Nỗi khốn khổ của người Vũ Hán khi bị chính đồng bào hắt hủi
(Dân trí) - Người Vũ Hán, nơi được xem là “ổ dịch” virus corona tại Trung Quốc, đang phải đối mặt với không ít khó khăn khi họ bị chính những người đồng hương hắt hủi và kỳ thị.
Trước đây, Vũ Hán từng được biết đến là thành phố của hoa anh đào, một trung tâm kinh tế tại khu vực miền trung Trung Quốc.
Còn bây giờ, đô thị với 11 triệu dân của tỉnh Hồ Bắc đang trở thành tâm điểm của đợt bùng phát dịch viêm phổi do virus corona mới gây ra. Đây cũng là lý do khiến người dân ở Vũ Hán ngày càng bị chính những đồng bào của mình hắt hủi.
Với số ca tử vong lên tới hơn 300 người và hơn 14.000 trường hợp bị lây nhiễm trên khắp Trung Quốc, các nhà chức trách ở các địa phương đã kích hoạt tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng ở mức cao nhất và tăng cường rà soát những người từ Vũ Hán.
Tuy nhiên, nỗi lo sợ về sự bùng phát của dịch viêm phổi do virus corona mới đã thổi bùng lên làn sóng tẩy chay và kì thị đối với người dân Vũ Hán. Nhiều người Vũ Hán đã bị hắt hủi trên chính đất nước của họ, bị chính các khách sạn, hay người dân tại các vùng lân cận xa lánh. Thậm chí trong một số trường hợp, họ bị áp đặt các biện pháp cách ly gây tranh cãi.
Giới chức Vũ Hán ước tính khoảng 5 triệu người đã rời khỏi thành phố này trong kỳ nghỉ Tết nguyên đán trước khi chính quyền hủy mọi chuyến bay, chuyến tàu và xe buýt theo lệnh phong tỏa chưa từng có tiền lệ từ ngày 23/1.
Nhiều người trong số họ là những công nhân hoặc sinh viên đại học rời khỏi Vũ Hán để trở về quê nhà đoàn tụ với gia đình dịp năm mới. Ngoài ra, cũng có những người muốn tranh thủ kỳ nghỉ dài để đi nghỉ dưỡng.
Mãi tới ngày 20/1, Trung Quốc mới xác nhận virus corona có thể lây nhiễm từ người sang người, sau khi số ca tử vong và lây nhiễm tăng vọt.
“Nhiều bạn của tôi rời khỏi Vũ Hán mà không nhận ra tình hình nghiêm trọng như thế nào”, April Pin, một công dân Vũ Hán, viết trong bức thư đang được chia sẻ rộng rãi.
Trong thư, Pin kêu gọi người dân Trung Quốc tha thứ cho các đồng hương của mình - những người rời khỏi Vũ Hán mà không biết mình bị nhiễm bệnh.
Là một trong hàng triệu người ở lại Vũ Hán, Pin nói với CNN rằng, cô viết bức thư này vì “có quá nhiều bình luận trên mạng miệt thị và chỉ trích người Vũ Hán”.
“Tôi cảm thấy thật bất công”, Pin nói.
Những người “không được chào đón”
Sau lệnh phong tỏa, người dân Vũ Hán nhanh chóng nhận ra rằng họ không còn được các khách sạn hay nhà nghỉ chào đón mỗi khi họ tới các khu vực khác ở Trung Quốc. Họ cũng không thể quay trở về Vũ Hán do lệnh hạn chế đi lại mới được áp dụng với thành phố này.
Họ bị mắc kẹt trong chính đất nước của mình.
Trên mạng xã hội, các bài đăng của khách du lịch Vũ Hán nhằm kêu gọi giúp đỡ tìm chỗ ở liên tục xuất hiện. Một người dùng mạng xã hội Weibo chia sẻ rằng cô bị chủ nhà nghỉ xua đuổi vì họ không muốn cho khách từ tỉnh Hồ Bắc - nơi có “ổ dịch” Vũ Hán thuê phòng
“Tôi chỉ còn biết cầu cứu ở đây (trên mạng xã hội) vì tôi thực sự hết cách rồi”, Ludougao, người dùng Weibo, chia sẻ.
