1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Niềm vui mong manh thời hậu “thắt lưng buộc bụng”

Trong khi cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và các đối tác nhằm tìm cách giảm bớt khoản nợ khổng lồ của nước này vẫn đi vào bế tắc, thì bầu không khí tại Hy Lạp có vẻ đã bớt ảm đạm hơn...

... với việc chính phủ mới quyết định từ bỏ các biện pháp "thắt lưng buộc bụng".

Chính phủ mới của Hy Lạp ngày 30-1 đã bắt đầu cuộc đàm phán đầu tiên với các đối tác trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), nhằm tìm cách giảm bớt "núi nợ" khổng lồ liên quan đến gói cứu trợ tài chính quốc tế trị giá 240 tỷ euro (269 tỷ USD) dành cho nước này. Cuộc đàm phán đã được dự báo là sẽ rất căng thẳng ngay từ trước khi nó diễn ra, bởi Liên minh châu Âu (EU) và Đức đều tuyên bố không ủng hộ việc cắt giảm các khoản nợ cho Hy Lạp, trong khi chính phủ mới tại Athens vẫn nuôi hy vọng có thể gây sức ép buộc các chủ nợ giảm một nửa số nợ hiện lên tới…175% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.

Các nhân viên tại Hy Lạp vui mừng được trở lại làm việc sau nhiều tháng thất nghiệp. Ảnh: AP

Các nhân viên tại Hy Lạp vui mừng được trở lại làm việc sau nhiều tháng thất nghiệp. Ảnh: AP

Trước đó, tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã gây bất ngờ khi đệ trình lên Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Martin Schulz một kế hoạch cải cách quy mô, nhằm tiến tới đàm phán lại về nợ quốc gia và chính sách kinh tế "thắt lưng buộc bụng" của nước này.

Theo ông Alexis Tsipras, chính phủ Hy Lạp đã xây dựng được một kế hoạch khôi phục lại tăng trưởng kinh tế mà không cần phải áp dụng các biện pháp khắc khổ như 5 năm qua. Kế hoạch này bao gồm các nhiệm vụ đấu tranh chống tham nhũng, cải cách quản lý nhà nước, triển khai hệ thống thuế ổn định và công bằng trên cơ sở lập danh mục các tài sản lớn của người dân. Kế hoạch trên sẽ được triển khai theo các định hướng chính như lập lại cân bằng ngân sách, tiến tới giảm "các mục tiêu không khả thi", thứ hai là tài trợ cho chương trình tái thiết quốc gia bao hàm một thỏa thuận mới với châu Âu.

Chủ tịch EP Martin Schulz cũng cho biết, Thủ tướng Hy Lạp đã bảo đảm rằng, nước này sẽ tìm kiếm "tiếng nói chung" với các thành viên của EU và Athens sẽ không tìm kiếm "giải pháp đơn phương" trong việc đàm phán lại về khoản cứu trợ tài chính nói trên.

Thế nhưng cuộc đàm phán ngày 30-1 vừa qua cuối cùng chỉ khiến bầu không khí giữa Athens và “bộ ba chủ nợ” gồm: EU, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thêm căng thẳng. Được biết, chính phủ mới ở Hy Lạp đã từ chối gặp các quan chức EU và IMF; đồng thời bác bỏ khoản cứu trợ tiếp theo trị giá 7,2 tỷ euro mà các chủ nợ dự định giải ngân vào ngày 28-2 tới nếu Athens hoàn tất các cải cách và kế hoạch cắt giảm chi tiêu ngân sách như đã cam kết.

Có vẻ như chính phủ mới của Hy Lạp đã quyết tâm “chia tay” với các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" và bỏ ngoài tai lời mời gọi từ các đối tác về những khoản cứu trợ mới. Mới đây, Đức cũng cho biết, sẵn sàng triển khai gói hỗ trợ tín dụng trị giá 20 tỷ euro để giúp đỡ Hy Lạp. Điều kiện để Athens nhận được gói tín dụng nói trên là chính phủ của ông Alexis Tsipras phải tiếp tục thực hiện các cam kết với nhóm "bộ ba chủ nợ".

Tuy nhiên, như lời quả quyết của Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis, chính phủ nước này muốn điều hành đất nước mà không cần khoản cứu trợ mới. Thay vào đó, Athens sẽ thương lượng lại với nhóm "bộ ba chủ nợ" về toàn bộ gói cứu trợ vỡ nợ thứ nhất trị giá 240 tỷ euro.

Ngay sau khi lên nắm quyền, Thủ tướng Alexis Tsipras khiến cả khu vực châu Âu giật mình lo ngại với tuyên bố chấm dứt chính sách kinh tế khắc khổ đổi lấy cứu trợ kinh tế mà nước này đã thực hiện suốt 5 năm qua, đồng thời ngừng các chương trình hợp tác với Nhóm Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu, còn gọi là Eurogroup. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, Hy Lạp sẽ phải chịu hậu quả nặng nề nếu không tiếp tục chính sách khắc khổ hiện nay và nếu không có những biện pháp này cũng như viện trợ quốc tế, vị trí của Hy Lạp trong Eurozone chắc chắn sẽ bị lung lay.

Theo Thời báo phố Walls, những biện pháp "thắt lưng buộc bụng" thời gian qua đã làm cho tỷ lệ thất nghiệp ở Hy Lạp lên tới 25%, khiến nhiều người phải sống ở mức dưới hoặc gần mức nghèo khổ. Nhưng nay thì các công sở đã bắt đầu tiếp nhận các nhân viên trở lại làm việc. Bên cạnh đó, Thủ tướng Alexis Tsipras dường như cũng biết cách sốc lại tinh thần rệu rã trong nước bằng những cam kết tăng lương tối thiểu, lương hưu cũng như trợ cấp cho người nghèo.

Chưa biết tương lai nền kinh tế Hy Lạp sẽ ra sao, song có thể thấy, việc chính phủ mới của Hy Lạp quyết định từ bỏ các biện pháp khắc khổ đang đem đến niềm vui cho nhiều người dân nước này. Nhưng chắc hẳn nhiều người Hy Lạp cũng đang tự hỏi, liệu niềm vui đó có kéo dài lâu và sau “thắt lưng buộc bụng” sẽ là điều gì?

Theo Trung Dũng
 Quân đội nhân dân