1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Obama và McCain "sống mái" bằng kinh tế

(Dân trí) - Đúng bốn tháng nữa, người Mỹ sẽ đi bầu tổng thống mới giữa lúc tình hình kinh tế Mỹ đang gây lo lắng cho người dân, cũng như những quốc gia được lợi từ quan hệ kinh tế chặt chẽ với Mỹ.

Kinh tế, và đặc biệt là tác động của nó đối với tầng lớp trung lưu, đang nổi lên là trọng tâm của chiến dịch bầu cử tổng thống, trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng vọt, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và chi phí lương thực leo thang. Đây là một vấn đề khó khăn đối với đảng Cộng hòa do tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Bush đang ở mức rất thấp sau hai nhiệm kỳ nắm quyền.

 

Trong bối cảnh đó, hai ứng cử viên tổng thống John McCain của đảng Cộng hòa và Barack Obama của đảng Dân chủ đã thể hiện những chủ trương kinh tế khác nhau đáng kể nhưng họ cũng sử dụng vũ khí này để giành thế thượng phong tấn công địch thủ trong cuộc chạy đua ngày càng quyết liệt vào Nhà Trắng

 

Ứng cử viên Dân chủ Barack Obama đã tìm cách gắn kết đối thủ đảng Cộng hòa John McCain với các chính sách kinh tế của Tổng thống George W. Bush . Thượng nghị sỹ Obama cho rằng ông McCain đang đưa ra những chính sách "nhiệm kỳ thứ ba" của ông Bush. Trong chuyến dừng chân ngoài dự kiến tại St.Louis ngày 7/7, ông Obama nhận định: "Các chính sách của John McCain về cơ bản là một sự lặp lại, một sự sao chép của những gì mà đảng Cộng hòa vẫn "ra rả" nói trong hai và có lẽ là ba thập kỷ qua".

 

Về phần mình, Thượng nghị sỹ McCain lại cố thu mình trong thế thủ bởi đảng Cộng hòa đang chiếm hữu Nhà Trắng giữa lúc tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, giá nhà ở, giá chứng khoán và niềm tin của người tiêu dùng đang khủng hoảng. Ngày 7/7, trong khi phê phán những kế hoạch của ông Obama là tốn kém và không khôn ngoan, ông McCain đã cố gắng tách biệt với Tổng thống Bush bất kỳ khi nào có thể. Tại Denver, Thượng nghị sỹ McCain thừa nhận: "Quốc hội và chính quyền này không hoàn thành được trách nhiệm trong việc quản lý chính phủ". Ngoài ra, ông cũng cam kết phủ quyết "mọi dự luật chi tiêu lãng phí".

 

Trước đó, ứng cử viên McCain từng nói rằng kinh tế không phải là sở trường của mình, song đến ngày 7/7 ông lại tỏ ra “am hiểu sâu rộng” hơn về chủ đề này, và thậm chí còn phản bác cả các nhà kinh tế. Về kế hoạch tạm ngừng đánh thuế liên bang đối với xăng, ông nói: "Một số nhà kinh tế không quan tâm đến kế hoạch này của tôi. Song dân Mỹ cũng như các nhà kinh doanh nhỏ lại thích nó".

 

Trả đòn, ứng cử viên Obama chỉ trích kế hoạch này chỉ là một mánh khóe quảng cáo, chứ thực chất không giảm được giá xăng dầu. Ông Obama ủng hộ việc cắt giảm thuế đối với tầng lớp công nhân trung lưu và gia tăng thuế đối với tầng lớp thu nhập cao. Ngoài ra, ông còn kêu gọi chính phủ cấp những khoản trợ cấp đáng kể cho y tế, đại học, hưu trí và các nguồn năng lượng thay thế. Trong khi đó, ông McCain cam kết sẽ giảm thuế cũng như không tăng thuế đối với tất cả tầng lớp.

 

Và sự khác biệt quan trọng nhất giữa hai ông Obama và McCain là chính sách thuế khoá. Ông McCain cho rằng nếu không gia hạn kế hoạch giảm thuế hiện hành, thuế sẽ tăng đồng loạt sau năm 2010 đúng lúc nền kinh tế suy yếu. Ngược lại, ông Obama chủ trương không tiếp tục giảm thuế mà thay vào đó tăng thuế đánh vào những doanh nghiệp và thành phần giàu có trong xã hội có thu nhập hàng năm từ 250.000 USD trở lên. 

 

 Một số nhà phân tích dự đoán sẽ còn nhiều bất ngờ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vì 4 tháng là thời gian khá dài trong sinh hoạt chính trị Mỹ. Nhiều chuyên gia về kinh tế và chính trị cho rằng nếu nền kinh tế sa sút và thị trường chứng khoán sụt giá, đảng cầm quyền sẽ thất cử, nghĩa là đảng Dân chủ thắng cử tổng thống năm nay. So với đỉnh cao là tháng 10 năm ngoái thì ngày 1/7, cổ phiếu Mỹ đã chính thức mất giá 20% (theo các nhà kinh tế mất giá quá 20% thì bị xem là đi vào suy thoái). Tuy nhiên, dù chiếm ưu thế khách quan, ông Obama vẫn chỉ dẫn trước đối thủ có 3-5 điểm nên bất ngờ vẫn có thể xảy ra, đó là McCain sẽ trở thành tổng thống vào tháng 1/2009.

 

Trong khi hai ứng cử viên đưa ra những cương lĩnh kinh tế, một cuộc trưng cầu dân ý của AP-Yahoo News cho thấy các ứng cử viên có lẽ đã quảng bá được phần nào hình ảnh của mình. Theo kết quả thăm dò, Thượng nghị sỹ Obama được đánh giá là người nồng nhiệt và đồng cảm hơn trong khi Thượng nghị sỹ McCain thì mạnh mẽ và cứng rắn hơn. Thượng nghị sỹ McCain được xem là có khả năng giải quyết những vấn đề “trừu tượng” như Iraq, khủng bố và kiểm soát súng đạn, trong khi Thượng nghị sỹ Obama được xem là trội hơn trong các vấn đề trong nước như kinh tế, môi trường và giáo dục.

 

 

K.V

Theo AP, Reuters