Ludougao cho biết cô rời khỏi Vũ Hán vào ngày 20/1, 3 ngày trước khi chính quyền phát lệnh phong tỏa thành phố này.
Ludougao tới ga tàu, nhưng phát hiện ra rằng không còn chuyến tàu nào tới Vũ Hán nữa. Cô gọi cho cảnh sát, nhưng được đề nghị tới một nơi ở tạm dành cho người vô gia cư. Cô gọi cho đường dây nóng của thị trưởng Vũ Hán, nhưng không ai trả lời. Ludougao thậm chí tới bệnh viện để kiểm tra sức khỏe, nhưng vẫn không khách sạn nào nhận cô. Ludougao liên lạc với hơn 10 khách sạn và nhà nghỉ, nhưng tất cả đều từ chối cô.
“Tôi không thể hiểu nổi. Cứ cho là tất cả người Vũ Hán đều là “xác chết di động” đi chăng nữa, thì để kiểm soát dịch bệnh bùng phát, chẳng phải tôi nên được cho vào trong nhà hay sao? Còn bây giờ tôi buộc phải ra ngoài, trong khi tôi không biết đi đâu”, Ludougao cho biết.
Nhiều người ở Trung Quốc cũng rơi vào tình cảnh khốn khổ như Ludougao. Tại tỉnh Vân Nam, nhiều khách du lịch từ Hồ Bắc, những người không biết phải trú chân ở đâu, đã gọi cho chính quyền nhờ giúp đỡ. Sở Du lịch và Văn hóa tỉnh Vân Nam sau đó đã ra thông báo, đề nghị mỗi thành phố phải sắp xếp ít nhất 1 khách sạn tiếp nhận người Vũ Hán. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ, có bao nhiêu khách du lịch từ Vũ Hán nắm được thông tin về những khách sạn này.
Khi ngày càng nhiều hãng hàng không quốc tế hủy các chuyến bay tới Vũ Hán, nhiều khách du lịch từ Vũ Hán bị mắc kẹt ở nước ngoài. Tính đến ngày 27/1, vẫn còn hơn 4.000 khách du lịch Vũ Hán ở nước ngoài.
Dân làng kỳ thị
Ngoài khách du lịch, các chính quyền địa phương ở Trung Quốc cũng cảnh giác cao độ với những người di chuyển từ Vũ Hán về quê đón Tết.
Tại một số thành phố như Thượng Hải và Quảng Châu, các nhà chức trách có nhiệm vụ gõ cửa từng nhà để tìm những người trở về từ Vũ Hán, sau đó báo tin cho chính quyền địa phương. Một số người lo lắng tới mức, họ đã gọi cho cảnh sát khi phát hiện xe ô tô mang biển Vũ Hán xuất hiện tại nơi họ sống.
Tại các vùng nông thôn, một số ngôi làng đã cắt cử người dân ra gác cổng, ngăn không cho bất kỳ ai trở về từ Vũ Hán vào làng. Những hình ảnh xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy nhiều ngôi làng dùng cả xe tải, máy xúc, đá tảng hay cây, thậm chí đào hố, để ngăn người trở về từ Vũ Hán vào làng.
Ở một số nơi, những người trở về từ Vũ Hán bị dân làng cách ly. Một số video ghi lại cảnh những ngôi nhà có người trở về từ Vũ Hán bị dán niêm phong, hoặc bị phong tỏa bằng thanh gỗ hay kim loại.
Hình ảnh từ một đoạn video cho thấy một ngôi nhà bị dán băng rôn với dòng chữ: “Ngôi nhà này có người trở về từ Vũ Hán, vui lòng không tiếp xúc với họ”.
Thành Đạt
Tổng hợp