1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nữ ứng viên đầu tiên chạy đua ghế TTK LHQ

Hôm qua, lãnh đạo 3 nước vùng Baltic chính thức đề cử nữ Tổng thống Latvia Vaira Vike-Freiberga tham gia tranh cử chức Tổng thư ký Liên Hợp Quốc thay ông Kofi Annan, người sẽ mãn nhiệm vào cuối năm nay.

Phát ngôn viên của bà là Aiva Rozenberga cho biết, tổng thống và thủ tướng các nước Latvia, Lithuania và Estonia đã hậu thuẫn để bà ra chạy đua vào chức vụ quan trọng nhất của Liên Hợp Quốc.

 

Tổng thống Vaira Vike-Freiberga vốn là một cựu giáo sư tâm lý học, người đã lãnh đạo Latvia suốt từ năm 1999 đến nay. Bà là ứng viên thứ 6 tham gia tranh cử chức tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai của ông Kofi Annan sẽ kết thúc vào ngày 31/12 năm nay.

 

Các ứng viên còn lại đều là nam giới và đến từ châu Á gồm: Hoàng thân Jordan Zeid al Hussein, Ngoại trưởng Hàn Quốc Ban Ki-moon, Phó tổng thư ký LHQ người Ấn Độ Shashi Tharoor, Phó thủ tướng Thái Lan Surakiart Sathirathai và cựu giám đốc cơ quan giải trừ quân bị của LHQ Jayantha Dhanapala, người Sri Lanka.

 

Tổng thống Vike Freiberga sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi ra tranh cử, vì hầu hết các nước thành viên đều có chung quan điểm rằng tổng thư ký mới của Liên Hợp Quốc nên là một người châu Á, đúng theo truyền thống luân phiên giữa các châu lục.

 

Tuy nhiên, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc John Bolton lập luận rằng, chức vụ này nên dành cho ứng viên nào đủ khả năng nhất mà không cần quan tâm đến quốc tịch. Trong khi đó, một thành viên thường trực Hội đồng Bảo an có quyền phủ quyết là Trung Quốc nhiều lần khẳng định, họ mong muốn tổng thư ký tiếp theo là người châu Á.

 

Trong cuộc bỏ phiếu không chính thức của 15 nước thành viên HĐBA hôm thứ năm vừa qua, trước khi bà Vike-Freiberga ra ứng cử, Ngoại trưởng Hàn Quốc Ban Ki-moon nhận được nhiều sự ủng hộ nhất. Tiếp theo là ứng viên Ấn Độ Shashi Tharoor và thứ ba là Phó thủ tướng Thái Lan Surakiart Sathirathai.

 

Đại sứ Jordan tại Liên Hợp Quốc là Hoàng thân Zeid al Hussein, ứng viên Hồi giáo duy nhất, về thứ tư và đứng cuối là cựu chuyên gia giải trừ quân bị người Sri Lanka Jayantha Dhanapala.

 

Theo Đình Chính

Vnexpress/AP, AFP