1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Niềm đam mê bóng bầu dục của anh hùng Argentina Che Guevara

(Dân trí) - Vị anh hùng du kích huyền thoại Argentina Che Guevara đã từng chơi bóng bầu dục trong nhiều năm. Ông cũng từng tham gia sáng lập ra tạp chí Tackle, chuyên viết về bóng bầu dục.

Trong rất câu chuyện viết về cuộc đời vị anh hùng huyền thoại Che Guevara, người ta đặc biệt chú ý đến một chi tiết rất thú vị, đó là ông rất mê bóng bầu dục. Môn thể thao này đã dạy ông cách vượt qua những khó khăn do bệnh suyễn gây nên và một số người lại nghĩ, đam mê này mang lại cho ông sự sáng suốt để tìm ra những giải pháp cho cuộc đấu tranh cách mạng.

 

Ông Ernesto Guevara Lynch, cha của người anh hùng nhớ lại: “Gia đình tôi luôn sống trong lo lắng trước tình trạng bệnh suyễn của Ernesto. Tôi không thể quên ngày Ernesto bất tỉnh do không thở được. Ngày 2/5/1930, chúng tôi phát hiện ra Ernesto bị bệnh khi nó mới hai tuổi. Nhiều năm sau đó, Ernesto đã phải trải qua nhiều đợt điều trị khó có thể tưởng tượng. Cuối cùng, bác sĩ yêu cầu chúng tôi chuyển đến sống một vùng có khí hậu thích hợp, đó là Alta Gracia”. Cũng chính tại nơi đây, cậu bé Che đã phát hiện ra bóng bầu dục. Đầu tiên, Che thử luyện sức với các cuộc đi bộ chặng dài đầy mệt mỏi, tiếp đến bơi lội và bóng đá. Mỗi khi chơi bóng, ông luôn được chọn ở vị trí thủ môn, nhưng ông không thể chơi xuất sắc ở vị trí này vì trong tay luôn có bình thuốc xông. 

 

Cho đến một ngày, ông nói với cậu bạn thân Alberto Granado về ý muốn được chơi bóng bầu dục. Alberto Granado kể lại: “Ernesto cùng tôi đến Estudiantes de Córdob, chi nhánh của câu lạc bộ El Tala lâu đời và giàu truyền thống nhất El Tala. Tôi từng chơi bóng ở đó với các anh trai và là huấn luyện viên đội 2. Vào khoảng tháng 9 hay 10/1942 gì đó, chúng tôi bắt đầu các bài tập thử. Ernesto bị suyễn nặng và ai cũng cảm thấy e ngại anh ấy không trụ lại được vì nhiều lần anh ấy đã ngất ngay trên sân tập. Bản thân tôi cũng gặp không ít sự phân biệt đối xử của đồng đội do cơ thể gầy còm và chậm chạp. Tôi nói với anh ấy: “Tôi sẽ dạy cậu” và anh ấy lao vào học”.

 

Guevara nhanh chóng thành công với những cú cản đối phương và được bạn bè đặt cho biệt danh là Fúser, chữ viết tắt từ “Serna Giận dữ”. (Serna là tên thời con gái của mẹ ông, người nâng đỡ ông rất nhiều trong cuộc chiến không mệt mỏi chống lại bệnh tật). Thời gian đó, người ta biết đến hình ảnh một cầu thủ bóng bầu dục Che Guevara bước vào sân thi đấu với bình xông trong tay, đặt nó trên ghế băng và thỉnh thưởng rời sân để hít.

 

Khi gia đình ông chuyển đến Buenos Aires, Ernesto đã ghi tên vào San Isidro Club (SIC) để tiếp tục sống với đam mê bóng bầu dục. Bố ông kể lại: “Các bác sĩ nói với tôi rằng môn thể thao này sẽ giết chết con trai tôi vì trái tim nó không đủ sức chịu đựng. Một ngày, tôi nói với nó điều đó và nó đã trả lời: “Cha ơi, con yêu bóng bầu dục và ngay cả khi kiệt sức, con vẫn sẽ tiếp tục chơi”. Trước sự bướng bỉnh như vậy, tôi đã phải dùng đến các biện pháp khác. Anh rể tôi là chủ tịch của SIC, tôi đã yêu cầu ông ấy hãy làm cách nào đó để Ernesto phải ra khỏi đội”.

 

Theo lời của nhiều người bạn, Che cảm thấy chán nản khi bị sa thải và sau đó, ông tham gia Atalaya, một câu lạc bộ bóng bầu dục khác trong vùng San Isidro. Phóng viên thể thao nổi tiếng của Argentina Diego Bonadeo cho biết, ông thường bắt gặp hình ảnh một cậu bé cầm bình xông chạy dọc sân thi đấu để sẵn sàng đưa cho Che mỗi khi ông cần. Thời gian chuyển sang thi đấu ở Atalaya, Che có một biệt danh khác: Chancho (Chú heo) do cái mũi hếch và lối chơi rất quyết liệt.

 

Ông Pablo Pirán, một người cháu của vị anh hùng nói: “Ông ấy yêu bóng bầu dục đến mức nghĩ ngay đến việc phải cho ra đời tạp chí đầu tiên chuyên về môn thể thao này. Tạp chí đó có tên là Tackle (Cú cản bóng) và viết các bài bình luận dưới bút danh Chancho”. Nhưng sau đó, ông thấy bút danh này không nghiêm túc nên đã đổi thành Chang-Cho, khiến người ta liên tưởng đến một cái tên của người Trung Quốc. Nhiều người đánh giá ông là một tiền vệ, nhưng với ông Diego Bonadeo, Che là một trung vệ thực thụ.

 

Năm 1951, Che Guevara rời đất nước Argentina và cuộc đời ông bước sang một trang khác. Diego Bonadeo kể: “Một ngày, trong trận đấu giữa các đội bóng của các trường đại học, tôi nghe lỏm được một câu chuyện không bao giờ quên. Đội bóng bầu dục trường đại học Y, nơi Che đang theo học, sắp phải ra sân thi đấu. Một cầu thủ thắc mắc không thấy Che chơi trong đội hình và một người khác trả lời: “Anh ấy đang làm cách mạng ở Panama”. Vị anh hùng du kích đã mang theo mình niềm đam mê bóng bầu dục trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc ở Cuba.

 

Ngọc Nhàn

Theo LCI

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm