1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nỗi lo hạt nhân ở đất nước mặt trời mọc

(Dân trí) - Một ngày sau khi Kashiwazaki bị chao đảo bởi trận <a href="http://www11.dantri.com.vn/Thegioi/2007/7/188023.vip">động đất </a> mạnh tới 6,8 độ ritcher, hàng loạt những vấn đề tại nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới được đưa ra ánh sáng, trong đó có rò rỉ phóng xạ, vỡ đường ống, và cả hỏa hoạn.

Sau trận động đất hôm thứ hai vừa qua nhà máy Kashiwazaki-Kariwa bị vỡ ống, nước phóng xạ bị rò rỉ và các thùng chứa chất thải hạt nhân bị đổ. Nhưng phải 12 tiếng sau, người ta mới thông báo cơn rung chấn 6,8 độ còn khiến hơn 1.000 lít nước chứa chất phóng xạ bị rò rỉ và theo đường ống chảy ra biển. Ngoài ra, một lượng nhỏ chất phóng xạ coban-60 và crom-51 cũng bị bốc vào không khí sau một vụ xì hơi.

 

Rồi cho đến cuối ngày hôm qua, các nhà chức trách lại thông báo đã tìm thấy 50 trường hợp “sự cố, trục trặc”. 4 trong 7 lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động tại thời điểm xảy ra trận động đất, và theo cơ chế an toàn tất cả chúng đều đã tự động ngừng hoạt động. Các nhà chức trách khẳng định môi trường không bị ảnh hưởng, nhưng họ cũng phải mất một ngày để phát hiện ra rằng 100 thùng chứa rác thải hạt nhân bị lật đổ, một số bị tung nắp.

 

Vì sao Nhật vẫn muốn phát triển các nhà máy điện hạt nhân?

 

Nhật Bản là nước duy nhất trên thế giới phải hứng chịu một cuộc tấn công hạt nhân thực sự và là nước duy nhất phải chịu những tổn thất nặng nề vì phóng xạ hạt nhân. Ngoài ra Nhật còn là nước phải hứng chịu nhiều thảm họa tự nhiên và động đất nhất. Thế nên có vẻ như rất kỳ cục khi nước này lại trở thành quốc gia lớn về năng lượng hạt nhân, sở hữu số lò phản ứng chỉ sau Mỹ và Pháp.

 

Nhưng bất chấp sự “nhạy cảm” của công chúng với năng lượng hạt nhân sau các vụ tấn công ở Hiroshima và Nagasaki, Nhật từ lâu đã quan tâm đến một nguy cơ khác: đó là nguy cơ cạn kiệt nguồn năng lượng.

 

Theo thông tin mới nhất thị trưởng thành phố Kashiwazaki đã yêu cầu đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa cho đến khi nào nó được đảm bảo an toàn.

Ngoài một số dự án năng lượng địa nhiệt nhỏ lẻ, Nhật không có một nguồn năng lượng lớn nào khác, không có dầu, và cũng có rất ít than. Thực sự là nước Nhật “đói” nguồn năng lượng. Đó là một lý do để quân đội Nhật bành chướng ở châu Á trong những năm 1930 và 1940. Và cũng vì vậy mà khi Mỹ bắt đầu khuyến khích phát triển công nghệ hạt nhân vào những năm 1950 dưới khẩu hiệu “Nguyên tử vì hòa bình”, Nhật, lúc đó là một đồng minh thân cận trong Chiến tranh lạnh, đã háo hức tham gia.

 

Số lượng các nhà máy điện hạt nhân của Nhật đạt tới đỉnh điểm vào những năm 1970-80. Nhưng lúc đó mối lo ngại về an toàn hạt nhân không lớn như bây giờ. Mặt khác, người Nhật cũng quen với việc gửi gắm niềm tin tuyệt đối vào đội ngũ kỹ sư của họ, những người đã tự học để xây những tòa nhà chọc trời, những con đường, cây cầu, và những bức tường biển có thể đứng vững trước cơn thịnh nộ của trời và đất.

 

Những dự án xây dựng quy mô như nhà máy điện hạt nhân cũng phù hợp với mô hình chi tiêu lớn cho cơ sở hạ tầng của Nhật, nhằm thúc đẩy phát triển. Ngoài ra, họ cũng thu lợi từ các tập đoàn công nghiệp hàng đầu như Toshiba và Mitsubishi, những đơn vị sản xuất hầu hết công nghệ dùng cho các cơ sở hạt nhân. Đây cũng là thời điểm mà giới chức Nhật để lại dấu ấn cho sự phát triển của đất nước, và hầu hết người dân không có bất đồng gì với họ.

 

Những lo ngại về an toàn

 

Thế nhưng các vụ tai nạn hạt nhân ở Đảo Three Mile của Mỹ năm 1979, sự cố Chernobyl ở Liên Xô năm 1986 đã khiến ngày càng nhiều người Nhật đặt câu hỏi về ngành năng lượng hạt nhân của chính họ. Tuy nhiên, đến lúc này những lo ngại ấy vẫn còn rất nhỏ và chỉ là từ nhóm thiểu số không có tiếng nói.

