1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ông Biden sẽ gặp người có thể "mở khóa" viện trợ Ukraine

Quốc Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Joe Biden sẽ gặp lãnh đạo Quốc hội Mỹ, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, tại Nhà Trắng để thảo luận về dự luật bao gồm viện trợ cho Ukraine.

Ông Biden sẽ gặp người có thể mở khóa viện trợ Ukraine - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson tại Điện Capitol ở Washington, D.C. vào ngày 1/2 (Ảnh: Bloomberg).

Đầu tháng 2, Thượng viện Mỹ đã thông qua gói an ninh trị giá 95 tỷ USD, trong đó có 60 tỷ USD viện trợ cho Ukraine. Nhưng dự luật này đang bị đình trệ tại Hạ viện do vấp phải sự phản đối của đảng Cộng hòa, đứng đầu là Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson.

Ông Johnson cho đến nay vẫn từ chối đưa dự luật nói trên ra biểu quyết tại Hạ viện Mỹ. Ông cũng đã tuyên bố Hạ viện nghỉ lễ cho đến cuối tháng 2.

Tối 25/2, Nhà Trắng công bố lịch trình hàng tuần của Tổng thống, trong đó có cuộc họp ngày 27/2 với các lãnh đạo Quốc hội. Theo Bloomberg, Tổng thống Biden và các thành viên Quốc hội "sẽ thảo luận về tính cấp thiết của việc thông qua dự luật bổ sung về an ninh quốc gia lưỡng đảng và duy trì sự hoạt động của chính phủ".

Văn phòng của ông Johnson sau đó xác nhận với Bloomberg rằng đảng viên Cộng hòa sẽ tham dự cuộc gặp với ông Biden. Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Chuck Schumer, Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mitch McConnell, và Lãnh đạo thiểu số Hạ viện Hakeem Jeffries cũng sẽ tham dự cuộc họp.

Khi dự luật viện trợ mới được thông qua tại Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện Johnson từng muốn gặp trực tiếp ông Biden trước khi có bất cứ hành động nào. Tuy nhiên, đề nghị của ông Johnson gặp phải "gáo nước lạnh" của Nhà Trắng.

"Có gì để thương lượng nữa đây? Đàm phán trực diện còn để làm gì khi mà ông ấy đã nhận được đúng những gì mình yêu cầu?", Hill dẫn lời Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre trong cuộc họp báo ngày 14/2.

"Chính ông ấy đang tự mình ngăn chặn các dự luật", bà Jean-Pierre nói. "Và nếu ông ấy đưa dự luật vừa được Thượng viện thông qua (ra biểu quyết tại Hạ viện), nó cũng sẽ được thông qua. Nó sẽ được thông qua với sự ủng hộ của hai đảng. Vì thế nên chúng tôi thấy điều đó là không hợp lý".

Những đảng viên Cộng hòa theo đường lối cứng rắn tại Hạ viện có thái độ phản đối gay gắt gói viện trợ hơn 60 tỷ USD cho Ukraine. Vấn đề này đặc biệt khó khăn đối với ông Johnson vì chính chiếc ghế lãnh đạo của ông có thể bị đe dọa nếu kêu gọi ủng hộ dự luật.

Việc Mỹ chậm thông qua viện trợ cho Ukraine đã ảnh hưởng đến tình hình trên thực địa tại Ukraine. Sự sụp đổ của thành trì Avdiivka thuộc tỉnh Donetsk trong tuần trước đã nêu bật tình trạng thiếu đạn pháo và các vật tư quân sự khác do phương Tây cung cấp cho Ukraine.

Trong lúc Mỹ chậm trễ, EU đã tăng cường viện trợ cho Ukraine, gần nhất là việc khối này thông qua gói tài chính trị giá 50 tỷ euro trong 4 năm. Tuy nhiên, gói này khó có thể đáp ứng nhu cầu kinh tế của Ukraine vì chỉ riêng thâm hụt ngân sách của Ukraine trong năm 2024 là khoảng 40 tỷ USD.

Các chuyên gia quân sự cho rằng những cam kết của châu Âu không đủ để lấp đầy lỗ hổng mà Mỹ để lại. Là nguồn viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, Mỹ đã gửi 46 tỷ USD cho Kiev kể từ khi xung đột bùng nổ, cũng như 28 tỷ USD những sự hỗ trợ khác.

Theo Bloomberg, Hill, Kyiv Independent