1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thế giới 2014- Kỳ 1:

Nước Nga đối mặt với thực tế nghiệt ngã

Thế giới chưa từng chứng kiến biến động như trong năm 2014, cả về cục diện chung, cả về các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống, các điểm nóng, các khu vực - Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao có những phân tích sâu sắc về tình hình thế giới năm qua.

Nước Nga đối mặt với thực tế nghiệt ngã
 
Trong phần một của bài phỏng vấn với Lao Động, ông Tuấn nhìn lại cuộc khủng hoảng ở Ukraina và tác động của nó với cục diện chính trị thế giới.
 
Có nhiều vấn đề ảnh hưởng tới sự chuyển dịch trong quan hệ, nhưng tác động sâu sắc nhất là vấn đề Crưm, và khủng hoảng Đông Ukraina. Giữa các nước lớn vốn xuất hiện sự nghi kỵ, thiếu lòng tin, thiếu sự tin tưởng lẫn nhau, Crưm như chất xúc tác tác động đến cấu trúc quan hệ, từ đó ảnh hưởng dây chuyền đến một loạt quan hệ khác. Crưm dẫn đến căng thẳng giữa Nga – Mỹ, Nga - Châu Âu, đưa đến sự xích lại gần nhau giữa Nga và Trung Quốc.
Crưm gây lo ngại vì qua đó, Mỹ, NATO, EU tiếp tục dồn ép Nga về phía Đông, tiếp tục cuộc Đông tiến của Mỹ và phương Tây trên cả khía cạnh an ninh chính trị và kinh tế, làm không gian an ninh an ninh chính trị của Nga ngày càng thu hẹp. Đến sự kiện này, Nga thấy không gian an ninh, sinh tồn của mình ngày càng bị thu hẹp hơn nên họ phản ứng dữ dội. Trong bối cảnh thiếu lòng tin, Mỹ cho rằng Nga muốn vẽ lại bản đồ Châu Âu. Từ đó đưa đến đối trên tất cả các mặt, trừ quân sự.

Nga bị cô lập về mặt kinh tế, chính trị trong quan hệ với phương Tây, đẩy Nga hướng Đông, tạo ra sự gắn kết Trung – Nga chưa từng có, kể cả so với thời kỳ 2 nước có quan hệ đồng minh giai đoạn 1949-1959. Riêng năm qua có 10 cuộc gặp cấp cao của Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường với Putin chính thức và bên lề các hội nghị cấp cao. Không chỉ là các liên kết kinh tế, chính trị, lòng tin giữa Trung Quốc và Nga đã cải thiện hơn nhiều, nghi ngờ về chiến lược của Trung Quốc đối với Nga đã giảm đi.

Một số vấn đề  khu vực khác cũng tác động đến quan hệ các nước lớn, như sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo đe dọa đến Trung Đông, Châu Âu, đến đồng minh quan trọng nhất của Mỹ là Israel, khiến Mỹ bận tâm nhiều hơn đến Trung Đông.

Ở Đông Á, các điểm nóng nhiều hơn, đó là vấn đề bán đảo Triều Tiên, tranh chấp lãnh thổ Trung - Nhật, Biển Đông, quan hệ giữa Trung Quốc với một số nước ở Biển Đông.

Ngoài ra các vấn đề phi truyền thống như khủng bố, dịch Ebola cũng tác động nhiều đến an ninh toàn cầu. Và đến cuối năm có 2 yếu tố tiếp tục tác động mạnh là giá dầu giảm và khó khăn kinh tế của Nga.

* Quan hệ Nga – Trung trong năm qua phát triển mạnh, song được xem là dựa trên yếu tố lợi ích hơn là có nền tảng lòng tin bền vững. Ông nhìn nhận thế nào về điều đó?
Trong quan hệ Nga – Trung có yếu tố tính thực dụng, Song yếu tố lợi ích cũng đi kèm cả  yếu tố lòng tin, không có lòng tin quan hệ không bền được. Lợi ích giữa hai bên là có thực. Về kinh tế là việc ký hợp đồng dầu khí Nga – Trung, hai nước đã đàm phán suốt 20 năm và chưa đi đến đâu, nhưng sau sự kiện Crưm thì ký.

Về chính trị 2 bên đều lo ngại bị Mỹ và phương Tây  kiềm chế ảnh hưởng ở Châu Âu, Châu Á Thái Bình Dương, nên có nhu cầu xích lại gần nhau, tăng sức mạnh trong việc đối phó với Mỹ và phương Tây. Nga cần bán vũ khí cho thị trường Trung Quốc để giải “cơn khát” ngoại tệ; trong bối cảnh mặt cạnh tranh trong quan hệ với phương Tây tăng lên, Trung Quốc cũng cần dựa vào Nga để rút nhanh tiến trình hiện đại hóa quân sự. Lợi ích mà không có lòng tin thì không thể đẩy mạnh quan hệ trên tất cả các mặt như vậy.

Nước Nga đối mặt với thực tế nghiệt ngã
Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình nâng ly vodka Nga sau khi ký một hợp đồng khí đốt tháng 5.2014.
* Nói về quan hệ của Nga với phương Tây, ông có đồng ý với cảnh báo của cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev rằng hai bên đang đứng trên bờ vực Chiến tranh Lạnh hay không?

Tôi cho rằng ông Gorbachev có ý nói rằng quan hệ hai bên rất căng thẳng, không khác Chiến tranh Lạnh mấy, thiếu mỗi xung đột quân sự thôi. Nhưng phạm vi ảnh hưởng không như Chiến tranh Lạnh. Trong thời kỳ đó, tương quan lực lượng tương đối cân bằng: Một bên là Liên Xô và phe XHCN. Một bên là là NATO và EU với 18 thành viên. Nhưng bây giờ NATO mở rộng thành 28 thành viên, EU 28 thành viên, còn Nga không có tập hợp lực lượng đủ mạnh để cân bằng cả về chính trị, kinh tế với phương Tây. Chiến tranh Lạnh tạo ra sự phân cực trên toàn thế giới. Nhưng bây giờ sự phân cực không rõ ràng, đối đầu chỉ ảnh hưởng đến một phần khu vực Châu Âu, nơi Mỹ, phương Tây và Nga cùng cạnh tranh ảnh hưởng. Nên nói Chiến tranh Lạnh là không phù hợp. Theo tôi hiểu, ông Gorbachev chỉ nhằm vào mức độ căng thẳng hiện nay mà thôi, còn tính chất và phạm vi ảnh hưởng thì khác hẳn nhau.

* Liệu có phải sự căng thẳng hai bên hiện nay được “bồi” thêm bởi cuộc chiến truyền thông không cân sức hay không, nhất là sau tai nạn máy bay MH17 ở Donetsk, Ukraina?

Trong cuộc đối đầu hiện nay, Mỹ và phương Tây có lợi thế hơn, có sức mạnh tổng hợp khá áp đảo với Nga. Liên quan đến cuộc chiến truyền thông, có thể thấy Mỹ và phương Tây khống chế 90% lượng thông tin trên thế giới. Họ nắm các cơ quan truyền thông rất lớn trên thế giới, CNN, BBC, Fox News…, nắm các công nghệ hiện đại, họ chi phối cuộc chiến thông tin này, do vậy họ chi phối cả đối tượng tiếp nhận thông tin. Điều này không mới.

Trong Chiến tranh Lạnh Mỹ và phương Tây cũng đã chi phối, định kiến của họ làm nhân dân thế giới xa lánh dần Liên Xô và khối XHCN, góp phần gây ra sự sụp đổ của Liên Xô, Bây giờ cũng vậy. Sau vụ MH17, phương Tây lập tức đổ lỗi cho Nga, và khi không có bằng chứng thì họ nói rằng Nga ủng hộ phe ly khai bắn rơi máy bay, theo cách nào Nga cũng “có lỗi”.

* Mặc dù áp đặt lệnh trừng phạt với Nga song Mỹ vẫn ký hợp đồng dầu khí với Nga. Như vậy có phải là Mỹ “nắm đằng chuôi” trong quan hệ này hay không, thưa ông?

