Nữ trợ thủ đặc biệt nhất của bà Hillary Clinton
Khi cuộc đua vào Nhà Trắng bước sang giai đoạn quyết định và hầu như không ai còn nghi ngờ việc ứng cử viên Hillary Clinton sẽ là đại diện của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới, trên truyền thông Mỹ bỗng xuất hiện một người chưa từng nghe nhắc đến kể từ đầu cuộc đua.
Đó là Huma Abedin, Phó Chủ tịch Chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton, người trợ thủ trung thành nhất của bà, người gần gũi, sát cánh bên bà đến độ trong chính trường Mỹ ai cũng gọi cô ta là “con gái thứ hai” của bà Hillary.
“Cái bóng” của bà Hillary
Năm 1996, có hai cô gái trẻ 19-20 tuổi vào tập sự tại Nhà Trắng. Một người là Monica Lewinsky, được phân công làm việc ở Cánh Tây, tức khu Văn phòng Tổng thống, để rồi 2 năm sau tai tiếng vang khắp thế giới... trong vụ bê bối tình dục lớn nhất nhiệm kỳ Tổng thống Bill Clinton.
Còn người kia được phân công vào làm việc ở Cánh Đông, tức khu Văn phòng Đệ nhất phu nhân của bà Hillary Clinton. Đó dường như là định mệnh, hay sự sắp đặt của tạo hóa cho Huma Abedin cơ hội được tiếp xúc và gần gũi với bà Hillary một lần duy nhất cho cả đoạn đường dài 20 năm.
Sự thật là, khi được Đại học George Washington phân công vào tập sự tại Nhà Trắng, Abedin vốn đã thần tượng nữ nhà báo, người dẫn chương trình thời sự quốc tế nổi tiếng của Đài CNN lúc bấy giờ là Christiane Amanpour và ước ao được làm việc tại Văn phòng Báo chí của Nhà Trắng. Cho nên khi được phân công vào hầu cận Đệ nhất phu nhân, Abedin có vẻ không hài lòng, nhưng mẹ cô đã căn dặn con gái kỹ lưỡng: “Hãy nắm lấy cơ hội. Nhưng đừng yêu Ách chủ”. Lời nhắn nhủ đó đã được Abedin ghi nhớ và gìn giữ xuyên suốt.
“Mười sáu năm sau tôi vẫn không thay đổi nguyên tắc đó” - Abedin thổ lộ trong một cuộc tọa đàm do tạp chí Fortune tổ chức năm 2012.
Kể từ khi bước chân vào làm việc cho bà Hillary, tính đến nay đã ngót 20 năm, Abedin hầu như không lúc nào rời xa “bà chủ” của mình. Từ vị trí ban đầu đơn giản là “cận vệ” cho bà Hillary, đến nay Abedin đã đóng vai một “tổng quản” bao quát mọi khía cạnh hoạt động hằng ngày của bà Hillary.
Bây giờ, bất cứ ai muốn gặp bà Hillary đều phải thông qua Abedin. Cô được cho là sở hữu một kỹ năng đặc biệt không ai có thể học được: năng lực giao tiếp tinh tế đến độ có thể ngăn cản bất cứ ai, dù người đó là những nhân vật VIP có cái tôi to cỡ nào, nhưng vẫn không làm cho họ tức giận.
Bên cạnh đó, Abedin còn có tài năng tổ chức thực hiện nhiều công việc cùng lúc mà không sơ sẩy việc nào: Vừa chỉ đạo nhân viên kiểm tra email bí mật, vừa theo dõi tình hình thời tiết, đồng thời quan tâm nắm bắt những nhà quyên góp tài chính nào cần một tấm ảnh chụp - tất cả cùng diễn ra đồng thời với việc tổ chức bữa ăn và sắp xếp các cuộc hẹn cho bà Hillary và cả việc quản lý chiếc điện thoại di động của bà.
Khi Abedin làm tập sự viên trong Nhà Trắng được hai năm thì xảy ra vụ bê bối tình dục giữa Tổng thống Bill Clinton với người bạn học và đồng nghiệp của cô là Monica Lewinsky vào năm 1998. Trước sức nóng của dư luận lúc bấy giờ, Đệ nhất phu nhân cần một người bầu bạn đủ tin cậy để vừa tâm sự, thổ lộ tâm tình đau khổ, vừa có khả năng đồng hành, giúp đỡ mình vượt qua sức ép dư luận.
Và Abedin đã xuất hiện, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu của bà Hillary, trở thành tấm khiên che chắn mọi bề để bảo vệ bà. Họ đã trở nên thân thiết từ đó. Về sau này, bất cứ khi nào bà Hillary đi đâu là Abedin theo đó. Nhiều khi, bà Hillary chỉ cần phẩy tay là cả hai cùng “lên đường”.
