1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Nợ Mỹ đổi chủ

Lần đầu tiên kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Nhật Bản vừa "qua mặt" Trung Quốc để trở thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ.

Sự kiện Nhật Bản trở thành quốc gia sở hữu nhiều nhất trái phiếu kho bạc Mỹ - vị trí mà Tokyo từng để mất vào tay Bắc Kinh hồi tháng 8-2008 - cho thấy những thay đổi lớn trong chính sách quản lý nợ nước ngoài của cả Trung Quốc và Nhật Bản.

Nhật Bản đẩy mạnh mua trái phiếu Chính phủ Mỹ như một giải pháp kích thích tăng trưởng kinh tế

Nhật Bản đẩy mạnh mua trái phiếu Chính phủ Mỹ như một giải pháp kích thích tăng trưởng kinh tế

Theo báo cáo hằng tháng vừa được Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 15-4, tổng giá trị lượng trái phiếu kho bạc Mỹ mà nước ngoài nắm giữ đã giảm 0,9% trong tháng 2 vừa qua xuống 6.160 tỷ USD, từ mức kỷ lục 6.220 tỷ USD trong tháng 1. Tính đến hết tháng 2-2015, giá trị lượng trái phiếu Mỹ mà Nhật Bản nắm giữ là hơn 1.224 tỷ USD trong khi giá trị lượng trái phiếu Mỹ mà Trung Quốc, nước thường xuyên sở hữu nhiều trái phiếu Mỹ nhất (không bao gồm sở hữu của Hong Kong), có được trong tháng 2 vừa qua là hơn 1.223 tỷ USD, giảm 1,2%.
 
Giá trị lượng trái phiếu kho bạc Mỹ mà hiện Nhật Bản sở hữu mặc dù cũng giảm 1,1% so với tháng 1 nhưng vẫn cao hơn Trung Quốc 700 triệu USD. Nếu so với cùng kỳ năm 2014, lượng trái phiếu kho bạc Mỹ mà Nhật Bản nắm giữ cao hơn 13,6 tỷ USD, trong khi của Trung Quốc lại thấp hơn tới 49,2 tỷ USD. Khi so sánh xu hướng kinh tế ở hai nước hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng Nhật Bản có thể sẽ vượt Trung Quốc về lượng trái phiếu Mỹ sở hữu trong năm nay.
 
Thực tế cho thấy Trung Quốc đã soán ngôi vị trí chủ nợ số một này từ tay Nhật Bản năm 2008 khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và cuộc suy thoái sâu buộc chính quyền Washington phải vay mượn để trang trải các khoản thâm hụt của chính phủ. Trong giai đoạn này, mức thâm hụt tài chính của Mỹ đã vượt 1 nghìn tỷ USD hằng năm trong 4 năm liên tiếp. Lần lượt những năm sau đó, Trung Quốc vẫn giữ ngôi vị trên. Tuy nhiên, cán cân đã bắt đầu thay đổi: Từ đầu năm đến nay, cả Nhật Bản và Trung Quốc đều có động thái bán bớt các khoản nợ đối với Mỹ. Thế nhưng Trung Quốc đã bán ra lượng trái phiếu lớn hơn khiến Nhật Bản lần đầu tiên trở thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ.
 
Trước đây, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc thường mua trái phiếu Mỹ như một biện pháp cần thiết để giữ tỷ giá đồng nhân dân tệ thấp hơn so với đồng USD, khiến cho hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc trở nên cạnh tranh hơn. Những năm gần đây, tình thế đang có vẻ đảo ngược khi Trung Quốc cho phép đồng nhân dân tệ tăng dần mức giá trị so với USD. Vì thế, chính quyền Bắc Kinh bán dần trái phiếu Mỹ.
 
Việc nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại cũng là lý do khiến nước này giảm đầu tư ra nước ngoài và tìm cách đa dạng hóa đầu tư dẫn tới việc giảm đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ. Trong khi đó Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) lại vừa cam kết thúc đẩy nguồn cung tiền để hỗ trợ nền kinh tế và chống lạm phát thấp. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Tokyo sẽ "bơm" nhiều tiền ra nước ngoài hơn trong năm nay.
 
Nhật Bản bắt đầu thể hiện ảnh hưởng trên thị trường trái phiếu Chính phủ Mỹ từ hơn ba thập kỷ trước, khi nền kinh tế dựa vào xuất khẩu này bùng nổ thặng dư thương mại, giúp xứ sở Mặt trời mọc có tiền đổ vào trái phiếu kho bạc Mỹ hết năm này sang năm khác. Lý do Nhật Bản tăng cường mua nợ của đồng minh bên kia Thái Bình Dương là để bảo vệ đồng yên khỏi xu hướng tăng giá, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế trong nước.
 
Việc chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ giảm trong 15 năm trở lại đây cũng là lý do kích thích các nhà đầu tư Nhật Bản sở hữu trái phiếu kho bạc Mỹ trong dài hạn. Bên cạnh đó, chính sách kích thích kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe cũng làm đồng yên suy yếu nhất trong vòng 30 năm trở lại đây, góp phần củng cố sức hấp dẫn của các tài sản định giá bằng USD. Các nhà đầu tư Nhật Bản có xu hướng thích nắm giữ đồng bạc xanh vì tỷ lệ lợi nhuận cao hơn khi đầu tư vào các dự án bằng đồng tiền này.
 
Với mục tiêu đẩy nhanh tình trạng giảm phát của nền kinh tế cũng như đưa lạm phát tăng lên mức 2% vào năm 2016, BOJ bắt đầu thực hiện kế hoạch nới lỏng tiền tệ. Theo đó, Nhật Bản sẽ bơm tiền vào nền kinh tế để khiến đồng yên yếu hơn, đẩy lãi suất về lại mức 0%. Trong bối cảnh đó, việc mở rộng đầu tư ra nước ngoài bằng việc mua trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng là một giải pháp với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Sự kiện này cũng được các nhà hoạch định chính sách Mỹ chào đón, bởi sự gắn kết kinh tế chặt chẽ hơn sẽ giúp củng cố mối quan hệ đồng minh thân thiết giữa Tokyo và Washington.
Theo Đình Hiệp
Hà Nội mới