1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nỗi ám ảnh toàn cầu mang tên khủng bố

Một báo cáo mới được công bố bởi Viện Kinh tế và Hòa Bình (có trụ sở tại Sydney, Australia) cho thấy, chủ nghĩa khủng bố gia tăng mạnh mẽ trên toàn cầu trong năm 2014 với số người thương vong lớn chưa từng có.

Bản báo này được "minh chứng" bằng vụ khủng bố đẫm máu ở Paris hôm 13/11 vừa qua khiến 129 người thiệt mạng. Khủng bố đang là "bóng ma" đe dọa an ninh của tất cả các quốc gia trên thế giới.

32.658 người chết vì khủng bố trong năm 2014

Chỉ số về khủng bố (GTI) do Viện Kinh tế và Hòa bình đưa ra cho thấy, các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng bố đều nằm ở khu vực Trung Đông và Châu Phi. 5 quốc gia "trọng điểm" của khủng bố gồm Afghanistan, Iraq, Nigeria, Pakistan và Syria. 78% các trường hợp tử vong được ghi nhận xảy ra ở các quốc gia này. Trong năm 2014, số lượng người chết do khủng bố tăng lên 32.658 người, "mức cao nhất trong lịch sử".

Con số này tăng 80% so với năm 2013 (năm 2013 ghi nhận 18.111 người chết vì khủng bố). Ông Steve Killelea, Giám đốc của Viện Kinh tế và Hòa bình cho biết, số quốc gia có trên 500 người chết vì khủng bố đã tăng lên con số 11. Một số quốc gia mới xuất hiện trong danh sách này là Cameroon, Ukraine và Cộng hòa Trung Phi.

"Khủng bố đang lan rộng trên toàn thế giới và phát triển với tốc độ nhanh chưa từng có. Để có được kết quả thống kê này, Viện Kinh tế và Hòa bình đã phải đưa ra các tiêu chí thống kê rõ ràng. Chúng tôi đã sử dụng dữ liệu được cung cấp bởi trường Đại học Maryland ở Mỹ. Khái niệm khủng bố cũng được xác định rõ là hành vi bạo lực của một tổ chức phi chính phủ để đạt được kết quả về chính trị, kinh tế hoặc tôn giáo. Bên cạnh đó, các quốc gia được phân hạng theo bốn tiêu chí: số vụ, số người chết, số người bị thương và thiệt hại kinh tế do các cuộc tấn công khủng bố gây ra", ông Steve Killelea nói.

Theo ông Steve Killelea, Iraq là quốc gia có chỉ số GTI cao nhất thế giới với 3.370 vụ tấn công khủng bố hoặc "sự cố", 9.929 trường hợp tử vong. Nigeria đứng ở vị trí thứ ba với 7512 người tử vong vào năm 2014, tăng 300% so với năm trước đó. Pháp đứng ở vị trí thứ 36, với 11 sự cố, một người chết và bốn người bị thương. Trong năm 2015, với hàng loạt vụ tấn công xảy ra, gần đây nhất là vụ khủng bố Paris khiến 129 người thiệt mạng, ông Killelea ước tính rằng, chỉ số khủng bố của Pháp có thể sẽ "lên hạng" ở vị trí thứ 18 hoặc 19 trong năm 2015.

Nỗi ám ảnh toàn cầu mang tên khủng bố - 1

Số người chết vì khủng bố năm 2014 tăng 80% so với năm 2013.

"Tử thần" mang tên Boko Haram và IS

Ông Killelea cho biết, có một "liên kết giữa các cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay với khủng bố và xung đột". 10 trong số 11 quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi khủng bố cũng là những quốc gia có số lượng người di cư và tị nạn cao nhất thế giới. "Sự gia tăng đáng kể của hoạt động khủng bố có nghĩa là sự phân nhánh của nó đã xuất hiện rộng rãi hơn trên thế giới", ông Killelea nói thêm.

Tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất trong năm 2014 được xác định là Boko Haram ở Nigeria. Cùng với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), Boko Haram chịu trách nhiệm hơn 1/2 tổng số người thiệt mạng vì khủng bố trong năm 2014. Tuy nhiên, trên thực tế, số người chết vì hành động khủng bố điên cuồng của hai nhóm này có thể còn cao hơn vì không phải tất cả các cuộc tấn công Boko Haram và IS đều lên tiếng nhận trách nhiệm. Theo thống kê, 77% số nạn nhân của Boko Haram và 44% số nạn nhân của IS là dân thường.

"Chúng tôi nhận thấy có một sự thay đổi trong chiến thuật hoạt động của các nhóm khủng bố trong vòng 12 tháng qua", ông Killelea nói. "Cái chết của dân thường đã tăng hơn 170%. Boko Haram và IS đang tấn công nhằm vào dân thường nhiều hơn so với trước đó", ông Killelea nói tiếp.

Theo nghiên cứu này, các quốc gia phương Tây có nguy cơ bị tấn công khủng bố từ trào lưu Hồi giáo, dễ bị tấn công từ những "con sói đơn độc" - thuật ngữ chỉ những phần tử do cực đoan chính trị, theo chủ nghĩa dân tộc hay chủng tộc và tôn giáo. Các cuộc tấn công ở Paris và tuyên bố nhận trách nhiệm của IS có thể cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của khủng bố.

"Vụ khủng bố ở thủ đô Paris đặt ra nhiều vấn đề trong công tác chống khủng bố. Nó cho thấy rằng, IS hoàn toàn có khả năng tổ chức các cuộc tấn công tinh vi và gây chết người ở châu Âu. Công dân đang trở thành mục tiêu hàng đầu của các chiến binh Hồi giáo", ông Killelea cảnh báo. Ông Killelea cho biết thêm, chi phí cho cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu ước tính đã lên đến con số 49,6 tỷ euro, tăng 10 lần so với năm 2000 và là mức chi phí cao nhất từng được báo cáo.

Theo Mạnh Tường (tổng hợp)

Cảnh sát toàn cầu