Nước Mỹ và 5 năm sau sự kiện 11/9
(Dân trí) - Sáng ngày 11/9/2001, người dân Mỹ nhận thấy đất nước của mình đã thay đổi. Họ đã chứng kiến cảnh tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới, một biểu tượng của nước Mỹ, sụp xuống thành đống đổ nát, Lầu Năm Góc bốc cháy, và một cánh đồng tại Pennsylvania biến thành nghĩa địa...
Gần 3.000 người đã chết và khoảng 6.000 người bị thương trong cái ngày đẫm máu nhất trên lãnh thổ Mỹ kể từ cuộc nội chiến Nam-Bắc. Và họ phải đối mặt với một kẻ thù mới. Trước sự kiện 11/9, rất ít người, kể cả những người trong chính quyền Mỹ được nghe tới cái tên al-Qaeda. Nay thì hầu như không ai không biết đến cái tên Osama Bin Laden.
Cuộc tấn công cũng đã bất ngờ làm chấm dứt "cuộc giải lao của lịch sử" đối với người Mỹ sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết. Nó cũng bất ngờ chấm dứt cảm giác không thể bị tấn công của người Mỹ, chấm dứt các niềm tin rằng với sức mạnh quân sự khổng lồ, lại được bao bọc bởi các đại dương mênh mông, nước Mỹ rõ ràng là quá mạnh và quá xa để một nhóm cuồng tín sống trong các hang động ở Afghanistan có thể tấn công. Đó thực sự đã là một cú sốc. Gần 5 năm đã trôi qua kể từ sau cú sốc này, và người Mỹ đã cùng với phần còn lại của thế giới tiếp tục chứng kiến những biến động của thế giới với tâm trạng bất an luôn thường trực.
Những cuộc chiến đẫm máu
Dường như nhà cầm quyền Mỹ đã lợi dụng tâm trạng muốn trả thù này để tiến hành một cuộc trả đũa trên diện rộng. Ngay trong ngày 11/9, ông Bush đã tuyên bố rằng nước Mỹ đang trong tình trạng chiến tranh và rằng ông ta không thấy sự khác nhau giữa những kẻ khủng bố và những ai chứa chấp chúng. Tuyên bố trên đã nhanh chóng trở thành "Học thuyết Bush". Người Mỹ không thể ngồi chờ cuộc tấn công tiếp theo, họ phải đem chiến tranh đến cho kẻ thù. Mà kẻ thù ở đây không chỉ là al-Qaeda mà là bất cứ quốc gia nào bảo trợ hoặc cung cấp vũ khí hủy diệt cho bọn khủng bố đều sẽ bị tiêu diệt, thậm chí trước khi mối đe dọa được thành hình thực sự. Và nước Mỹ sẽ không chỉ xử lý các "triệu chứng" mà còn giải quyết cả căn nguyên tạo ra chủ nghĩa khủng bố.
Học thuyết của Tổng thống Bush đem đến hai niềm tin trái ngược: rằng nước Mỹ có đủ sức mạnh để lập lại trật tự thế giới và rằng nước Mỹ vẫn rất dễ bị tổn thương và có thể còn phải chịu những cuộc tấn công thảm khốc hơn. Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney sau đó đã đề ra chính sách riêng của ông này, được biết đến với cái tên là "Học thuyết 1%". Theo đó, ngay cả khi bọn khủng bố có 1% cơ hội có được các loại vũ khí hủy diệt, thì nước Mỹ sẽ hành động như chúng đã sở hữu.
Cuộc trả đũa của Mỹ đối với các vụ tấn công ngày 11/9 hết sức khốc liệt và mang tính toàn cầu, chỉ trong vòng bốn tháng sau sự kiện này, chế độ Taliban tại Afganistan đã bị lật đổ, mạng lưới al-Qaeda đã bị phá hủy một mảng lớn. Nhiều phần tử lãnh đạo al-Qaeda bị bắt hoặc bị tiêu diệt. Trong Thông điệp liên bang hồi tháng 1/2002, ông Bush đã gộp al-Qaeda vào một khái niệm lớn hơn, gọi đó là một "Trục ma quỷ" do Iraq, Iran và CHDCND Triều Tiên cầm đầu. Và trong một phát biểu tại Học viện quân sự West Point vào tháng 6/2002, ông Bush đã nhấn mạnh tới quyền của nước Mỹ thực hiện các đòn tấn công phủ đầu trước các mối đe dọa. Iraq lúc đó đã nằm trong tầm ngắm và Iran cũng cách đó không xa lắm.
Tháng 3/2003, viện cớ vào việc Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, Mỹ cùng một số nước đồng minh đã bất chấp sự phản đối của đa số cộng đồng thế giới và LHQ tiến hành cuộc chiến xóa bỏ chế độ của Cựu Tổng thống Saddam Hussein tại Iraq. Sau hơn một tháng tấn công, ngày 1/5/2003, Tổng thống Bush tuyên bố kết thúc chiến dịch, chế độ của Hussein bị loại bỏ hoàn toàn. Tháng 7 vừa qua, Mỹ đã ủng hộ Israel tấn công vào Libăng để truy lùng các thành viên Hezbollah, một tổ chức mà Mỹ cho là khủng bố. Và bây giờ viễn cảnh thấp thoáng đâu đó là một cuộc chiến với Iran.
Nỗi lo thường trực
Theo kết quả một cuộc điều tra dư luận do tờ "Thời báo New York " công bố ngày 7/9, gần 5 năm sau sự kiện 11/9, vẫn có đến 2/3 người dân thành phố New York "thực sự lo ngại" rằng sẽ lại xảy ra một vụ tấn công tương tự ở thành phố này trong khi đó cứ 4 người trên toàn lãnh thổ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thì có 3 người nói rằng cuộc sống họ vẫn chưa trở lại bình thường sau sự kiện trên.
Trong khi đó cái giá nhân mạng ở những nơi diễn cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu do Mỹ phát động cũng hết sức khủng khiếp. Trong 5 năm qua, đã có ít nhất 50.000 dân thường Iraq và Afganistan bị thiệt mạng. Theo con số của Bộ Y tế Iraq cho biết chỉ tính riêng trong tháng 7/2006, đã có 3.438 người Iraq bị thiệt mạng, gấp đôi so với số thiệt mạng hồi tháng 1/2006, nâng tổng số người Iraq bị thiệt mạng trong các vụ bạo lực từ đầu năm tới nay lên tới 17.000 người. Đây chỉ là con số được trên giấy tờ, con số thương vong trên thực thế phải cao hơn rất nhiều. Đó là còn chưa kể tới hàng trăm nghìn người bị thương. Kể từ ngày 11/9, cũng đã có khoảng 100.000 người đã bị bắt mà không qua xét xử. Các vụ tra tấn, ngược đãi tù nhân cùng với những cái tên như Guatanamo hay Abu Graib đã làm cho cả thế giới ghê sợ.
Tháng 6/2006, tạp chí nghiên cứu có uy tín "US Foreign Policy" đã tiến hành tham vấn 116 chuyên gia Mỹ danh tiếng nhất thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa về cuộc chiến chống khủng bố. Trong danh sách được lấy cân bằng giữa hai đảng này có một cựu ngoại trưởng, hai cựu giám đốc CIA và hàng loạt nhà phân tích chính trị và chiến lược tiếng tăm. Kết quả ra sao? 84% trong số những nhân vật này đánh giá rằng nước Mỹ đang thất bại trong "cuộc chiến chống khủng bố", 86% khẳng định thế giới ngày nay nguy hiểm hơn trước và hơn 80% khẳng định sẽ có một cuộc tấn công mới và tầm cỡ nhằm vào Mỹ hoặc đồng minh trong vòng một thập kỷ tới.
Đối với Leslie Gelb, Chủ tịch Hội đồng quan hệ đối ngoại Thượng viện Mỹ, sự "hầu như thống nhất" của cuộc tham vấn trên xuất phát từ thực tế rằng gần như tất cả mọi người đều rõ rằng Bush và đội ngũ của ông có một khái niệm hoàn toàn phi thực tế về đối tượng được xử lý bằng sức mạnh quân sự". Thậm chí khái niệm "chiến tranh chống khủng bố" còn được nhiều chính trị gia và chuyên gia phân tích đòi phải xem xét lại. Chiến tranh chống khủng bố đã được nhiều nhà phân tích kết luận là "một quyết định tồi ngay từ đầu" và có thể xem nó như "một cuộc chiến tranh gây phẫn nộ". Một câu trả lời quá đầy đủ căn nguyên nỗi bất an của người dân Mỹ.
Các chính khách Mỹ đã đưa ra cái ý niệm "Cuộc chiến chống khủng bố" kể từ sau 11/9/2001, nhưng đã không đặt ra được những câu hỏi chính xác, và vì vậy Wasington đang đứng trước nguy cơ không tìm được những câu trả lời đúng đắn. Việc đặt vấn đề tồi chắc chắn dẫn đến những câu trả lời tồi. Cho tới nay cuộc chiến ở Iraq và Afganistan đều chưa cho phép Mỹ đạt được các mục tiêu "cao cả" đã dự kiến từ trước khi phát động chiến tranh xâm lược. Bất luận các mục tiêu đó là gì, thực tế tại 2 nước bị chiếm đóng trên vẫn cho thấy những diễn biến đẫm máu của 2 chiến trường thực sự chưa có hồi kết và cũng chưa biết tới bao giờ thì đến hồi kết. Và như vậy là những người phụ nữ Mỹ vẫn phải hằng ngày nhìn các cha, chồng, anh, em cua họ tiếp tục bị giết tại các vùng đất xa lạ bên kia đại dương.
Gần nửa thập kỷ đã trôi qua, sau cái buổi sáng kinh hoàng ở Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, nơi ngày nay chỉ còn là một bãi đất trống mà nhiều người Mỹ vẫn đến để đặt hoa tưởng nhớ các thân nhân bị chết oan. Còn người Iraq và người Afganistan biết lấy nơi nào để đặt hoa tưởng niệm khi mà họ có thể bị bắn chết hay trở thành nạn nhân của một vụ đánh bom ngay trước của nhà họ?
Sơn Nam