Khi bà Clinton tham gia tranh cử vào Thượng viện năm 2000, những vị trí công việc trong Nhà Trắng bắt đầu thay đổi, kẻ “đi xuống”, người “đi lên”, trong đó Abedin “đi lên” theo bà Hillary. Đến năm 2007, khi bà Clinton tham gia tranh cử tổng thống lần đầu (thất bại trước Obama), Abedin tham gia vào ban vận động chiến dịch của bà. Cô trở thành hình tượng thu hút đám đông bởi phong cách thời trang hơn là cách diễn đạt trên diễn đàn.
Năm 2008, khi chiến dịch bước vào giai đoạn gay cấn, bà Hillary luôn mang theo Abedin trên hành trình vận động cử tri. Vẫn cung cách phục vụ mẫn cán, nâng niu từng miếng ăn, giấc ngủ cho bà Hillary, Abedin đã khiến cho cuộc vận động của bà Hillary bớt căng thẳng hơn. Do còn quá trẻ nên lúc này Abedin chưa làm được gì nhiều ngoài những việc chăm lo hậu trường như thế.
Ông Obama thắng cử vào tháng 11-2008 và làm Tổng thống Mỹ, bà Hillary được mời làm Bộ trưởng Ngoại giao, và bà đã mang theo Abedin vào công việc mới, với vai trò mới: Phó Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao, phụ trách các công việc hậu cần hỗ trợ cho bà Bộ trưởng.
Cũng từ bấy giờ, Abedin là chốt chặn cuối cùng bên cạnh bà Clinton. Bất cứ ai muốn tiếp cận bà Ngoại trưởng đều phải thông qua Abedin. Những người phụ tá cũ của bà Clinton xác nhận, trong cuộc đấu đá để tranh giành vị trí trung tâm bên cạnh bà Clinton, không ai có được năng lực mạnh mẽ như Abedin.
Tín đồ Hồi giáo ở Bộ Ngoại giao
Huma Abedin sinh năm 1976 tại Kalamazoo, bang Michigan, tức là cô sinh ra tại Mỹ, là công dân Mỹ. Nhưng gốc gác của Abedin không phải Mỹ. Cha cô là Syed Zainul Abedin, một nhà báo, nhà phân tích Hồi giáo người Ấn Độ, còn mẹ cũng là một trí thức, nhà báo, người Pakistan, cùng theo đạo Hồi.
Năm 2 tuổi, Abedin theo cha mẹ di chuyển đến thành phố Jeddah, Arập Xêút sinh sống vì cha mẹ cô được Abdullah Omar Nasseef - Chủ tịch Đại học King Abdulaziz ở Jeddah, Arập Xêút giúp đỡ việc làm. Mẹ cô làm giảng viên rồi sau đó leo lên chức phó khoa tại trường này, còn cha cô được Abdullah Omar Nasseef hỗ trợ sáng lập Viện Cộng đồng thiểu số Hồi giáo (IMMA) và trở thành Tổng Biên tập Báo Journal of Muslim Minority Affairs, tờ báo chuyên đề về đời sống và những vấn đề chung của cộng đồng thiểu số Hồi giáo khắp thế giới.
Abedin lớn lên ở Jeddah, năm 18 tuổi, cô trở về Mỹ để học Đại học George Washington và làm việc cho bà Hillary Clinton.
Bạn bè của bà Hillary Clinton nhận xét về Huma Abedin như sau: “Cô ấy là một người rất, rất sùng đạo. Cô ấy không hút thuốc lá, không uống rượu hay thề thốt như nhiều người khác, và luôn rất lễ phép”. Đúng vậy, Hồi giáo đã là gốc tôn giáo của Abedin từ nhỏ. Cho đến khi lớn lên, trở về Mỹ học đại học, Abedin vẫn thể hiện mình là một người sùng đạo. Cô thực hành thánh lễ Hồi giáo không ngừng nghỉ.
Tuy nhiên, vì gốc gác Arập và việc sùng bái đạo Hồi của Abedin - và cũng có lẽ cả việc quá thân cận, phục vụ tận tình Ngoại trưởng Clinton - nên Abedin bị khá nhiều kẻ ganh ghét, soi mói. Chiến dịch công kích Abedin được khởi động vào năm 2012 do Hạ nghị sĩ Michele Bachmann dẫn đầu. Bachmann cùng các nghị sĩ Michele Bachmann, Louie Gohmert, Trent Franks, Lynn Westmoreland và Tom Rooney tung ra cáo buộc gây chấn động rằng, Abedin “có thể là một thành viên Huynh đệ Hồi giáo nằm vùng”.
Ngày 13-6-2012, cả 5 vị nghị sĩ viết 5 lá thư gửi cho các tổng thanh tra trong Chính phủ Mỹ để tố cáo Abedin. Một cuộc chiến trong các chính khách không phân biệt đảng phái, tôn giáo xung quanh Abedin bắt đầu. Phe chống Abedin có không ít tên tuổi bảo thủ cực đoan, như cựu đại sứ diều hâu khét tiếng John Bolton, Newt Gingrich, nghị sĩ Steve King, Tổng công tố Andrew McCarthy, Glenn Beck...
