1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ông bố có con trôi xác trên bãi biển kể về chuyến đi tử thần

(Dân trí) - Một người đàn ông Syria, ông bố của đứa trẻ được phát hiện trôi dạt vào bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ gây chấn động dư luận, nói giờ đây anh không thiết tha gì với cuộc sống, sau khi mất vợ và cả 2 con trai trên hành trình vượt biển để tới châu Âu.

 

Ông bố có con trôi xác trên bãi biển kể về chuyến đi tử thần - 1

Abdullah Kurdi đã mất vợ và 2 con trai trong hành trình tìm miền đất mới (Ảnh: AP)

Abdullah Kurdi khóc nức nở sau khi đi ra từ một nhà xác ở thành phố Mugla của Thổ Nhĩ Kỳ gần Bodrum, nơi thi thể đứa con trai 3 tuổi Aylan, trôi dạt vào bờ hôm 2/9.

Bức ảnh chụp thi thể Aylan mặc áo phông đỏ, quần xanh, chân đi giày, nằm úp mặt lên cát đã gây chấn động dư luận.

Cậu bé Aylan cùng anh trai Galip, 5 tuổi, và người mẹ Rehan, 35 tuổi, đã thiệt mạng sau khi chiếc thuyền chở họ bị lật trên hành vượt biển nguy hiểm tới đảo Kos, Hy Lạp.

Kurdi kể lại rằng anh lên một chiếc thuyền nhỏ chở 12 người tại Thổ Nhĩ Kỳ. Chiếc thuyền được điều khiển bởi 2 kẻ buôn người, một người Thổ và một người Syria. Thấy chiếc thuyền quá nhỏ và chở đông người, Kurdi đã đề nghị bớt người ở lại, hoặc anh sẽ ra khỏi thuyền cùng cả gia đình. Tuy nhiên, một trong hai kẻ buôn người khẳng định với anh rằng thuyền an toàn.

Ông bố Syria khóc nức nở vì mất cả gia đình trong chuyến đi định mệnh

Nhưng những con sóng lớn đã bắt đầu ập vào thuyền ngay sau khi họ khởi hành. Một kẻ buôn người sau đó đã nhảy khỏi thuyền và bơi vào bờ. Kurdi cố gắng kiểm soát con thuyền nhưng nó đã bị lật trong sóng lớn.

"Tôi nắm lấy tay vợ. Những đứa trẻ đã tuột khỏi tay tôi. Chúng tôi đã cố gắng bám vào con thuyền. Mọi người la hét trong bóng đêm. Vợ và con không nghe thấy tiếng của tôi", Kurdi nhớ lại.

Cậu bé Aylan sinh ra tại một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh. Cha mẹ em chỉ muốn một cuộc sống tốt đẹp, một mái nhà an toàn cho 2 con trai, hơn những gì họ từng có tại Kobani, Syria. Họ đã thảm kịch khi cố gắng biến ước mơ đơn giản ấy thành hiện thực.

Kurdi cho hay giờ đây anh không còn gì để phấn đấu. "Tôi còn muốn gì nữa ở thế giới này. Tất cả những gì tôi mơ ước giờ đã tan biến. Tôi chỉ muốn chôn cất những đứa trẻ và ngồi bên mộ chúng cho tới khi chết".

"Con tôi là những đứa trẻ tuyệt vời nhất. Trên thế giới có ai lại không coi con cái là điều quý giá nhất? Chúng đánh thức tôi dậy hàng ngày để chơi với chúng. Còn gì tốt đẹp hơn thế? Mọi thứ giờ đã tan biến", Kurdi nói trong nước mắt.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ 4 nam giới bị tình nghi là những kẻ buôn người liên quan tới những cái chết nói trên. Theo báo chí Thổ Nhĩ Kỳ, họ đều là các công dân Syria, trong độ tuổi từ 30-41.

Hành động khẩn cấp

 

Ông bố có con trôi xác trên bãi biển kể về chuyến đi tử thần - 2

Bức ảnh về một thi thể bé trai Syria được trục vớt trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ gây chấn động thế giới những ngày qua (Ảnh: AP)

Gia đình Abdullah mong muốn di cư tới Canada sau khi chạy khỏi Kobani, thị trấn nằm sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nơi bị các phiến quân của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) phong tỏa hồi năm ngoái. Gia đình có người thân đang sinh sống tại Canada.

Kurdi cho biết giới chức Canada giờ đây đã đồng ý cho anh nhập tịch sau khi chứng kiến thảm kịch. Tuy nhiên, giới chức Canada tại Ottawa đã bác bỏ thông tin này.

Những bức ảnh chụp thi thể cậu bé Aylan đã xuất hiện trên khắp các mặt báo thế giới và được lan truyền chóng mặt trong cộng đồng mạng. Nhiều người tỏ ra cảm thông với tình cảnh tuyệt vọng của những người chạy khỏi cuộc nội chiến tại Syria, nhưng cũng không ít người lên tiếng chỉ trích các chính phủ tại châu Âu không hành động đủ mạnh để giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn.

Nilufer Demir, nữ nhà báo chụp bức ảnh thi thể bé trai Aylan, cho biết tới đài truyền hình CNN Turk: "Khi nhận ra rằng không thể làm gì để có thể cứu sống cậu bé, tôi nghĩ phải chụp bức ảnh em để nói lên thảm kịch".

"Tôi hi vọng rằng sức ảnh hưởng mà bức ảnh này tạo ra sẽ giúp đưa tới một giải pháp", Demir nói.

Các lãnh đạo châu Âu đã lên tiếng sau bức ảnh chấn động.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã chỉ trích các quốc gia châu Âu đang biến Địa Trung Hải thành một nghĩa địa của người tị nạn và cho rằng các nước này cũng chịu một phần trách nhiệm về cái chết của tất cả những người tị nạn.

Trên mạng xã hội Twitter, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã kêu gọi châu Âu hành động khẩn cấp.

Cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc cho biết gần 160.000 người tị nạn và người di cư đã tới Hy Lạp bằng đường biển kể từ đầu năm 2014. Chỉ riêng 7 tháng đầu năm nay, hơn 50.000 người, chủ yếu là người Syria, đã tới Hy Lạp, so với 43.500 của cả năm 2014.

Hàng nghìn người di cư đã chết trong năm nay khi cố gắng tới châu Âu bằng đường biển.

An Bình

 

Ông bố có con trôi xác trên bãi biển kể về chuyến đi tử thần - 3