1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Obama-Putin và cách vận dụng các nguyên tắc, “thủ thuật” ngoại giao

(Dân trí) - Trước những động thái kiên quyết của Mátxcơva, Washington buộc phải nhân nhượng đáng kể Nga trong vấn đề Syria, đặc biệt là về số phận chính quyền đương nhiệm của Tổng thống al-Assad.


Hai Tổng thống Nga Vladimir Poutin và Mỹ Barack Obama tại Liên Hợp Quốc ngày 28/9. (Ảnh: AFP)

Hai Tổng thống Nga Vladimir Poutin và Mỹ Barack Obama tại Liên Hợp Quốc ngày 28/9. (Ảnh: AFP)

Nhật báo Le Monde ngày 30/9 đăng bài viết "Obama-Putin: Các nguyên tắc và “thủ thuật” ngoại giao" của tác giả Agnès Rotivel, trong đó nhấn mạnh một số quy định mà ngành ngoại giao phải tuân thủ, có thể tóm tắt lại là: về mặt công khai là tái khẳng định quan điểm, nhưng ở chốn riêng tư thì… có thể thay đổi.

Về nội dung cuộc hội đàm kéo dài 90 phút - cuộc đối thoại “tay đôi” đầu tiên kể từ năm 2013 - giữa Tổng thống Mỹ Obama với Tổng thống Nga Putin, ông Rotivel lý giải:

Ông Obama cần đến Mátxcơva vì nhận thấy rõ Mỹ và Phương Tây không thể giải quyết được cuộc xung đột tại Syria nếu không có Nga vũ trang, tài trợ và thậm chí còn đưa quân sang để bảo vệ phần còn lại của lãnh thổ Syria. Ngược lại, bị đe dọa bởi những nguy cơ tiềm ẩn có thể phát sinh bất kỳ lúc nào từ lực lượng thánh chiến cực đoan, Nga cũng cần đến Mỹ để chấm dứt làn sóng các vụ tấn công xảy ra tại Syria suốt bốn năm qua.

Trước chuỗi động thái kiên quyết của Nga, Mỹ và Châu Âu đã buộc phải có những nhượng bộ đầu tiên. Đó là chấp nhận cho Tổng thống đương nhiệm hợp pháp al-Assad vẫn “tạm" ở lại trong thời kỳ chuyển đổi về chính trị. Như vậym đã có một cơ sở cho hợp tác Mỹ-Nga trong việc xem xét giải quyết “hồ sơ” Syria mà chỉ cần gác lại vài nguyên tắc và điều này được gọi là “ngoại giao” - Le Monde nhận định.

Tương tự, nhật báo La Croix giải thích thêm về chuyện tương lai số phận ông al-Assad đã gây chia rẽ giữa Washington và Mátxcơva như thế nào. Tuy hai bên đã cùng đồng thuận về sự cần thiết hợp tác quốc tế chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq và Syria, nhưng hai nguyên thủ quốc gia Mỹ-Nga vẫn luôn bất đồng về tương lai của Tổng thống al-Assad.

Ông Obama cho rằng cuộc xung đột bắt nguồn từ việc ông al-Assad “sử dụng biện pháp bắt bớ và bắn giết để trấn áp những cuộc biểu tình hòa bình" dẫn tới tình trạng hàng nghìn dân thường bị sát hại, do đó cần phải loại bỏ ông al-Assad.

Trái lại, ông Putin khẳng định Tổng thống Syria al-Assad là người hùng thực sự trong cuộc chiến ở Syria, đồng thời nêu rõ: "Chúng ta nên thừa nhận rằng rốt cuộc không ai ngoài lực lượng vũ trang của Tổng thống al-Assad và lực lượng dân quân người Kurd có thể đánh bại IS".

Ông Putin xem ra đã thành công trong "chiêu" đặt phương Tây trước “việc đã rồi” khi Nga có những động thái cứng rắn để bảo vệ chính quyền của ông al - Assad như: điều vũ khí, trang bị, chuyên gia quân sự sang Syria; tuyên bố Nga có thể tấn công IS cùng với Mỹ hoặc không cần sự tham gia của Mỹ; Nga - Iran - Iraq - Syria thành lập trung tâm thông tin thu thập, phân tích và chia sẻ thông tin tình báo về cuộc chiến chống IS.

Trước tình hình đó, Mỹ đã có sự nhân nhượng thể hiện qua việc từ bỏ đòi hỏi Tổng thống al-Assad phải từ chức ngay lập tức và yêu cầu một cuộc chuyển giao quyền lực "có trật tự" ở Syria.

Động thái này được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tiết lộ qua một cuộc trả lời phỏng vấn chiều 30/9. Theo ông Kerry, nếu ông al - Assad từ chức ngay lập tức có thể dẫn đến đổ vỡ và phá hỏng các tổ chức dân sự tại Syria.

Nhận xét chung của giới nghiên cứu về Trung Đông cho rằng, trước những động thái kiên quyết của Mátxcơva, Washington đã buộc phải nhân nhượng đáng kể Nga trong vấn để Syria, đặc biệt là về tương lai của Tổng thống al - Assad (điều mà Mỹ và một số nước Phương Tây theo đuổi suốt bấy lâu nay).

Điều đó phần nào cho thấy kết quả cách vận dụng các nguyên tắc và “thủ thuật” ngoại giao của hai ông Obama và Putin.

Quý Cao (tổng hợp)

Obama-Putin và cách vận dụng các nguyên tắc, “thủ thuật” ngoại giao - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm