưng một con đường và một tiến trình có thể hỗ trợ rất nhiều.

Theo tờ báo Mỹ, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un do đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm gặt hái được thành công nào đó nên cũng góp phần làm tăng thêm tiềm năng của cuộc gặp.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được cho là có vẻ quá "dễ dãi" và thay đổi phong cách khi trả tự do cho 3 công dân Mỹ cũng như chấp nhận việc Mỹ tiếp tục duy trì quân đồn trú ở Hàn Quốc... Chiến lược "ngoại giao quyến rũ" tại Olympic Pyeongchang 2018 đã phát huy tác dụng.

Theo The National Interest thừa nhận vũ khí hạt nhân là hiệu quả và tạo được đòn bẩy lớn khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có được những bức ảnh giá trị cũng như nghi lễ đón tiếp trang trọng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Điều đáng chú ý hơn là từ trước đến nay chưa có một Tổng thống Mỹ nào gặp các nhà lãnh đạo Triều Tiên, nhưng giờ đây điều đó đang chuẩn bị diễn ra.

Giới phân tích Mỹ cho rằng ông Kim Jong-un là người được đào tạo ở châu Âu từ bé và chứng kiến việc nhà lãnh đạo Muammar el-Qaddafi bị giết hại nên có thể rút ra được bài học dành cho những nhà lãnh đạo từ bỏ vũ khí hạt nhân.


Ông Kim Jong-un thị sát một vụ phóng thử tên lửa

Ông Kim Jong-un thị sát một vụ phóng thử tên lửa

Bên cạnh đó, việc Mỹ bất ngờ từ bỏ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran đã cho thấy mọi thứ đều có thể xảy ra.

Đó là lý do khiến giới phân tích Mỹ tỏ ra thận trọng về kết quả của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới, trong đó nội dung chính là Triều Tiên cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, The National Interest vẫn cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay đang tạo ra nhiều cơ hội để Mỹ giải quyết chính vấn đề đó, không chỉ ở bán đảo Triều Tiên mà đối với cả khu vực và xa hơn trong việc tăng cường quan hệ đối tác với các đồng minh.

Trong khi đó, tờ New York Times đánh giá tham dự cuộc họp Mỹ-Triều sắp tới là hai nhà lãnh đạo với hai cá tính “bất ổn”. Tờ báo này cho rằng Tổng thống Trump có tính cách bốc đồng, ít kinh nghiệm chính trị, thường giải quyết những vấn đề quan trọng một cách khó đoán, không tuân theo bất kỳ quy chuẩn nào.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được đánh giá là đã thể hiện sự táo bạo của tuổi trẻ, tinh thần sẵn sàng chấp nhận rủi ro và luôn phô trương về một cường quốc hạt nhân.


Mỹ và Triều Tiên đang hiểu nhầm thông điệp của nhau?

Mỹ và Triều Tiên đang hiểu nhầm thông điệp của nhau?

Tờ báo Mỹ dẫn ý kiến các chuyên gia nước này cho rằng Mỹ và Triều Tiên đã hiểu sai thông điệp của nhau. Triều Tiên tuyên bố sẽ dừng các cuộc thử nghiệm hạt nhân và các chương trình phát triển của mình chỉ là một sự khẳng định những thành quả công nghệ mà nước này đã đạt được, khẳng định vị trí cường quốc hạt nhân của mình.

Tuy nhiên, các quan chức của Mỹ lại hoan nghênh động thái trên của Triều Tiên bởi cho rằng đây là sự nhượng bộ đầu tiên của Triều Tiên.

Triều Tiên có thể cho rằng những bước đột phá trong hạt nhân của mình đã buộc Tổng thống Trump phải tham dự cuộc họp thượng đỉnh nhưng các quan chức của Mỹ lại cho rằng ông Kim là người bị buộc ngồi vào bàn đàm phán do lo sợ các lệnh trừng phạt và đe dọa hành động quân sự của Mỹ.

Theo New York Times, nếu mất mặt tại cuộc gặp, nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể lặp lại những gì đã làm, trong đó có cảnh báo tấn công bằng vũ khí hạt nhân.

Còn Tổng thống Trump, người có xu hướng coi các cuộc đàm phán như một trò chơi tổng bằng không, trong đó sẽ có kẻ thắng người thua, sẽ có thể đưa ra những hành động đầy bất ngờ như cách mà ông vẫn thường làm.

Tờ báo Mỹ kết luận, có nhiều kịch bản về kết quả cuộc gặp được đưa ra nhưng đa số đều cho rằng các bên khó đạt được điều mà họ mong muốn. Nếu những xung đột kỳ vọng giữa hai quốc gia không thể hòa giải, các cuộc thảo luận sẽ đứng trước nguy cơ sụp đổ trong giận dữ và bất đồng.

Theo Thành Minh

Báo Đất việt