1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Núi Phú Sĩ kêu cứu vì du khách quá đông

Quốc Đạt

(Dân trí) - Vào một ngày thứ Bảy trời mưa xám xịt, từng dòng xe buýt du lịch lần lượt đến trạm dừng chân núi Phú Sĩ của Nhật Bản và thả hàng chục du khách nước ngoài xuống trước các cửa hàng lưu niệm và nhà hàng.

Núi Phú Sĩ kêu cứu vì du khách quá đông - 1

Số lượng du khách tăng mạnh tại núi Phú Sĩ đã khiến quan chức Nhật Bản kêu gọi các biện pháp kiểm soát đám đông (Ảnh: AFP/Jiji).

Theo Reuters, khung cảnh ấy gợi lên hình ảnh một công viên giải trí mà không phải sự tôn kính mà hầu hết người Nhật mong đợi được thấy bên dưới ngọn núi cao 3.776m, có ý nghĩa linh thiêng đối với người dân xứ sở Mặt Trời mọc.

"Ở đây cấm hút thuốc", nhân viên cửa hàng lưu niệm lớn tiếng với một người đàn ông mặc quần đùi đang cầm lon bia trước cánh cổng "torii" màu đỏ tượng trưng cho lối vào đền thờ Thần đạo ở phía trước.

Nằm giữa các tỉnh Yamanashi và Shizuoka ở miền đông Nhật Bản, núi Phú Sĩ luôn được du khách trong và ngoài nước yêu thích. Nhưng sự gia tăng gần đây của du khách đến Nhật Bản đã tạo ra tình trạng ô nhiễm cực độ và các vấn đề khác, theo nhà chức trách.

Giới chức cho biết họ có thể sẽ phải thực hiện các biện pháp quyết liệt như hạn chế số lượng người qua lại bằng cách chỉ cho du khách lên núi Phú Sĩ thông qua hệ thống xe điện đang được xây dựng.

"Fuji đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thực sự", Masatake Izumi, một quan chức quận Yamanashi, nói với các phóng viên vào ngày 9/9, dịp cuối tuần cuối cùng trước khi các con đường mòn được đóng cửa cho tới hết năm.

Núi Phú Sĩ kêu cứu vì du khách quá đông - 2

Tình trạng tắc nghẽn gần đỉnh núi Phú Sĩ đã khiến dòng người leo núi gần như phải đứng yên vào cuối mùa leo núi trước (Ảnh: X/@kur).

"Tình hình không thể kiểm soát được. Chúng tôi lo lắng là núi Phú Sĩ sẽ sớm trở nên xấu xí và không còn ai muốn đặt chân tới đây nữa", ông Izumi nói.

Danh hiệu Di sản Thế giới được UNESCO trao tặng vào 10 năm trước đã khiến núi Phú Sĩ càng thêm nổi tiếng.

Danh hiệu ấy cũng đi kèm với điều kiện Nhật Bản phải giảm bớt tình trạng quá tải, giảm tác động đến môi trường do du khách gây ra, và cải thiện cảnh quan nhân tạo như các bãi đậu xe lớn đã được xây dựng để phục vụ khách du lịch.

Tuy nhiên, tình trạng quá tải đã trở nên nghiêm trọng hơn. Trạm Subaru, trạm dừng chân thứ 5 và cũng là trạm lớn nhất của ngọn núi, đón khoảng 4 triệu du khách trong mùa hè này, tăng 50% so với năm 2013.

Bất chấp tốc độ dọn dẹp của những người lao công, doanh nghiệp và tình nguyện viên, mạng xã hội vẫn đầy rẫy những bài đăng phản ánh phòng vệ sinh bẩn thỉu và các đống rác dọc theo con đường leo núi.

Ông Izumi lo lắng rằng Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế (ICOMOS), cơ quan cố vấn cho Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO), có thể đến gõ cửa bất kỳ ngày nào và yêu cầu cập nhật tình hình núi Phú Sĩ.

Núi Phú Sĩ kêu cứu vì du khách quá đông - 3

Người leo núi ngắm bình minh từ đỉnh núi Phú Sĩ vào ngày 15/8 (Ảnh: AFP/JIJI).

Tình trạng "leo núi chớp nhoáng" - cụm từ chỉ hiện tượng du khách cố leo lên đỉnh núi cao nhất Nhật Bản đón bình minh rồi xuống núi trong cùng một ngày - cũng là vấn đề khác khiến nhiều người đau đầu, theo nhà chức trách.

Cảnh sát tỉnh Shizuoka cho biết đã nhận được 61 lời kêu gọi giải cứu từ đầu năm tới nay, tăng 50% so với năm ngoái, và trong số đó thì du khách nước ngoài chiếm 1/4. Hầu hết những người đều có trang bị kém và gặp tình trạng hạ thân nhiệt hoặc say độ cao.

Một du khách địa phương cho biết những vấn đề như trên có thể là điều không thể tránh khỏi.

"Bất kỳ người Nhật nào cũng muốn leo núi Phú Sĩ ít nhất một lần trong đời", Jun Shibazaki, 62 tuổi, người tới đây tham gia một tour du lịch, cho biết. "Nhưng nơi đây quá đông. Chúng tôi có thể sẽ phải chấp nhận quy định hạn chế số lượng".

Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm