1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nước cờ của Mỹ - Trung sau cuộc họp "nảy lửa"

Thành Đạt

(Dân trí) - Mỹ và Trung Quốc đều thắt chặt quan hệ với các đồng minh và đối tác của mỗi bên sau cuộc họp "nảy lửa" tại Alaska tuần trước.

Nước cờ của Mỹ - Trung sau cuộc họp nảy lửa - 1

Cuộc họp giữa phái đoàn Mỹ và Trung Quốc tại Alaska (Ảnh: AFP).

Sau cuộc họp căng thẳng với quan chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì tại bang Alaska tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã gặp Ngoại trưởng của các nước đồng minh NATO tại Brussels, Bỉ hôm 23/3.

Ông Blinken nói với những người đồng cấp trong khối NATO rằng, liên minh an ninh xuyên Đại Tây Dương này nên "tập trung vào một số thách thức mà Trung Quốc đã đặt ra đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".

Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ có cuộc họp trực tuyến với các quan chức Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 25/3 để thảo luận về việc "hồi sinh" các mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu, cũng như các mối quan tâm chung về chính sách đối ngoại, bao gồm vấn đề Trung Quốc và Nga.

Tại cuộc họp ở Alaska với phái đoàn Trung Quốc, Ngoại trưởng Blinken đã nhấn mạnh "những lo ngại sâu sắc" về các hành động cứng rắn của Trung Quốc ở Tân Cương và Hong Kong, cũng như hành vi cưỡng ép về kinh tế của Bắc Kinh đối với các đồng minh của Mỹ. Trong khi đó, ông Dương Khiết Trì chỉ trích Washington về vấn đề nhân quyền.

Mặc dù hai bên đã nhất trí thiết lập một nhóm làm việc chung về biến đổi khí hậu, song những tranh cãi nổ ra cho thấy Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, như nhân quyền hay hành vi của Trung Quốc trong lĩnh vực không gian mạng.

Nước cờ của Mỹ - Trung sau cuộc họp nảy lửa - 2

Ông Vương Nghị (trái) đi cùng ông Dương Khiết Trì tới cuộc họp cùng những người đồng cấp Mỹ ở Alaska. (Ảnh: Reuters)

Trở về sau cuộc họp ở Alaska, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đón Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ở thành phố Quế Lâm trong 2 ngày 22-23/3. Hai bên đã nhất trí sẽ "phối hợp cùng nhau để chống lại các lệnh trừng phạt" từ Mỹ và các đồng minh của Washington.

"Các cường quốc phương Tây nên biết rằng những ngày mà họ có thể tùy tiện can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc bằng cách bịa ra những câu chuyện và những lời dối trá đã qua lâu rồi", Ngoại trưởng Vương Nghị nói trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga.

Hai nhà ngoại giao hàng đầu của Nga và Trung Quốc cũng đề cập tới mối quan hệ của từng nước với Mỹ. Hai Ngoại trưởng kêu gọi Mỹ suy ngẫm về thiệt hại mà nước này gây ra cho nền hòa bình và sự phát triển toàn cầu trong những năm gần đây, chấm dứt hành vi bắt nạt đơn phương, dừng can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác và chấm dứt việc thành lập các vòng vây để tìm cách đối đầu theo khối.

Nước cờ của Mỹ - Trung sau cuộc họp nảy lửa - 3

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (trái) gặp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ngày 23/3 (Ảnh: Reuters).

Ngoại trưởng Trung Quốc dự kiến bắt đầu chuyến công du tới Trung Đông từ ngày 24/3 đến ngày 30/3, nhằm thúc đẩy mối quan hệ với khu vực giàu tài nguyên dầu mỏ này. Đây cũng là khu vực đóng vai trò then chốt trong vấn đề an ninh năng lượng của Trung Quốc.

Lịch trình của ông Vương Nghị sẽ tới Ả rập Xê út, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Bahrain và Oman.

Mỹ có thể gây thêm sức ép với Trung Quốc

Theo Liu Weidong, chuyên gia về Mỹ tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, hiện chưa rõ liệu các hoạt động đối ngoại gần đây của Trung Quốc có liên quan tới bầu không khí cạnh tranh căng thẳng tại cuộc họp ở Alaska hay không, vì cuộc họp với Ngoại trưởng Nga nhiều khả năng đã được lên kế hoạch từ trước cuộc họp ở Alaska.

Tuy nhiên, ông Liu cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thể hiện rõ mong muốn hợp tác với các đồng minh và cuộc họp ở Alaska càng nhấn mạnh thêm chính sách này, trong bối cảnh Washington đối mặt với một Trung Quốc ngày càng hung hăng và không chịu nhượng bộ.

Ông Liu nhận định ở thời điểm hiện tại, Mỹ mới chỉ gây sức ép với Trung Quốc trong một số vấn đề như nhân quyền, tuy nhiên tác động đối với Trung Quốc vẫn chưa mạnh.

"Trong tương lai, có thể sẽ có sự phối hợp thực chất hơn trong các vấn đề kinh tế, hoặc vấn đề Biển Đông, Đài Loan, gây sức ép lớn hơn với Trung Quốc và có tác động lớn hơn", chuyên gia Liu dự đoán.

Mặc dù Trung Quốc đã kêu gọi tái khởi động mối quan hệ với chính quyền mới của Mỹ, song mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn căng thẳng trong hàng loạt vấn đề, ngay cả khi đội ngũ của Tổng thống Biden đã phát tín hiệu hợp tác trong một số lĩnh vực như biến đổi khí hậu.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây cũng ngày càng tăng nhiệt. EU, Canada và Anh đã áp lệnh trừng phạt tập thể đối với Trung Quốc trong vấn đề Tân Cương. Bắc Kinh cũng đáp trả bằng cách áp lệnh trừng phạt với EU.

Mỹ đã tuyên bố rõ rằng nước này sẽ hợp tác với các đồng minh để giải quyết ưu tiên chiến lược đối với Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 23/3 đã ra tuyên bố ủng hộ mối lo ngại về Trung Quốc của các đồng minh Canada và Philippines.

Ông Price bày tỏ lo ngại về sự thiếu minh bạch trong các vụ xét xử 2 công dân Canada bị bắt giữ tại Trung Quốc. Vụ bắt giữ này được xem là hành động đáp trả đối với việc Canada bắt giữ giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu của Huawei - tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc theo đề nghị của Mỹ.

Trong tuyên bố thứ hai, ông Price kêu gọi Trung Quốc dừng sử dụng lực lượng dân quân để "đe dọa và gây sức ép" với các quốc gia khác, sau khi xuất hiện thông tin về sự hiện diện của hàng trăm tàu cá Trung Quốc tại Biển Đông.