1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nỗi dằn vặt của đàn ông Ukraine ở nước ngoài

Quốc Đạt

(Dân trí) - Hai tuần trước khi Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại quê hương mình, Viktor Lesyk đã chuyển từ Lviv ở miền Tây Ukraine đến sống tại Kraków, Ba Lan vì yêu cầu công việc.

Nỗi dằn vặt của đàn ông Ukraine ở nước ngoài - 1

Viktor Lesyk phải vật lộn với lựa chọn trở lại tham gia cuộc xung đột ở quê nhà Ukraine (Wall Street Journal).

Khi xung đột bùng nổ, Lesyk - chuyên gia công nghệ thông tin 25 tuổi - đã nghĩ đến việc trở về để đóng góp vào công tác bảo vệ tổ quốc. Nhưng anh cuối cùng quyết định ở lại nước ngoài do không nghĩ ra mình sẽ đảm nhận vai trò gì.

"Có lẽ tôi không đủ sức" đánh trận, Lesyk nói, khi chiến sự đã xảy ra được hơn một năm rưỡi.

Trong những ngày đầu xung đột, hàng ngàn người Ukraine đã tình nguyện rời bỏ cuộc sống ở nước ngoài để trở về quê hương tham chiến. Nhưng những người khác theo dõi cuộc xung đột từ xa do không muốn ra trận hoặc do đã có cuộc sống ổn định ở nước ngoài.

Sự rạn nứt giữa những người ở lại và những người ra đi hoặc không về nước đang ngày một lớn dần, trong lúc tiền tuyến cần binh sĩ mới và Kiev đang tìm cách tái thiết. Điều này có thể đe dọa sự phục hồi lâu dài của Ukraine.

Cá nhân và đất nước

Lúc này, Lesyk đã bị những người bạn nhập ngũ cắt liên lạc. Anh cũng bị một cô bạn quay lưng sau khi mất người quen trên chiến trường. Điều đó khiến Lesyk phải suy nghĩ: "Tại sao tôi không ở đó, tại sao những người khác lại chiến đấu vì tôi?".

Nhưng bất chấp cảm giác tội lỗi gặm nhấm và mâu thuẫn đạo đức giằng xé bên trong, Lesyk vẫn dự định ở lại nước ngoài miễn là có cơ hội làm việc.

Nỗi dằn vặt của đàn ông Ukraine ở nước ngoài - 2

Một nhóm đàn ông Ukraine trở về nước để tham gia chiến đấu, qua cửa khẩu ở Medyka, Ba Lan, ngày 27/2/2022 (Ảnh: Reuters).

Khi cuộc xung đột vẫn tiếp diễn, Ukraine có thể đánh mất một thế hệ tài năng. Những người trẻ này càng rời xa quê hương và cuộc đấu tranh chống lại Nga, Ukraine sẽ càng khó thu hút họ trở về để bổ sung lực lượng và xây dựng lại nền kinh tế.

Đằng sau mỗi quyết định tránh quân dịch là những tính toán phức tạp dựa trên quá khứ, gia đình, cảm xúc, cơ hội và tham vọng, khiến Ukraine không thể đưa ra một biện pháp chung để kéo mọi người quay về.

Một số nam đàn ông Ukraine ở nước ngoài cho biết, họ luôn xung đột giữa tham vọng cá nhân và nghĩa vụ đối với đất nước. Họ biết nếu về nước mình có thể phải tòng quân, nhưng cũng hiểu rằng sự trở về của họ sẽ tăng cường quân số ở tiền tuyến và nâng cao tinh thần của đồng bào.

Mâu thuẫn ấy đè nặng lên tâm lý.

"Tôi bị khủng hoảng tinh thần khi tôi thực sự muốn quay trở lại. Tôi đang nghĩ đến việc tình nguyện cho cơ quan y tế", Anatoly Nezgoduk, 20 tuổi, đang học ở Mỹ và dự định làm việc ở Canada, cho biết.

Bố của Nezgoduk, người từng phục vụ trong quân đội, đã thuyết phục con trai không quay về Ukraine trong những ngày đầu xung đột vì thiếu kinh nghiệm.

"Đôi khi tôi cảm thấy như mình đang ở không đúng chỗ", Nezgoduk nói. Nỗi nhớ nhà và tâm lý hoài nghi bản thân khiến anh thụt lùi trên lớp.

