1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nước cờ chiến lược của Mỹ trong cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới

(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng những động thái của Mỹ tại cuộc tập trận RIMPAC 2018 thể hiện rõ chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Washington và mong muốn xây dựng quan hệ của Mỹ với các đối tác nhằm nâng cao tầm ảnh hưởng tại khu vực.

Tàu sân bay USS Carl Vinson tại cuộc tập trận RIMPAC 2018 (Ảnh: Quân đội Mỹ)
Tàu sân bay USS Carl Vinson tại cuộc tập trận RIMPAC 2018 (Ảnh: Quân đội Mỹ)

Lầu Năm Góc chính thức khởi động cuộc tập trân hải quân lớn nhất thế giới, RIMPAC 2018, vào cuối tháng 6, với sự tham gia của 25 quốc gia, 25.000 quân nhân, 200 máy bay và 46 tàu chiến. Trước đó, Mỹ đã rút lại lời mời Trung Quốc tham gia vì cho rằng động thái bồi đắp, quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông là đi ngược lại với luật pháp và quy tắc quốc tế.

Tại buổi họp báo ở Hawaii vào ngày 28/6, các lãnh đạo quân đội Mỹ nhấn mạnh mục tiêu của RIMPAC 2018 là “thiết lập các mối quan hệ”, cho hay sự kiện năm nay có sự tham gia lần đầu tiên của một số quốc gia Ấn Độ-Thái Bình Dương. Việt Nam sau 2 năm đóng vai trò quan sát viên, năm nay cũng cử 8 sỹ quan tham mưu tham gia cuộc diễn tập lần này.

“Chúng tôi hợp tác cùng nhau, xây dựng các mối quan hệ, và sau này Mỹ sẽ không từ chối bạn bè (khi họ cần giúp đỡ)”, Phó Đô Đốc John Alexander, người chịu trách nhiệm chỉ đạo cuộc tập trận lần này, phát biểu khai mạc RIMPAC 2018 tại Trân Châu Cảng.

CNN dẫn lời giới chuyên gia cho rằng, so với Trung Quốc, Hải quân Mỹ đang thực hiện chiến lược “kết bạn” tốt hơn.

“Sự vắng mặt của Bắc Kinh có nghĩa là họ đã bỏ lỡ cơ hội xây dựng mối quan hệ chuyên nghiệp và tiềm năng với lực lượng của các nước trong khu vực và trên thế giới”, ông Carl Schuster, cựu quan chức Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, nhận định. Ông Schuster nhấn mạnh Bắc Kinh hiện tại chưa thể tổ chức được cuộc tập trận hải quân với quy mô tương đương như RIMPAC.

Ông Peter Layton, một chuyên gia của Viện Griffith Asia (Australia) chỉ ra rằng Hải quân Mỹ rõ ràng biết cách để tạo tầm ảnh hưởng với các đối tác trong khu vực và sự tham gia của các quốc gia tại khu vực Biển Đông thể hiện rõ cam kết của Washington trong việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực.

Thực tế, trước đây Mỹ cử các tàu chiến tới tuần tra Biển Đông không có sự tham gia của các lực lượng hải quân Đông Nam Á. Tuy nhiên, RIMPAC 2018 dường như đã tạo cơ hội cho các lực lượng này thể hiện sự ủng hộ với quan điểm của Mỹ với tình hình khu vực, ông Layton nhận xét.

Năm nay, có 7 quốc gia ASEAN tham gia RIMPAC bao gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Chuyên gia Layton cho rằng việc đồng lòng tham gia sự kiện này có thể cho thấy tinh thần đoàn kết của các nước ASEAN với tình hình an ninh trong khu vực.

Ngoài nâng tầm ảnh hưởng trong khu vực, RIMPAC 2018 là dịp để Mỹ mở rộng mối quan hệ liên minh với các lực lượng khác trên thế giới. Họ bàn giao những vai trò quan trọng trong cuộc tập trận cho các đồng minh. Các tướng Canada, Nhật Bản, Australia, Chile được giao các vị trí chỉ huy trong các nội dung diễn tập.

Tướng Mỹ John Aquilino, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng RIMPAC 2018 sẽ gây dựng niềm tin giữa Mỹ và các đồng minh và khi có khủng hoảng xảy ra, tất cả sẽ hợp tác, đoàn kết lại và xử lý tình huống cùng nhau.

Đức Hoàng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm