Điều ẩn sâu sau cuộc không kích IS của Nga tại Syria
(Dân trí) - Còn giới phân tích cho rằng, Nga đã xuất kích rất đúng thời điểm, vì chiến dịch không kích của Liên minh chống IS do Mỹ cầm đầu đã quá kéo dài và không đưa lại hiệu quả.
Nga chỉ tấn công IS
Ngay sau khi Thượng viện Nga phê chuẩn đề nghị của Tổng thống Putin về việc sử dụng lực lượng quân sự theo yêu cầu của Chính phủ hợp pháp ở Syria, không quân Nga đã tiến hành hàng loạt cuộc không kích mục tiêu của IS tại Syria.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nga, ông IIgor Konashenkov cho biết: Các cuộc không kích đã trúng các kho quân cụ, sở chỉ huy và các trung tâm chiến dịch trên vùng núi của IS. Sau cuộc không kích ngày đầu tiên giới quan sát đã nhận thấy có sự phản ứng khác nhau của dư luận.
Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga khẳng định: "Tôi muốn nhấn mạnh rằng, các đợt không kích được tiến hành căn cứ vào các thông tin tình báo do quân đội Syria cung cấp. Các máy bay chiến đấu của Nga không ném bom xuống các khu dân cư và các vùng lân cận”.
Trước đó, Tổng thống Putin phát biểu trên truyền hình, cũng khẳng định các cuộc không kích này đều nhằm vào các chiến binh IS, bao gồm cả các công dân Nga chạy theo IS.
Ông Putin giải thích: “Nếu các chiến binh này thành công ở Syria, chúng sẽ trở lại Tổ quốc của mình, trong đó có cả nước Nga”. Và ông cam kết: “Chúng tôi chắc chắn không lao trực diện vào cuộc xung đột này... Chúng tôi sẽ chỉ ủng hộ quân đội Syria thuần túy trong cuộc chiến hợp pháp của họ chống lại các nhóm khủng bố”.
Ông Putin còn kỳ vọng vào Tổng thống Assad sẽ hội đàm với phe đối lập Syria về một giải pháp chính trị, nhưng đó phải là các nhóm đối lập “lành mạnh” không có nhân tố khủng bố.
Phát biểu tại Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ) hôm 29/9, Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh, Nga không kích tại Syria bằng mọi phương án và Nga sẽ hoàn toàn tuân thủ đúng quy định của luật pháp quốc tế.
Người ủng hộ, kẻ nghi ngờ
Ngay sau khi Nga không kích IS ở Syria, chính phủ Mỹ tuyên bố chiến dịch không kích của Nga không ảnh hưởng tới hoạt động của liên quân chống nhóm IS do Mỹ lãnh đạo.
Ngoại trưởng Mỹ Kerry, phát biểu trước báo giới cũng tuyên bố: “Mỹ ủng hộ bất kỳ nỗ lực nào nhằm chống lại nhóm IS và al-Qaeda. Nếu những hành động của Nga phản ánh cam kết để đánh bại các tổ chức này thì chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực đó”.
Thủ tướng Anh Cameron cũng hoan nghênh các cuộc không kích của Nga tại Syria rằng: “Nếu hành động quân sự của Nga là một phần trong hành động quốc tế chống lại nhóm IS và nhằm tiêu diệt các tay súng nhóm IS thì sẽ là một điều tốt”.
Tuy nhiên, bất chấp các tuyên bố của Nga, trong chính giới Mỹ và đồng minh vẫn có ý kiến nghi ngờ rằng quân Nga không tấn công IS mà là tấn công các đối thủ của Tổng thống Assad.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter cũng tỏ ý nghi ngờ thiện ý của Nga khi ông cho rằng “Nga đang tấn công tất cả những ai chống lại Tổng thống Assad”.
Tuy nhiên, nhằm tránh nguy cơ đụng độ giữa lực lượng Nga và lực lượng Liên quân do Mỹ dẫn đầu cùng đang không kích nhằm vào IS tại Syria, nên hai Ngoại trưởng Nga - Mỹ đã nhất trí tổ chức đối thoại quân sự ngay tại New York hôm 1/10.
Đâu là lý do thực sự?
Đại sứ Syria tại Nga ông Ryad Haddad ngày 30/9 tuyên bố, Syria hoan nghênh quyết định của Thượng viện Nga cho phép sử dụng quân đội Nga tại Syria để chống lại nhóm IS theo đề nghị của Chính phủ Syria.
Theo ông Haddad, liên minh do Mỹ đứng đầu hoạt động không hiệu quả, lãnh thổ nhóm IS chiếm giữ ngày càng mở rộng, quân số nhóm này ngày càng gia tăng, Syria và Iraq là những nước chịu thiệt hại nhiều nhất do hành động của tổ chức này.
Vì thế, Syria hy vọng với sự tham gia của không quân Nga, Trung tâm điều phối tại Iraq sẽ phối hợp nỗ lực giữa Nga, Syria, Iran, Iraq trong cuộc chiến chống khủng bố sẽ có hiệu quả hơn.
Còn giới phân tích cho rằng, Nga đã xuất kích rất đúng thời điểm, vì chiến dịch không kích của Liên minh chống IS do Mỹ cầm đầu đã quá kéo dài và không đưa lại hiệu quả.
Xét về mặt quân sự, việc Liên minh không phối hợp với lực lượng tại chỗ của ông Assad là một sai lầm, vì không kích không thể thành công khi thiếu sự phối hợp tác chiến với các lực lượng bộ binh.
Về mặt chính trị, sự cố chấp, kỳ thị của Mỹ và phương Tây đối với Tổng thống Assad - nhà lãnh đạo hợp hiến ở Syria là không thể chấp nhận được, vì bài học Lybia, Iraq vẫn còn đó.
Mặt khác, việc Liên minh chống IS vẫn bám lấy phe đối lập ở Syria mà không thấy đây chính là “cái nôi” của IS. Dưới danh nghĩa các nhóm trong phe đối lập IS đã từng được Mỹ “giúp đỡ tận tình” (huấn luyện, cung cấp tới 19% vũ khí, trong đó có cả tên lửa vác vai hiện đại FIM-92 Stinger).
Cũng theo giới phân tích, có thể Nga đã nhận thấy có sự lắp lại của “thời cơ” giống như sự kiện “vũ khí hóa học” hồi năm 2013. Khiến cho các chiến lược gia quân sự theo chủ thuyết Obama không thể bỏ qua.
Như vậy, Nga đã quyết tâm bảo vệ căn cứ hải quân duy nhất của mình ở Trung Đông, bằng cách lựa chọn ra đòn không kích IS vào thời điểm có thể nói là “thiên thời, địa lợi” chỉ còn đợi yếu tố “nhân hòa” từ phía Mỹ và một lần nữa vị thế của Nga tại khu vực lại được nâng cao.
Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, chiến dịch không kích IS của Nga tại Syria rất có thể tạo ra bước đột phá cho việc giải quyết “điểm nóng” ở Trung Đông đã quá kéo dài và góp phần tháo gỡ tận gốc vấn đề dòng người tị nạn đang kéo đến châu Âu.
Nguyễn Nhâm