1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Omicron trở thành biến chủng trội ở Nam Phi

Minh Phương

(Dân trí) - Chỉ sau vài tuần, Omicron đã chiếm phần lớn số ca nhiễm mới ở Nam Phi, trở thành biến chủng trội ở quốc gia này trong bối cảnh chưa có nhiều thông tin về nó.

nam phi_Bloomberg.jpg

Omicron trở thành chủng trội ở Nam Phi trong vòng chưa đầy một tháng (Ảnh: Bloomberg).

Reuters dẫn thông tin từ Viện quốc gia về các bệnh truyền nhiễm của Nam Phi (NICD) ngày 1/12 cho biết, 74% mẫu bệnh phẩm Covid-19 được giải trình tự gen ở nước này tháng trước có ghi nhận sự xuất hiện của biến chủng Omicron. Trong đó, mẫu bệnh phẩm đầu tiên được giải trình tự gen là ở Gauteng, tỉnh đông dân nhất Nam Phi, hôm 8/11. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, Omicron đã trở thành biến chủng trội ở Nam Phi.

Số ca Covid-19 mới ở Nam Phi bắt đầu tăng nhanh những tuần gần đây, trùng với thời gian xuất hiện biến chủng Omicron, và tỉnh Gauteng là một trong những điểm nóng bùng phát. Số ca nhiễm mới ở Nam Phi ngày 1/12 tăng gấp đôi so với một ngày trước đó.

Tuy nhiên, hiện chưa thể khẳng định chính xác liệu Omicron có dễ lây lan hơn hay dễ né miễn dịch hơn so với Delta - biến chủng trội toàn cầu hiện nay không. Chuyên gia dịch tễ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Maria van Kerkhove cho biết, dữ liệu về khả năng lây lan của Omicron có thể được công bố trong vài ngày tới.

NICD cho biết, các dữ liệu dịch tễ ban đầu cho thấy, Omicron có thể né một số miễn dịch, nhưng các vaccine Covid-19 hiện thời vẫn có thể giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong do Covid-19. Giám đốc điều hành hãng dược BioNTech cũng cho hay, vaccine họ phối hợp phát triển với hãng dược Pfizer vẫn có hiệu quả cao giúp giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong do Omicron.

Sự xuất hiện của Omicron đang gây lo ngại trên phạm vi toàn cầu. Ít nhất 56 quốc gia, vùng lãnh thổ đã ban bố lệnh hạn chế đi lại với một số nước châu Phi. Tuy vậy, giới chức Nam Phi cho rằng, mối lo ngại Omicron đang bị thổi phồng quá mức. Chủ tịch Hiệp hội Y tế Nam Phi Angelique Coetzee, khẳng định phần lớn các ca nhiễm Omicron do bà điều trị có triệu chứng nhẹ như đau đầu, chóng mặt, đau mỏi cơ, không ai bị mất vị giác hay khứu giác. Quan chức này cũng khẳng định, đến nay, Omicron không gây sức ép đáng kể lên hệ thống y tế quốc gia.

Cần chuẩn bị cho mọi kịch bản 

Giữa lúc còn quá ít thông tin về Omicron, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 1/12 nói rằng, thế giới đang chạy đua với thời gian để ngăn chặn biến chủng Omicron. "Chúng ta cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất và hy vọng kịch bản tốt nhất", bà nói. Quan chức châu Âu này nhấn mạnh, theo các nhà khoa học, việc tiêm đầy đủ vaccine và tiêm mũi tăng cường tạo ra sự bảo vệ tốt nhất trước các biến chủng SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, Giám đốc Chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan chỉ trích các nước phát triển mở rộng tiêm chủng cho phần lớn dân số đã tiêm đủ hai mũi vaccine trong khi nhiều người dễ tổn thương ở các khu vực thu nhập thấp khác chưa được tiêm mũi nào.

"Tôi chưa thấy có bằng chứng nào cho thấy tiêm chủng tăng cường cho toàn bộ dân số là cần thiết để tạo ra sự bảo vệ tốt hơn để giảm nguy cơ bệnh nặng hoặc tử vong với những người khỏe mạnh", ông Ryan nói.

WHO nhiều lần nhấn mạnh rằng, virus SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục tạo ra các biến chủng mới nếu nó còn cơ hội lây lan trong các cộng đồng chưa tiêm chủng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm