1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Sri Lanka:

Nội chiến kết thúc, hoà bình chưa ló dạng

(Dân trí) - Cuộc nội chiến kéo dài gần 3 thập kỷ ở Sri Lanka dường như đã đến hồi kết, nhưng giới phân tích cho rằng hoà bình vẫn là mục tiêu xa vời do những mâu thuẫn sắc tộc lâu nay ở đất nước này không dễ hoà giải trong một sớm một chiều.

Nội chiến kết thúc, hoà bình chưa ló dạng - 1

Quân đội Sri Lanka đã kiểm soát vùng chiến sự Đông Bắc.

Kết cục kịch tính

 

Trong tuyên bố mới nhất, quân chính phủ cho biết đã tiêu diệt toàn bộ ban lãnh đạo lực lượng nổi dậy Những con Hổ giải phóng Tamil (LTTE), kể cả thủ lĩnh sáng lập tổ chức này. Và lần đầu tiên từ 26 năm nay, Sri Lanka nói toàn bộ lãnh thổ của đảo quốc đã được đặt trở lại dưới sự kiểm soát của chính phủ.

 

Các phương tiện thông tin đại chúng Sri Lanka loan báo chiến thắng toàn diện. Thủ lĩnh LTTE là Velupillai Prabhakaran, kiến trúc sư của cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của hơn 70.000 người trong 3 thập kỷ qua, cùng các chỉ huy cấp cao khác của lực lượng này đã thiệt mạng trong khi tìm cách phá vòng vây của quân chính phủ để chạy trốn.

 

Người dân đổ ra đường hoan nghênh tuyên bố chiến thắng này. Trong khi đó, phong trào chống phương Tây đã bị kích động mạnh trong cộng đồng người Sinhall chiếm đa số ở Sri Lanka, đặc biệt nhằm vào công dân Anh, Mỹ và Na Uy. Những người ủng hộ chính phủ bất mãn trước cảnh báo của London rằng Colombo sẽ phải đương đầu với những “hậu quả tai hại” vì đã không ngăn chặn cuộc giao tranh để các cơ quan cứu trợ nhân đạo vào được vùng chiến đấu.

 

Liên Hợp Quốc ước tính 220.000 người phải sống trong trại tị nạn, trong đó có 20.000 người chạy khỏi khu chiến sự.

 

Tuần trước, LTTE nói rằng hàng ngàn thường dân người Tamil đã chết vì bị quân đội pháo kích. Sri Lanka lên án phiến quân là nhắm mục tiêu vào bất cứ thường dân nào tìm cách chạy trốn.

 

Mâu thuẫn không dễ hoà giải

 

Cuộc xung đột tại đất nước có khoảng 20 triệu dân này xuất phát từ sự đố kỵ giữa một bên là đa số người Sinhall (chiếm 74% dân số) và bên kia là sắc tộc Tamil (chiếm 12,5% dân số). Vấn đề hiện nay với chính phủ của Tổng thống Mahinda Rajapakse là phương cách xoa dịu đố kỵ này.

 

Năm 1815, thực dân Anh đã áp dụng chính sách “chia để trị”, tạo thuận lợi cho sắc tộc thiểu số Tamil. Khi giành được độc lập vào năm 1948, người Sinhal đã tìm mọi cách giành lại những vị trí do người Tamil nắm giữ. Điều này đã làm dấy lên những căng thẳng giữa hai nhóm cộng đồng.

 

Năm 1972, Velupillai Prabhakaran đã lập ra tổ chức đòi độc lập LTTE, khai thác triệt để tinh thần dân tộc chủ nghĩa Tamil và sự bực bội của cộng đồng thiểu số này. Sau vụ hàng trăm người Tamil bị thiệt mạng trong các cuộc nổi dậy, đụng độ với lực lượng an ninh chính phủ, năm 1983, cuộc chiến đã bùng nổ và lan rộng trên quy mô lớn. Năm 2006, phe Tamil đã kiểm soát tới một phần ba lãnh thổ nước này, ở phía Đông Bắc. Tuy nhiên, từ đầu tháng giêng, quân đội  Sri Lanka đã mở các đợt tấn công dồn dập vào nơi đây.

 

Trước chiến thắng quân sự lần này, Tổng thống Sri Lanka luôn tuyên bố sẽ tìm kiếm một giải pháp chính trị, thông qua một thỏa thuận phân quyền giữa các cộng đồng. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng chiến thắng quân sự không tất yếu dẫn đến ổn định chính trị và hòa bình tại Sri Lanka.

 

Trên trang web thân LTTE, một thủ lĩnh của Hổ Tamil từng tuyên bố thất bại quân sự có tính chất qui ước sẽ không chấm dứt cuộc xung đột, mà ngược lại, “sẽ làm cho cuộc khủng hoảng leo thang tới những tầm cao không thể biết trước.”

 

Nhật Mai

Theo Reuters, AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm