Ông Giang Trạch Dân - nhà lãnh đạo thúc đẩy kinh tế Trung Quốc bùng nổ
(Dân trí) - Dưới sự lãnh đạo của nguyên Chủ tịch Giang Trạch Dân, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu lớn, bao gồm sự phát triển vượt bậc về kinh tế và cải thiện đáng kể quan hệ với phương Tây.
Nguyên Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân qua đời hôm 30/11 ở Thượng Hải vì bệnh ung thư máu và suy đa tạng, hưởng thọ 96 tuổi. Ông được xem là nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn trong chính trường Trung Quốc và để lại nhiều dấu ấn nổi bật trong sự nghiệp chính trị.
Dưới sự lãnh đạo của ông Giang Trạch Dân, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, bao gồm phát triển kinh tế vượt bậc, hàn gắn quan hệ với phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đồng thời góp phần đưa Trung Quốc thoát khỏi tình trạng bị cô lập về ngoại giao.
Nhà lãnh đạo thúc đẩy đột phá kinh tế
Về mặt kinh tế, việc thúc đẩy cải cách thị trường và các quy tắc thương mại quốc tế dưới thời ông Giang Trạch Dân được nhiều người cho là một trong những di sản chính của ông giúp nâng tầm nền kinh tế Trung Quốc.
"Đó là một ngã rẽ quan trọng mà Trung Quốc phải đưa ra lựa chọn", Chen Dongqi, cựu phó giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô Trung Quốc, một tổ chức trực thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, nhớ lại.
Ông Chen là một trong số hơn 10 nhà nghiên cứu được ông Giang Trạch Dân mời tới để tham dự 11 cuộc họp kín từ tháng 10-12/1991, khi họ được yêu cầu thảo luận về 3 chủ đề: bài học rút ra từ sự sụp đổ của Liên Xô và khối Đông Âu, sự phát triển sau Thế chiến thứ hai của các nước tư bản chủ nghĩa và Trung Quốc nên làm gì tiếp theo.
"Ông Giang Trạch Dân thừa nhận tư tưởng chủ đạo về cải cách ủng hộ thị trường. Sự lựa chọn của ông đã ngăn đất nước quay trở lại nền kinh tế chỉ huy và đặt nền móng vững chắc cho năng lực cạnh tranh và vị thế kinh tế đang lên của Trung Quốc", cựu cố vấn chính phủ Trung Quốc cho biết.
Dưới thời ông Giang Trạch Dân, Trung Quốc đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới và mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận thị trường Trung Quốc.
"Phần lớn các ý tưởng dưới thời ông Đặng Tiểu Bình đã thực sự được thực hiện trong nhiệm kỳ của ông Giang Trạch Dân. Là một nhà lãnh đạo cốt lõi, ông Giang Trạch Dân đã có những đóng góp to lớn trong việc xác định cải cách thị trường và nền kinh tế mở của Trung Quốc. Phần lớn các sắp xếp thể chế hiện tại bắt nguồn từ những thay đổi vào thời điểm đó", Fan Shitao, học giả lịch sử kinh tế tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, cho biết.
Về hợp tác quốc tế, cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd nói rằng ông Giang Trạch Dân đã nắm bắt cơ hội chiến lược vào những năm 1990 và coi mối quan hệ Mỹ - Trung là "điều quan trọng nhất trong số những điều quan trọng".
"Trong số tất cả các nhà lãnh đạo Trung Quốc mà chúng tôi đã gặp, chỉ có ông Giang Trạch Dân có khả năng thực sự về tiếng Anh - nền tảng cho sự quan tâm của ông ấy với thế giới bên ngoài Trung Quốc", cựu Thủ tướng Rudd viết trong một bài báo do Viện Lowy xuất bản tuần trước.
Ông Giang Trạch Dân đã đích thân giúp hàn gắn mối quan hệ Mỹ - Trung bằng các cuộc tiếp xúc trực tiếp, bao gồm việc giới thiệu bộ phim bom tấn Hollywood Titanic đến Trung Quốc vào năm 1998, cuộc phỏng vấn 60 phút của ông với Mike Wallace và cho phép cầu thủ bóng rổ Yao Ming chơi cho NBA.
GDP của Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần dưới thời ông Giang Trạch Dân. Khi ông rời nhiệm sở vào năm 2003, Trung Quốc đã chuyển mình từ một quốc gia nông nghiệp thành một quốc gia công nghiệp hóa nhanh chóng. Trung Quốc trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư toàn cầu và trở thành trung tâm sản xuất toàn cầu, với các doanh nghiệp tư nhân mọc lên như nấm.
Đặc biệt, việc Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001 đã mở ra một chương mới về tăng trưởng và quy mô kinh tế của nước này đã mở rộng gấp 12 lần trong hai thập niên sau đó. Với đà tăng trưởng, Trung Quốc đã bắt đầu hành trình đuổi kịp Mỹ và thách thức vị trí số 1 của Mỹ.
Trong nhiệm kỳ 3 năm làm bộ trưởng công nghiệp điện tử vào đầu thập niên 1980, ông Giang Trạch Dân đã chứng tỏ là "người đi trước thời đại" khi kêu gọi nghiên cứu độc lập và tự túc về mạch tích hợp và máy tính. Mối quan tâm lớn của ông đối với tiến bộ công nghệ nước ngoài đã được thể hiện rõ trong các chuyến thăm của ông tới IBM và Bell Labs vào cuối những năm 1990.
Một trong những tài liệu nghiên cứu của ông Giang Trạch Dân, xuất bản năm 2008, 5 năm sau khi ông nghỉ hưu, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển công nghệ thông tin trong nước.
Nhà lãnh đạo đam mê khoa học
Nguyên Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân dành mối quan tâm đặc biệt cho khoa học. Ông luôn dành thời gian để tìm hiểu các vấn đề khoa học phức tạp và học hỏi từ các nhà khoa học, bất chấp lịch trình công việc bận rộn.
Rudolph Marcus, giáo sư hóa học tại Viện Công nghệ California, đã gặp ông Giang Trạch Dân trong chuyến đi đến Trung Quốc vào năm 2000 với tư cách là thành viên của phái đoàn những người Mỹ đoạt giải Nobel.
"Tại một bữa ăn tối ở Bắc Đới Hà, chúng tôi được yêu cầu đưa ra lời khuyên cho chính phủ (Trung Quốc), vì vậy tôi đã nói về việc ủng hộ nghiên cứu cơ bản, chứ không chỉ nghiên cứu ứng dụng", ông Marcus, người nhận giải Nobel Hóa học năm 1992, kể lại.
Giáo sư Marcus cho biết ông đã đưa cho ông Giang Trạch Dân "những ví dụ về một số hậu quả đáng kể đối với xã hội từ những dự án ban đầu chỉ là nghiên cứu cơ bản".
Tại Bắc Kinh năm 2002, ông Giang Trạch Dân đã tham dự lễ khai mạc Đại hội các nhà toán học quốc tế (ICM), một sự kiện toàn cầu được gọi là "Olympics dành cho các nhà toán học".
"Kế hoạch ban đầu là nhà lãnh đạo sẽ rời đi sau khi trao Huy chương Fields cho người chiến thắng", ông Ma Zhiming, một nhà toán học cao cấp của Viện Khoa học Trung Quốc, thành viên của ban tổ chức đại hội, nhớ lại.
Nhưng sau khi ông Ma thông báo cho ông Giang Trạch Dân biết ai sẽ phát biểu sau lễ trao giải, nhà lãnh đạo Trung Quốc quyết định ở lại cho đến khi buổi lễ kết thúc.
"Không giống như những gì người ta thường thấy ở một chính trị gia, ông ấy không vội vàng phát biểu rồi lại vội vã ra về. Thay vào đó, ông ấy đã ngồi lại và lắng nghe trong 90 phút", ấn phẩm của Hiệp hội Toán học Mỹ số ra tháng 1/2003 cho biết.
Trong buổi lễ khai mạc ICM, ông Giang Trạch Dân thậm chí còn đứng dậy khỏi chỗ ngồi của mình để chỉnh micro cho Shiing-Shen Chern, một nhà toán học người Mỹ gốc Hoa nổi tiếng ngồi cạnh ông.
"Các đồng nghiệp nước ngoài của tôi nói với tôi rằng họ vô cùng xúc động trước hành động của ông Giang Trạch Dân", ông Ma nói.
Ông Giang Trạch Dân cũng có niềm đam mê với vật lý lý thuyết. Năm 1991, "cha đẻ" chương trình tên lửa hạt nhân và vũ trụ Trung Quốc Qian Xuesen nhận được một cuộc gọi bất ngờ từ ông Giang, yêu cầu ông giải thích thuyết siêu dây.
Vào một buổi tối muộn khác, ông Giang Trạch Dân đã gọi điện cho Song Jian, một nhà khoa học quân sự cấp cao, để yêu cầu ông giải thích sự khác biệt giữa vật lý của Newton và Einstein, và chúng có liên quan như thế nào với cơ học lượng tử.
Trong một dịp khác, ông Giang Trạch Dân hỏi nhà khoa học Song tại sao thế giới lại tồn tại trong không gian ba chiều. Cuối cùng, ông Song đến thăm văn phòng của ông Giang Trạch Dân, và hai người đã thảo luận về hình học Riemann trong một giờ. "Tôi luôn thích nói chuyện với Chủ tịch Giang Trạch Dân. Ông ấy khao khát khám phá những ý tưởng mới", ông Song nói.