Thực ra là họ tiếp tục các hợp đồng đã ký. Lợi ích của Mỹ và phương Tây trong quan hệ với Nga vẫn lớn. Họ vừa muốn làm suy yếu và cấm vận Nga, nhưng cũng muốn cấm vận không ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ và phương Tây. Dù vậy, trên thực tế hành động cấm vận có tác động lớn: Đó không chỉ là cấm vận với một số ngành, một số cá nhân, mà quan trọng hơn, nó chuyển đi thông điệp rằng làm ăn với Nga không an toàn, nó tạo ra sự lưỡng lự của các nhà đầu tư. Do vậy dòng tiền chuyền từ Nga ra nước ngoài trong năm 2014 lớn gấp  2,5 lần so mức độ trung bình của 5 – 7 năm qua, khoảng 128 tỉ USD so với 50 tỉ USD, khiến môi trường đầu tư của Nga không an toàn nữa, và đầu tư vào Nga từ phương Tây cũng giảm.
Lệnh trừng phạt còn gây khó khăn trong quan hệ thương mại của Nga với phương tây, ảnh hưởng trực tiếp đến đồng rúp Nga, xuất khẩu dầu mỏ của Nga. Xuất khẩu dầu sang Châu Âu chiếm trên 70% tổng xuất khẩu dầu mỏ ra ngoài. Nguồn tiền từ xuất  khẩu dầu chiếm trên 50%  ngân sách Nga, khiến Nga bị ảnh hưởng nặng nề về kinh tế.

Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao.
Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao.
* Khi họp báo hàng năm, Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẽ mất khoảng 2 năm để thoát khỏi suy thoái kinh tế. Vậy theo ông, khoảng thời gian đó có đủ để Nga khôi phục kinh tế cũng như sức mạnh của họ hay không?

Có mấy yếu tố tạo nên nền tảng sức mạnh của Nga. Kinh tế Nga từ sau 2000 tăng trưởng nhanh, 5-6%, Nga được xếp là nền kinh tế đang trỗi dậy trong khối BRICS. Song tăng trưởng đó là xuất phát từ giá dầu lửa, không phải nền tảng về sản xuất, khoa học kỹ thuật hay sức cạnh tranh nền kinh tế Nga. Sự ổn định trong xã hội Nga cũng xuất phát từ khả năng chính trị của Tổng thống Putin, biến một xã hội rối loạn thành trật tự, có kỷ cương, có sự đồng nhất cao. Ông  Putin  có khả năng tập hợp lực  lượng, thống nhất người dân. Khả năng chính trị của Putin có sự hậu thuẫn từ việc  phát triển kinh tế. Sức mạnh của Nga còn xuất phát  từ sức mạnh quân sự, Nga có nền quân sự, quốc phòng lớn, nhưng cũng dựa trên nền tảng kinh tế. Song bây giờ, nền kinh tế Nga đang rung rinh.

Ông Putin tuyên bố 2 năm thoát khủng hoảng là một tuyên bố chính trị. Ông đặt niềm tin lớn vào giá dầu. Nhưng dựa trên các nguồn lực tạo nên sức mạnh của Nga mà xét, thì hy vọng là một chuyện, còn  thực tế nghiệt ngã hơn nhiều.
Khủng hoảng của Nga về kinh tế chưa từng có tiền lệ. Nga khủng hoảng trong khi các trung tâm kinh tế khác chỉ phát triển chậm lại, và thực ra là Nga bị ảnh hưởng lớn nhất. Khủng hoảng diễn ra trong bối cảnh Nga bị phương Tây bao vây cấm vận, càng ngày siết chặt. Khủng hoảng kinh tế hiện nay  gắn với vấn đề xã hội chính trị, không chỉ là khủng hoảng kinh tế đơn thuần. Trong khi các nước gặp khủng hoảng, có những  tác động từ bên ngoài, nhưng với Nga thì chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”.  Các nhà phân tích đưa ra nhiều kịch bản để Nga thoát khỏi khủng hoảng, song dù kịch bản nào thì cũng nói về các ưu thế của phương Tây, trong khi sức mạnh tổng thể của Nga yếu đi.
 
Theo Mỹ Hằng