Nỗi dằn vặt của đàn ông Ukraine ở nước ngoài - 3

Một số đơn vị Ukraine lúc này cần được luân chuyển về hậu phương để hồi sức (Ảnh: New York Times).

Theo Sofiya Terlez, một nhà tâm lý học lâm sàng, nhiều người đàn ông Ukraine ở nước ngoài đặt ra câu hỏi về vai trò của mình trong cuộc xung đột với Nga.

"Chiến tranh, cảm giác tội lỗi, nỗi đau chia ly với người thân. Tất cả trở thành tấm phông nền đen tối mà trên đó, những niềm vui đơn giản hàng ngày đều biến mất", Terlez nói.

Serhiy Ikonnikov, 24 tuổi, đã ký hợp đồng 3 năm với lực lượng vũ trang Ukraine sau khi bạn anh thiệt mạng nơi tiền tuyến. Anh kể mình vẫn nói chuyện với những người bạn Ukraine ở lại nước ngoài và mình hiểu lựa chọn của họ.

"Nhưng thực tế của giao tranh là những người lính hiện nay đã rất mệt mỏi. Họ cần người thay thế để có thể nghỉ ngơi và hồi phục", Ikonnikov, người đã đóng quân quanh Vuhledar, gần tiền tuyến, kể từ tháng 12 cho biết.

Khoảng cách ngày một lớn

Một số đàn ông Ukraine đã rời đất nước khi xung đột bùng nổ vào tháng 2/2022. Số khác quyết định trốn sau thời điểm đó, gây ra sự phẫn nộ trong số những người còn ở lại. Thiết quân luật của Ukraine cấm hầu hết đàn ông từ 18 đến 60 tuổi xuất cảnh.

Borys Khmelevskiy và một người bạn thân từng tham gia phong trào lật đổ nhà lãnh đạo thân Nga của Ukraine vào năm 2014. Thời điểm đó, 2 người có chung tầm nhìn về đất nước và người bạn hứa sẽ ở lại chiến đấu nếu có giao tranh.

Nhưng khi xung đột bùng nổ, người bạn của Khmelevskiy bỏ đi. Khmelevskiy cũng đã cắt liên lạc với người bạn kể từ đó.

Nỗi dằn vặt của đàn ông Ukraine ở nước ngoài - 4

Một người bố khóc khi nói lời tạm biệt với gia đình trước chuyến tàu sơ tán tại ga xe lửa trung tâm ở Odesa, Ukraine, vào ngày 7/3/2022 (Ảnh: AFP).

Pavel Pimkin, sinh viên 21 tuổi người Ukraine ở Anh, kể rằng tại các sự kiện dành cho cộng đồng hải ngoại gần đây, mình đã gặp một số người đàn ông ở độ tuổi cuối 20 mới đến nước này.

"Người ta đặt ra các câu hỏi dành cho họ: Không phải tại sao họ lại ở đây mà là bằng cách nào?", Pimkin nói.

Một quân nhân khác, Andrii Kulibaba, 28 tuổi, cho biết ngay từ đầu xung đột, một số người quen đã nhờ mình trốn thoát nhưng anh từ chối. Anh nói đàn ông Ukraine nên sẵn sàng thay thế những người buộc phải rời mặt trận.

"Bạn không thể nói, "Tôi không biết cách, tôi không được sinh ra để đánh trận", Kulibaba kể.

Andrii Bilovusiak, 22 tuổi, đã bỏ học phần quân sự trong chương trình đại học vì điều này có thể khiến anh trở thành sĩ quan dự bị, để đi học thạc sĩ hành chính công ở Anh.

Từng làm việc trong lĩnh vực chính sách và tư vấn khi xung đột bắt đầu, Bilovusiak cho rằng với tấm bằng này, mình sẽ có ích với đất nước hơn là tham gia cuộc chiến. Anh nói sẽ cân nhắc lại quyết định của mình mỗi năm nhưng dự kiến không về nước trước năm 2025.

Kulibaba dự đoán rằng những người đợi cho đến khi xung đột kết thúc mới quay trở lại để tham gia công tác tái thiết có thể phải đối mặt với sự chỉ trích gay gắt.

"Mọi người đều có quyền như nhau", Kulibaba nói. "Nhưng vấn đề ở đây là những người này đã không bảo vệ đất nước".

Theo WSJ