 

Chất xúc tác thực sự cho phong trào chống hạt nhân ở Nhật lớn mạnh chính là hàng loạt vụ tai nạn, những sai sót về an toàn và những vụ bưng bít, khiến dẫn đến sự sụp đổ lòng tin của dân chúng.

 

Vụ tai nạn ở Tokaimura đã “mở màn” cho chuỗi phản ứng về khả năng tự lực của Nhật trong lĩnh vực hạt nhân. Năm 1999 hai công nhân thiệt mạng và hàng trăm gia đình phải đi sơ tán sau khi xảy ra tai nạn tại nhà máy phía bắc Tokyo này. Cuối cùng hóa ra hai công nhân trên thiệt mạng là vì đã trộn một khối lượng nguy hiểm uranium trong một chiếc thùng hở, hoàn toàn đi ngược lại với các quy định về an toàn. Đây là vụ thiệt mạng đầu tiên của Nhật liên quan đến hạt nhân kể từ sau năm 1954.

 

3 năm rưỡi sau, nhà máy Tepco, nhà máy cung cấp điện cho Tokyo, đã phải đóng cửa tất cả 17 lò phản ứng của mình sau khi thú nhận đã làm giả thông báo kiểm tra. Và vụ tai nạn tồi tệ nhất xảy ra ở Mihama, trên bờ biển phía tây vào tháng 3/2004. 5 công nhân đã thiệt mạng vì hơi nước nóng phụt ra từ một ống dẫn bị mòn. Ống dẫn đó đã không được kiểm tra suốt 8 năm liền.

 

Sau mỗi vụ tai nạn các quan chức hạt nhân đều hứa sẽ nâng các các quy định an toàn, nhưng đến năm nay tất cả 12 công ti điện mới thú nhận trong một bản báo cáo rằng có hàng ngàn sai sót do không tuân thủ quy tắc đã xảy ra.

 

Kết quả, người dân khắp nước Nhật bắt đầu phản đối việc xây dựng các cơ sở hạt nhân mới, một số trường hợp đã bị đưa ra tòa. So với trước kia, có vẻ như tòa án đứng về phía những người phản đối, nhưng để thay đổi được ngành năng lượng hạt nhân thì quả còn nhiều gian nan.

 

Chống chọi với động đất

 

Cuối cùng xuất hiện câu hỏi về việc chống chọi với những trận động đất. Theo quy định hiện nay, các nhà máy điện hạt nhân phải chống chọi được với các trận động đất mạnh tới 6,5 độ. Tuy nhiên, các trận động đất ở Nhật có thể mạnh hơn thế rất nhiều.

 

Hơn nữa, như nhà máy ở Hamaoka, nằm trên bờ biển phía nam của Tokyo, được xây đúng trên đỉnh của một đường đứt đoạn lớn. Và ngay ngoài khơi, trên Thái Bình Dương, là nơi ba trong số những bình địa kiến tạo chính của trái đất “va chạm” nhau.

 

Do thiếu vị trí phù hợp, vì hầu hết Nhật là đồi núi, nên các nhà máy điện buộc phải chọn những nơi như Hamaoka. Những lò phản ứng ở đây có thể là những lò có sức chịu đựng tốt nhất thế giới. Nó được đặt trong một hố được gia cố bằng bê tông bền vững, và có thể chịu đựng được động đất mạnh tới 8,5 độ.

 

Lỗi lo về “sự cố nhân tạo”

 

Những người ủng hộ năng lượng hạt nhân cho rằng trên khắp thế giới có rất ít những tại nạn nghiêm trọng liên quan đến các lò phản ứng trong suốt 5 thập kỷ qua. Họ chỉ ra rằng trong trận động đất Hanshin năm 1995, không một nhà máy điện hạt nhân nào trong vùng bị hư hỏng nặng, mặc dù cả thành Kobe bị san phẳng và hơn 6.000 người thiệt mạng.

 

Nhưng các báo cáo của Nhật lại cho rằng những vụ tai nạn trong tương lai sẽ do con người chứ không phải tự nhiên gây ra. Những người phản đối lo ngại Nhật có thể dùng ngành công nghiệp phục vụ dân sự để làm cơ sở  phát triển vũ khí hạt nhân, nhằm đối phó với đe dọa từ phía Bình Nhưỡng. Ngoài ra, do nhu cầu khẩn thiết phải giảm lượng khí thải carbon ở nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này tăng cao, nên tất cả mối lo ngại về hạt nhân sẽ bị “lu mờ”. Nhật chắc chắn sẽ tiếp tục phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân trong một tương lai không có giới hạn phía trước. Thế nên, người dân Nhật chỉ có thể cầu mong rằng, họ phát triển năng lượng hạt nhân theo cách an toàn hơn mà thôi.

 

PV

Theo AP, BBC