1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tổng thống Mỹ Obama tuyên chiến với khủng bố

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu đáng chú ý được truyền hình trực tiếp từ Nhà Trắng về vấn đề chống khủng bố. Thông điệp được đưa ra nhằm trấn an người dân sau vụ xả súng tại California làm 14 người chết gần đây.


Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ảnh: Getty Image)

Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ảnh: Getty Image)

Tổng thống Mỹ Obama tuyên chiến với khủng bố

Trong bài phát biểu tại phòng Bầu Dục, ông Obama thừa nhận dư luận đang cảm thấy bất an sau vụ tấn công ở Paris hôm 13/11 và vụ xả súng ở San Bernardino (California) hồi tuần trước. Ông Obama cho rằng, vụ xả súng ở California là “hành động khủng bố” nhưng không phải do nhận lệnh trực tiếp từ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iran và Syria.

“Mối đe dọa khủng bố đang phát triển sang một giai đoạn mới. Mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố là có thật, nhưng chúng ta sẽ vượt qua nó. Chúng ta sẽ tiêu diệt IS và các tổ chức khủng bố khác đang tìm cách làm hại chúng ta”, ông Obama nói.

Ông nhấn mạnh, IS không đại diện cho toàn bộ người Hồi giáo và Mỹ không đối đầu với các nước Hồi giáo. Do đó, Mỹ kêu gọi thế giới Hồi giáo cùng chung tay chống chủ nghĩa cực đoan, hợp tác với phương Tây trong cuộc chiến chống IS.

Cho rằng cuộc chiến chống IS sẽ còn kéo dài, ông Obama hối thúc Quốc hội cho phép sử dụng lực lượng quân sự chống lại tổ chức này. Ông cũng cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục các cuộc không kích, sử dụng lực lượng đặc nhiệm và huấn luyện cho lực lượng quân sự địa phương và phe nổi dậy chống IS ở Iraq và Syria. “Chúng tôi sẽ tiếp tục huấn luyện và cung cấp trang thiết bị cho hàng chục nghìn binh sỹ ở Iraq và Syria đang chiến đấu với IS trên mặt đất để phá hủy các sào huyệt của chúng”, ông Obama nói.

Người đứng đầu Nhà Trắng cũng cam kết sẽ không để Mỹ tham gia sâu vào cuộc chiến trên bộ bởi ông cho rằng điều này có thể càng khiến IS trỗi dậy và khiến Mỹ mất hàng nghìn binh sỹ và làm tổn hao nguồn lực của Mỹ.

Kể từ sau vụ khủng bố 11/9/2001, chủ nghĩa khủng bố, an ninh quốc gia đang trở thành những chủ đề được quan tâm trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ 2016 và chi phối các cuộc tranh luận về chính trị. Theo khảo sát mới đây của CNN, 60% người Mỹ phản đối chính sách đối phó khủng bố của ông Obama. Trong khi đó, khoảng 2/3 số người được khảo sát cho rằng họ không ủng hộ chính sách đối phó IS của chính quyền Obama.

Trong bài phát biểu, ông Obama cũng kêu gọi Quốc hội đánh giá lại luật sở hữu súng đạn, nguyên nhân khiến loại vũ khí sát thương phổ dụng khắp nước Mỹ. "Những người nằm trong danh sách cấm bay không nên được sử dụng súng", ông Obama nói.

Đây là lần thứ ba trong 2 nhiệm kỳ gần 8 năm qua ông Obama lại có bài phát biểu kéo dài 15 phút tại Phòng Bầu dục trong Nhà Trắng. Bài phát biểu diễn trong bối cảnh IS đang trỗi dậy và đe dọa an ninh không chỉ của Mỹ mà còn nhiều quốc gia trên thế giới. Hai lần đầu đều vào năm 2010 khi Mỹ tuyên bố dừng chiến dịch quân sự ở Iraq và sự cố tràn dầu ở vịnh Mexico.

Ngoài ra, ông Obama từng có những bài phát biểu quan trọng ở Nhà Trắng về việc truy quét và tiêu diệt Osama bin Laden, chiến dịch can thiệp quân sự ở Syria, vấn nạn người nhập cư và các chủ đề khác.

Đề nghị xét lại chương trình miễn thị thực 

Trong bài phát biểu, ông Obama cũng đề nghị Bộ An ninh Nội địa và Bộ Ngoại giao xét lại chương trình miễn thị thực K-1 mà nghi phạm Tashfeen Malik đã lợi dụng để đặt chân đến Mỹ và thực hiện vụ xả súng ở California tuần trước.

Chính phủ Mỹ đang tiến hành một loạt sửa đối đối với chương trình miễn thị thực nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn du khách từ 38 quốc gia được miễn thị thực khi nhập cảnh vào Mỹ. Theo chương trình miễn thị thực K-1, công dân nước ngoài được phép tới Mỹ để kết hôn với công dân Mỹ. 

Thực tế, nếu lợi dụng chương trình này, IS có thể đưa các thành viên của tổ chức vào Mỹ chỉ với động tác đăng ký trực tuyến thị thực kết hôn (K-1) thời hạn 90 ngày chỉ với 375 USD. Hiện có ít nhất 10 công ty trực tuyến cung cấp dịch vụ này.

Số người thuộc diện miễn thị thực K-1 ở Mỹ đang có sự tăng trưởng nhanh chóng từ khoảng 30.300 người năm 2013 lên 41.500 người năm 2014.

Minh Phương

Theo New York Times, Telegraph

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm