1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nửa tin nửa ngờ quanh quả bom hydro hai tầng của Triều Tiên

Các chuyên gia cho rằng việc Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom hydro đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong mục tiêu mà quốc gia bị cô lập này đề ra từ lâu là phát triển tên lửa có gắn đầu đạn hạt nhân đủ sức tấn công nước Mỹ.

Thiết bị nổ trong vụ thử hạt nhân thứ 6 và cũng là vụ thử có sức công phá mạnh nhất từ trước tới nay, diễn ra hôm 3/9, được Triều Tiên tuyên bố là loại bom hydro tân tiến, hay chính xác là bom nhiệt hạch hai tầng.

Mạnh gấp 10 lần

Tất cả các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên từ trước tới nay đều diễn ra tại bãi thử dưới lòng đất Punggye-ri được xây dựng sâu trong lòng núi và khiến việc xác định các tuyên bố của Triều Tiên rất khó để xác minh. Tuy nhiên, các chuyên gia nghiên cứu về chấn động trên bề mặt Trái Đất cho rằng sau vụ động đất mạnh tới 6,3 độ richter theo ước tính của Cơ quan Địa chất Mỹ, có đủ bằng chứng chứng minh là quốc gia này đã phát triển thành công bom hạt nhân hoặc ít nhất là cũng đã tới rất gần mục tiêu ấy.

Giới chức Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết vụ nổ có cường độ mạnh gấp 10 lần vụ thử hạt nhân thứ 5 cách đây 1 năm. NORSAR, hãng giám sát động đất của Na Uy, ước tính năng lượng giải phóng sau vụ nổ vào khoảng 120 kiloton, cao hơn nhiều so với cường độ hai quả bom hạt nhân thả xuống Hiroshima (15 kiloton) và Nagasaki (hơn 20 kiloton) vào cuối Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.

Giáo sư chuyên ngành nghiên cứu hạt nhân Kune Y. Suh, hiện đang làm việc tại Đại học Quốc gia Seoul, bình luận: “Mức độ vụ nổ quá lớn khiến người ta hoàn toàn có thể cho rằng đó là một cuộc thử nghiệm bom hydro… Triều Tiên tự coi mình là một quốc gia hạt nhân. Đó không phải là sự kiện làm thay đổi bối cảnh, mà chính là kết luận cuối cùng”, khẳng định Triều Tiên chính là một quốc gia sở hữu hạt nhân.

Trong khi đó, Lassina Zerbo, người đứng đầu cơ quan giám sát lệnh cấm hạt nhân CTBTO, nói: “Loại thiết bị nổ được sử dụng trong vụ thử ngày hôm nay cho thấy quy mô lớn hơn nhiều những gì từng diễn ra vào năm 2016 và trước đó”.

Tháng 7 vừa qua, Triều Tiên đã hai lần tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) với khả năng chạm tới phần lớn các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng họ chỉ có thể đạt được mục tiêu này khi đủ sức giảm trọng lượng các đầu đạn hạt nhân hiện có.

Thực tế các đầu đạn hạt nhân gắn vào tên lửa tầm xa của Triều Tiên vẫn chưa thể quay trở lại khí quyển Trái Đất nguyên vẹn sau khi được phóng, và việc phát triển bom hydro có thể là chìa khóa để Bình Nhưỡng tiến tới việc thu nhỏ kích cỡ và giảm trọng lượng các đầu đạn hạt nhân hiệu quả, bởi loại thiết bị nổ này có sức công phá rất lớn so với trọng lượng và kích thước vốn có của nó.

David Albright - nhà vật lý học và là người sáng lập Viện An ninh Quốc tế và Khoa học ở Washington, một tổ chức phi lợi nhuận - nói: “Sức công phá lớn đến như vậy chỉ có thể là do một thiết bị nổ có nguyên liệu nhiệt hạch… Sự kiện ấy cho thấy thiết kế của họ, cho dù là như thế nào, cũng có đủ khả năng phá hủy các thành phố hiện đại”.


Cấu tạo bom nhiệt hạch kép

Cấu tạo bom nhiệt hạch kép

Nửa tin nửa ngờ

Tuy nhiên, ông Albright vẫn hoài nghi tuyên bố mà Triều Tiên đưa ra về việc họ đã phát triển thành công thiết bị nổ nhiệt hạch 2 tầng tân tiến. Tháng 1/2016, Triều Tiên từng khẳng định họ đã thử nghiệm bom hydrom thu nhỏ. Mặc dù vậy, các chuyên gia bên ngoài cho rằng đó là một tuyên bố phóng đại, và đó thực chất chỉ là một quả bom nguyên tử sử dụng chất đồng vị hydro để tạo ra sức công phá lớn.

Vài giờ trước vụ thử, truyền thông chính thức của Triều Tiên công bố các bức ảnh chụp nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang quan sát một thiết bị có hình dạng như một hạt lạc và tuyên bố đó chính là bom hydro đã được thiết kế để gắn vào ICBM mới. Hình tháng thon dài của thiết bị này cho thấy một khác biệt lớn so với hình ảnh của thiết bị có hình cầu mà Triều Tiên công bố hồi tháng 3 năm ngoái.

Các chuyên gia cho rằng hình dáng của thiết bị mới cho thấy nó cũng có thể là một loại vũ khí nhiệt hạch 2 tầng. Chang Young-keun, một chuyên gia về tên lửa tại Đại học Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc, nói:

“Nhìn vào hình dáng quả bom mà Triều Tiên công bố hôm nay, có thể thấy nó gồm hai phần, với phần đầu giống như một quả bom nguyên tử kích hoạt phản ứng phân hạch hạt nhân, và phần thứ hai, tầng thứ hai, sẽ phóng thích năng lượng hạt nhân… Điều đó có nghĩa vụ nổ có thể diễn ra gấp đôi hoặc gấp 3 lần và đó là lý do vì sao sức công phá của nó lại lớn đến như vậy”.

