1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nước cờ khôn khéo

Trong hai ngày (31-3 và 1-4), Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân lần thứ 4 diễn ra tại thủ đô Washington, Mỹ, với sự tham dự của khoảng 50 nhà lãnh đạo thế giới. Tuy nhiên, việc phái đoàn cấp cao Nga vắng mặt tại sự kiện quan trọng này khiến dư luận không khỏi bán tín bán nghi.

Washington tuyên bố, với quyết định không tham gia hội nghị lần này, Nga đã tự cô lập và tự đánh mất cơ hội. Liệu Mátxcơva "tự cô lập” hay đây là “nước cờ khôn khéo” của Tổng thống Vladimir Putin?

Lý do Tổng thống Putin không tham dự hội nghị lần này tại Mỹ được phía Mátxcơva giải thích là sự kiện trên “không nằm trong lịch trình của tổng thống”. Trước đó, hồi tháng 1, một lý do khác được Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova giải thích, là do “sự can thiệp không thể chấp nhận được” của các đơn vị tổ chức. Nhưng cụ thể can thiệp như thế nào thì phía Nga không nêu rõ!

Theo Sputnik ngày 30-3, phía Nga đã nhất trí cử Đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak tham gia vào sự kiện quan trọng trên.

Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân là sáng kiến do Tổng thống Mỹ Barack Obama khởi xướng trong một phát biểu tại Praha (Cộng hòa Séc) năm 2009. Kể từ lần đầu tiên được tổ chức tại Washington (năm 2010), tiếp đó diễn ra tại Seoul (Hàn Quốc, năm 2012) và La Hay (Hà Lan, năm 2014), hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân năm 2016 nhằm mục đích kéo cộng đồng quốc tế xích lại gần nhau để cùng đối phó với mối đe dọa từ nguy cơ khủng bố hạt nhân trên toàn cầu.

Đây cũng là diễn đàn để các nhà lãnh đạo thế giới tái khẳng định các cam kết, ở mức cao nhất, về tăng cường an ninh hạt nhân, vật liệu phóng xạ và chống lại chủ nghĩa khủng bố hạt nhân.

Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân năm 2014 tại La Hay. Ảnh: cri.cn
Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân năm 2014 tại La Hay. Ảnh: cri.cn

Theo AP, nội dung bao trùm Hội nghị Thượng đỉnh về an ninh hạt nhân lần này là nguy cơ tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng sở hữu bom bẩn phóng xạ. Theo giới chuyên gia, IS khó có khả năng phát triển bom hạt nhân, song lo ngại lực lượng này có thể chế tạo bom bẩn phóng xạ, loại vũ khí có thể gây ô nhiễm phóng xạ trên diện rộng và kéo theo những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, sức khỏe và sinh lý.

Tổng giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano cảnh báo, "chủ nghĩa khủng bố đang lan rộng và không thể loại trừ khả năng vật liệu hạt nhân bị sử dụng, vì vậy các nước phải quan tâm sát sao việc tăng cường an ninh hạt nhân".

Trong những hội nghị trước, Nga luôn có mặt và có vai trò, tiếng nói quan trọng trong việc cùng các nước đưa ra những chính sách quan trọng đối với an ninh hạt nhân toàn cầu. Ngay cả tại hội nghị cách đây hai năm ở Hà Lan, bất chấp những bất đồng liên quan đến vấn đề Crimea, các cường quốc, trong đó có Nga và Mỹ, vẫn có thể gạt bỏ tất cả để đưa ra một cam kết chung về giải trừ vũ khí hạt nhân, không phổ biến hạt nhân hay tăng cường an ninh hạt nhân…

Vậy vì sao phái đoàn Nga không tham dự Hội nghị tại Washington? Giới phân tích cho rằng, đây là một “nước cờ khôn khéo” mà nhà lãnh đạo Nga Putin đưa ra.

Mặc dù phía Nga phủ nhận ý kiến cho rằng quyết định không tham gia hội nghị lần này liên quan đến căng thẳng chính trị Mátxcơva - Washington, song dư luận không dễ dàng tin.

Theo Le Monde, Nga chắc chắn luôn theo dõi sát sao và biết rằng Mỹ đang tăng cường kho vũ khí hạt nhân với tốc độ chưa từng thấy. Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát vũ khí và chống phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Bộ Ngoại giao Nga Mikhail Ulyanov, mặc dù không có quy định về việc ngăn chặn các nước nâng cấp năng lực hạt nhân, song những hành động của Mỹ gần đây rất "đáng lưu ý".

“Mỹ đang chế tạo các máy bay ném bom mới, tàu ngầm và tên lửa đạn đạo liên lục địa-được gọi là bộ ba hạt nhân, để củng cố năng lực tấn công bằng tên lửa với một quy mô chưa từng thấy dưới thời các chính phủ tiền nhiệm ở Mỹ. Hành động trên của Mỹ đang đi ngược lại cam kết trước đó về cắt giảm vũ khí hạt nhân”, ông M.Ulyanov nhấn mạnh.

Theo Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) do Mỹ và Nga ký và được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 2010, số đầu đạn hạt nhân của Mỹ sẽ được giảm từ 1.900 xuống còn 1.550 đơn vị. Tuy nhiên, trong những năm qua, chính quyền Obama lại tìm cách tăng ngân sách hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân, từ 20 tỷ USD lên 34,8 tỷ USD mỗi năm.

Để đáp lại, Tư lệnh Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga, Thượng tướng Sergei Karakayev ngày 19-2 cũng công khai tuyên bố Nga đã đưa vào trực chiến hơn 50 tên lửa đạn đạo liên lục địa hoàn toàn mới. Có nghĩa, nước này đã hoàn thành trang bị tên lửa đạn đạo như tuyên bố của Tổng thống Putin hồi tháng 6-2015.

“Kẻ tám lạng-người nửa cân” trong cuộc đua hạt nhân, Tổng thống Putin chắc chưa sẵn sàng vui vẻ đến dự một sự kiện hạt nhân do Mỹ đăng cai, kể cả khi quan hệ Nga-Mỹ gần đây cải thiện đáng kể.

Hơn nữa, việc không tham dự hội nghị không phải là “tự cô lập” mà là một nước cờ khôn khéo, bởi theo kế hoạch, một trong những nội dung thảo luận chính tại hội nghị sẽ là các vụ thử hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên cũng như tham vọng vũ khí hạt nhân của nước này.

Từ trước tới nay, Nga vẫn luôn duy trì thế trung lập trong vấn đề Triều Tiên, xuất phát từ rất nhiều lợi ích của nước này tại khu vực Đông Bắc Á. Mátxcơva luôn chủ trương tạo mối quan hệ tốt không chỉ với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Đông Nam Á mà cả với Triều Tiên.

Bằng chứng là với nghị quyết trừng phạt Triều Tiên mới đây của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, phản ứng của Nga chỉ dừng lại ở “yêu cầu nghiên cứu thêm”. Do đó, giữ mối quan hệ tốt, tránh động chạm với cả Trung Quốc, Mỹ và Triều Tiên là chiến thuật mà Nga đang áp dụng.

Với những lý do như vậy, Mátxcơva có lẽ sẽ hoàn toàn yên tâm từ chối tham gia hội nghị hạt nhân tổ chức tại Mỹ lần này. Tuy nhiên, Nga cũng không quên tuyên bố rằng sẽ không vắng mặt tại một Hội nghị hạt nhân do IAEA tổ chức, nếu sự kiện này diễn ra.

Theo Bình Nguyên

Quân đội nhân dân