Bên ủng hộ đứng đầu là nghị sĩ Keith Ellison cũng rầm rộ không kém, trong đó có những cái tên sừng sỏ như thượng nghị sĩ John McCain, Scott Brown, Marco Rubio, Chủ tịch Hạ viện John Boehner, các hạ nghị sĩ James Sensenbrenner, Mike Simpson, Richard Hanna, Mike Rogers... đều thuộc đảng Cộng hòa. Thú vị hơn, trong số người công khai bênh vực Abedin còn có cả Giám đốc Trung tâm Hành động cải cách tôn giáo Do Thái, Rabbi David Saperstein.
Phe buộc tội Abedin đã điều tra lý lịch của cô rất kỹ và không bỏ sót chi tiết nào. Khi còn là sinh viên Đại học George Washington, Abedin là Ủy viên Hội đồng quản trị Hiệp hội Sinh viên Hồi giáo của trường này. Hiệp hội này cũng là nơi trùm khủng bố người Mỹ, giáo sĩ Anwar al-Awlaki từng làm cố vấn.
Tiếp đến, trong khoảng 13 năm đầu làm việc cho bà Clinton, Abedin đồng thời làm thêm một số công việc khác, trong đó có làm thêm bán thời gian cho tờ báo của cha mình từ năm 1998-2009, trước khi theo bà Clinton vào làm việc ở Bộ Ngoại giao.
Tờ Journal of Muslim Minority Affairs là cơ nghiệp của gia đình Abedin. Từ sau khi ông Abedin qua đời năm 1993, bà Saleha tiếp quản tờ báo. Các em trai và em gái Abedin đều làm công tác quản lý trong tờ báo. Bà Saleha đã phát triển tờ báo mạnh lên thông qua các mối quan hệ cá nhân của bà trong cộng đồng Hồi giáo ở Arập Xêút và vùng Trung Đông. Điều quan trọng nhất trong cáo buộc của phe Bachmann là bà Saleha có mối quan hệ gần gũi với tổ chức Huynh đệ Hồi giáo (Muslim Brotherhood) ở Ai Cập.
Còn ông Chủ tịch Đại học King Abdulaziz, Abdullah Omar Nasseef, người đỡ đầu sự nghiệp của cha mẹ Abedin lại cũng bị cáo buộc từng có quan hệ với ông trùm khủng bố Osama bin Laden. Phe Bachmann còn săm soi cả những thư điện tử của bà Clinton do Abedin quản lý để tìm manh mối buộc tội Abedin là “Huynh đệ Hồi giáo nằm vùng”, nhưng không thành.
Mặc dù phe Bachmann không có đủ căn cứ để chứng minh tất cả các chi tiết nêu trên có liên hệ trực tiếp với Abedin, để chứng minh Abedin đích thực là “người của Huynh đệ Hồi giáo” như họ cáo buộc, nhưng do sức ép chính trị quá nóng nhắm vào bà Clinton, Abedin đành phải chấp nhận rời khỏi công việc tại Bộ Ngoại giao để bảo toàn cho “chủ nhân”.
Giờ đây, khi tất cả những năm tháng “bầm giập” đó chỉ còn là kỷ niệm mờ nhạt trong ký ức, Abedin đã có thể bình thản hơn, vững vàng hơn khi bước vào cuộc chơi mới. Bà Clinton bước vào chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 cũng giống như những cuộc tranh cử trước đây, bà vẫn mang theo Abedin để phục vụ bà, vì không ai hiểu bà bằng Abedin và cũng không ai tận tình chăm sóc, phục vụ bà như Abedin.
Abedin trong chiến dịch tranh cử lần này đã trưởng thành rất nhiều sau bao thăng trầm, bầm giập của chính trường Mỹ. Bây giờ thì vai trò của Abedin có phần khác trước và cô cũng không còn phải đi sau mang túi xách cho bà Clinton nữa mà tự mang túi xách của mình. Nhưng bên trong chiếc túi xách hàng hiệu cao cấp của cô vẫn luôn có chiếc điện thoại di động của bà Clinton.
Và hơn thế, khi bà Clinton bận rộn vận động trong nước, thì chính Abedin sẽ thay bà đi vận động ở nước ngoài, như chuyến đi vận động gây quỹ tại nhà một doanh nhân Mỹ tên James Cook ở Paris vào tháng 10-2015. Trong chiến dịch lần này, bà Clinton đang trên đà chiến thắng, trở thành trung tâm của mọi sự chú ý và tương lai có thể trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.
Nhưng bên cạnh bà, ít ai biết đến người phụ tá trung thành, người trợ thủ đặc biệt nhất, với phong cách làm việc mẫn cán không ai sánh được. Người đó là Huma Abedin, “con gái thứ hai” của bà Hillary Clinton.
Theo An Châu/ Vanity Fair
An ninh thế giới