1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Nội chiến Yemen và sự hình thành "NATO Trung Đông"

Trước các mối đe dọa từ Iran cũng như quân nổi dậy Shiite tại khu vực, lãnh đạo các nước thuộc Liên đoàn Arập (AL) hôm 29/3 đã có cuộc họp tại thành phố duyên hải Sharm el-Sheikh (Ai Cập), đồng ý về mặt nguyên tắc thành lập một lực lượng quân sự chung.

Phát biểu trước báo giới, Tổng thư ký AL Arab Nabil Elaraby nói rằng, các nước thành viên đều đồng tình với kế hoạch này, coi đây là một bước đi mang tính lịch sử. Khi hình thành, liên minh này sẽ đảm nhận sứ mệnh chống lại các tổ chức khủng bố gây đe dọa nghiêm trọng tới an ninh và ổn định của các quốc gia Arập; cụ thể là can dự vào các điểm nóng, bị các nhóm phiến quân Hồi giáo đe dọa. Dự kiến, đại diện các nước thành viên AL sẽ nhóm họp trong tháng 4 để nghiên cứu phương thức thành lập lực lượng.

Lãnh đạo các nước Liên đoàn Arập nhóm họp tại Sharm el-Sheikh hôm 29/3
Lãnh đạo các nước Liên đoàn Arập nhóm họp tại Sharm el-Sheikh hôm 29/3

Giới phân tích nhận định, đây là bước tiến lớn khi mà lần đầu tiên một “quân đội chung” được thành lập, hoạt động dưới danh nghĩa các nước Ảrập. Có thể xem đây là mô hình “NATO Trung Đông” mà một số nước trong khu vực muốn hướng tới, mà ở đó có thể có hoặc không vai trò lãnh đạo trực tiếp của Mỹ.

Thông tin sơ bộ cho thấy, liên minh này dự kiến có khoảng 40.000 quân, chủ yếu đến từ các nước Hồi giáo dòng Sunni tại khu vực; trụ sở chính sẽ được đặt tại Riyadh hoặc Cairo. Vũ khí bao gồm máy bay, tàu chiến… do các nước thuộc Hiệp hội các nước vùng Vịnh (GCC) và Ai Cập (từ nguồn viện trợ của Mỹ) đóng góp. Saudi Arabia – nước giàu có nhất trong liên minh, sẽ là nhà tài trợ chủ yếu về mặt tài chính. Về mặt chiến lược, tổ chức quân sự này được cho là sẽ đáp ứng được mục tiêu của “bộ ba” Mỹ, Israel và Saudi Arabia.

Thời điểm chín muồi?

Từ nhiều thập kỉ qua, phương Tây luôn xem AL là một tổ chức không hiệu quả khi không giải quyết được các thách thức tại khu vực, chứ chưa nói đến vấn đề gây tranh cãi như lập Liên minh quân sự. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, một kỉ nguyên mới có thể đang mở ra. “Chảo lửa” Yemen lần này được xem là nhân tố đưa tới quyết định của khối Arập, với đầu tàu là Saudi Arabia.

Lãnh đạo các nước Liên đoàn Arập nhóm họp tại Sharm el-Sheikh hôm 29/3
Một tay súng Houthi đứng trên đống đổ nát sau trận không kích của liên minh Arập gần sân bay Sanaa hôm 26/3 (Ảnh: AP)

Quân nổi dậy Houthi mở cuộc phản công và kiểm soát thủ đô Sanaa từ hồi tháng 9/2014. Tổng thống bị thất sủng Abed Rabbo Mansour Hadi, một đồng minh thân cận của Mỹ, đã phải rời tới thành phố Aden miền Nam và cuối cùng là chạy ra nước ngoài hồi tuần trước. Phát biểu tại Sharm el-Sheikh, ông Hadi cáo buộc Iran đứng sau cuộc tấn công của phiến quân Houthi.

Joshua Landis, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma nhận định, các lực lượng theo đường lối bảo thủ tại khu vực đang cố gắng tìm ra lời giải đáp cho những thách thức tại khu vực mà Mỹ đã chưa công khai đảm nhận, nhất là về “mối đe dọa Iran”. Tuyên bố Sharm el-Sheikh được phát đi chỉ sau ít ngày liên quân do Saudia Arabia đứng đầu mở các cuộc không kích vào quân nổi dậy Hoithu ở Yemen (được cho là do Tehran hậu thuẫn).

Dường như Saudi Arabia và nhiều quốc gia trong khu vực thực sự quan ngại trước viễn cảnh Iran sẽ nhúng tay vào các vấn đề ở Trung Đông, nhất là ngay trước thời điểm Tehran có khả năng đạt được thỏa thuận hạt nhân sơ bộ với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức). Những người Sunni lo sợ, sau khi có thỏa thuận này, tình hình Liban, Yemen, Bahrain - những nước do người Hồi giáo dòng Sunni lãnh đạo và người Shiite là thiểu số, có thể sẽ là địa bàn gây ảnh hưởng của Tehran.

Phiến quân Houthi biểu tình ở Sanaa phản đối không kích (Ảnh: AP)
Phiến quân Houthi biểu tình ở Sanaa phản đối không kích (Ảnh: AP)

Thế nhưng Riyadh và truyền thông phương Tây đã thổi phồng ảnh hưởng, mức độ can dự của Iran tại Yemen. Bà Nussaibah Younis, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Dự án Dân chủ Trung Đông nhìn nhận, sở dĩ phong trào Houthi phát triển rộng khắp ở Yemen chủ yếu là do tổ chức này đã liên kết được với thế lực của cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh, cộng hưởng thêm là từ giới dân nghèo. Theo bà, Iran không phải là nguyên nhân hay người chơi chính trong cuộc nội chiến tại Yemen.

Saudi Arabia đã sử dụng nội chiến Yemen cùng với chiến dịch tuyên truyền bài Iran tại khu vực để thúc đẩy sự hình thành của “NATO Trung Đông”. Từ nay đến khi liên minh chính thức ra đời, sẽ có nhiều bước chuyển động bên trong thế giới Arập. Đơn cử như trường hợp của Ai Cập. Quốc gia này cam kết sẽ gửi quân tới Yemen, “nhưng họ chỉ làm điều đó nếu nhận được điều tương ứng. Họ hành động bởi Saudi Arabia đang xóa khoản nợ hơn 10 tỉ USD cho Cairo”, ông Landis bình luận. GCC cũng đã viện trợ 20 tỉ USD, cùng với đó là khoản cam kết 12 tỉ USD cho việc xây dựng thủ đô “Cairo mới”.

Theo Hoài Thanh/Washingtontimes, Sputniknews