KCNA đưa tin Viện Vũ khí Hạt nhân Triều Tiên khẳng định vụ thử ngày 3/9 đã xác nhận sức công phá và hiệu quả của bom hydro, trong đó có “sự phân hạch để đạt tới cường độ năng lượng lớn và tất cả các đặc điểm vật lý khác phản ánh chất lượng của vũ khí nhiệt hạch hạt nhân hai tầng”. Lần đầu tiên Triều Tiên đặc biệt đề cập tới khả năng sử dụng bom xung điện (EMP) trong các tuyên bố của mình.

Nhiều người lo ngại Triều Tiên có thể cho phát nổ một quả bom ở ngoài khí quyển, thay vì nhằm tên lửa tầm xa tới Mỹ. Một số nhà lập pháp và chuyên gia Mỹ đã tỏ ra rất lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công tương tự nhằm vào Mỹ, một vụ tấn công có thể tạo ra một trường điện từ rất lớn và phá hủy mạng lưới điện cùng các cơ sở hạ tầng trọng yếu của quốc gia này.


Lãnh đạo Triều Tiên bên thiết bị được cho là bom nhiệt hạch của Triều Tiên

Lãnh đạo Triều Tiên bên thiết bị được cho là bom nhiệt hạch của Triều Tiên

Bom nguyên tử - bom nhiệt hạch

Đây là hai loại vũ khí hạt nhân có sức công phá mạnh nhất hiện nay. Bom nhiệt hạch (bom H) được giới khoa học cho rằng có sức công phá mạnh hơn nhưng không phổ biến bằng bom nguyên tử (bom A). Hiện có 5 cường quốc hạt nhân là Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc tuyên bố sở hữu bom H. Các nước khác như Ấn Độ và Pakistan chỉ sở hữu loại bom nguyên tử thông thường.

Bom nhiệt hạch được Mỹ bắt đầu nghiên cứu phát triển vào những năm đầu 1950 (còn gọi là bom H, bom Hydro, bom khinh khí) được cho là có sức công phá mạnh gấp hàng nghìn lần bom nguyên tử. Bức xạ nhiệt từ vụ nổ phân rã hạt nhân được dùng để nung nóng và ném phần nhiên liệu khác nhằm tạo ra phản ứng nhiệt hạch với năng lượng được giải thoát rất nhiều.

Loại vũ khí này được gọi là bom khinh khí hay còn có tên khác là bom hydro, bom H hoặc bom nhiệt hạch. Bom H thực chất là quả bom kép, bao gồm một quả bom nguyên tử và một quả bom hydrogen. Khi được kích hoạt, hai quả bom sẽ nổ gần như đồng thời. Lượng nhiệt sinh ra từ quá trình nổ bom nguyên tử được dùng để làm mồi cho vụ nổ thứ 2, vốn cần rất nhiều nhiệt lượng nhưng sức tàn phá cũng lớn gấp hàng trăm lần.

CHDCND Triều Tiên tuyên bố đang nắm giữ công nghệ chế tạo bom H, đồng nghĩa với việc họ thực sự đạt được bước tiến vượt trội trong quá trình chế tạo bom hạt nhân. Dù bom nguyên tử sử dụng nhiên liệu plutonium đã có sức hủy diệt vô cùng lớn, bom H với thành phần chính là uranium có thể gây ra những thiệt hại lớn hơn rất nhiều.

Còn bom nguyên tử (bom A) hoạt động theo nguyên lý phân hủy các hạt nhân nặng - không bền như urani hay plutoni thành các hạt nhân nhẹ hơn và giải phóng năng lượng. Quá trình nổ bom nguyên tử xảy ra theo một phản ứng dây chuyền, bắt đầu khi một neutron (hạt trung hòa điện trong hạt nhân nguyên tử) va chạm với một hạt nhân urani hoặc plutoni, làm hạt nhân này vỡ ra thành các nguyên tố bền hơn (thường là barium và krypton).

Quá trình này giải phóng năng lượng dưới dạng nhiệt, phóng xạ tia gamma và một số neutron. Các neutron này lặp lại quá trình trên cho tới khi hết nhiên liệu phản ứng.Phản ứng dây chuyền này diễn ra trong thời gian rất ngắn, cỡ một phần triệu giây. Sức công phá của một quả bom nguyên tử tương đương với từ 1.000 tấn (1 KT) đến vài trăm nghìn tấn thuốc nổ TNT.

Với mỗi loại nhiên liệu bom nguyên tử có một khối lượng đặc trưng, gọi là khối lượng tới hạn. Khi khối lượng nhiên liệu nhỏ hơn khối lượng này thì phản ứng dây chuyền không xảy ra. Nhiên liệu phản ứng trong mỗi quả bom sẽ được chia tách ra các phần dưới hạn để đảm bảo an toàn. Muốn kích nổ chỉ cần ghép các phần riêng rẽ này thành một khối. Khối lượng này của urani 235 tinh khiết là 50kg.

Cho tới nay, Mỹ là nước duy nhất sử dụng bom nguyên tử trong chiến tranh. Quả bom thứ nhất mà Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima ngày 6/8/1945 có sức công phá khoảng 15 KT, quả thứ hai thả xuống Nagasaki ba ngày sau đó có sức công phá khoảng 20 KT. Đây là một phần kết quả của dự án Manhattan nghiên cứu về vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Thế chiến II.

Theo Lâm Tuyền - Ngọc Quyên

Pháp luật Việt Nam